Theo các chuyên gia, nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, không thu hút được sự quan tâm đầu tư của doanh nghiệp chủ yếu do rào cản, vướng mắc ở vấn đề tín dụng, đất đai và thủ tục hành chính…

GS Võ Tòng Xuân: ‘Cần phải có một định nghĩa rõ ràng về nông nghiệp công nghệ cao’

Trí Lâm | 22/12/2016, 16:51

Theo các chuyên gia, nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, không thu hút được sự quan tâm đầu tư của doanh nghiệp chủ yếu do rào cản, vướng mắc ở vấn đề tín dụng, đất đai và thủ tục hành chính…

Nhiều rào cản trong nông nghiệp công nghệ cao

So với các ngành khác, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hết sức khiếm tốn. Hiện nay mới chỉ4.080 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, chiếm dưới 1% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước và đa phần có quy mô vốn nhỏ, dưới 5 tỉ đồng. Trong số này, các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao còn hiếm hoi hơn nữa.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty ThaiBinh Seed nhận định, nền nông nghiệp của Việt Nam hiện nay có tốc độ tăng trưởng chậm lại, sức cạnh tranh thấp và phát triển kém bền vững. Các nguồn lực trong nước, bao gồm cả vốn và kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Cùng với đó, việc tiếp cận nguồn vốn trong nước đối với đầu tư trong nông nghiệp còn khó khăn.

Ông Báo cho rằng hiện nay chính sách đất đai chưa phù hợp, luật đất đai quy định như hiện nay thì rất khó thực hiện việc tích tụ ruộng đất.

Về thủ tục hành chính, ông Trần Mạnh Báo cho hay, cơ chế một cửa hành chính được doanh nghiệp hoan nghênh. Tuy nhiên, do năng lực quản lýđa ngành, đa cấp chưa tương ứng với yêu cầu nên hiện tượng “một cửa nhiều khoá” còn phổ biến; việc kiểm tra, thanh tra chồng chéo, giấy phép con vẫn thường gặp.

“Nhiều chính sách và pháp luật của nhà nước đã được ban hành nhưng văn bản hướng dẫn chậm, quản lý thi hành chồng chéo giữa nhiều cơ quan, do vậy hiệu lực yếu, tác động méo mó, kiềm chế sự phát triển sản xuất kinh doanh và hoạt động của cơ sở, xã hội”, ông Báo nói.

Ngoài ra, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân đã được pháp luật điều chỉnh nhưng không vững chắc, quan hệ hợp đồng dễ dàng bị phá bỏ. Nguyên nhân chính là do nền tảng văn hóa kinh doanh, năng lực bảo hộ kinh doanh của hệ thống tư pháp yếu và thiếu các định chế bảo hộ như bảo hiểm kinh doanh có sự tham gia của nhà nước, thiếu tínhliên kết giữahiệp hội nhà nông vàdoanh nhân cá thể. Nhà nước cần tăng cường vai trò là hướng dẫn, trọng tài và giám sát trong mối liên kết này.

Nói với Một Thế Giới, GSVõ Tòng Xuân bày tỏ việc ủng hộ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tuy nhiênông Xuân cho rằng, hiện nay chúng ta cũng chưa có một định nghĩa rõ ràng nhất về nông nghiệp công nghệ cao. Bởi thếai cũng chạy theo mốt làm công nghệ cao, tỉnh nào giờ cũng muốn có trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, nhưng hiện nay chủ yếu vẫn là mấy cái nhà kính, nhà màng, ứng dụng một số phương pháp nuôi cấy mô, tế bào… chứ cũng chưa có gì gọi là cao. Cứ nói công nghệ cao chung chung thì không ai biết là làm gì, cần phải nêu rõ công nghệ cao cụ thể là gì thì mới làm được.

“Vấn đề tôi muốn đặt ra là chúng ta có nên tiêu tốn rất nhiều tiền cho công nghệ cao mà chưa biết cụ thể công nghệ cao là gì? Nó làm được những gì, cải tiến được gì hay không? Chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ, bám sát thực tế chứ không nên bất chấp để chạy theo mốt”,GS Xuân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó chủ tịch CLB Nông nghiệp công nghệ cao nói, mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn và có những hạn chế về vốn, kết cấu hạ tầng, môi trường, cây, con giống, đào tạo người lao động, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm…

“Nông nghiệp công nghệ cao là việc ứng dụng đầy đủ các khoa học công nghệ. Đối tượng tham gia phải thay đổi tư duy nông nghiệp, phải đầu tư đầy đủ quy trình công nghệ cao trong sản xuất, quy trình sản xuất", ông Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ."Hiện nay cuộc cách mạng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nông sản, thực phẩm là sự bức thiết mà thế giới đang yêu cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ".

Cú hích từ gói tín dụng 50.000 tỉ

Doanh nhân Trần Mạnh Báo nêu rằng, các doanh nghiệp tư nhân nông nghiệp là những doanh nghiệp nhỏ, vốn ít và chưa có tài sản thế chấp, vì vậy việc tiếp cận vốn còn rất khó khăn. Hơn nữa, đặc điểm của đầu tư nông nghiệp là vòng quay chậm, chu kỳ tạo sản phẩm, tiêu thụ theo mùa vụ, rủi ro cao do phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, thiên nhiên.

Do đó, Nhà nước cần có chính sách riêng về nguồn vốn và điều kiện ưu đãi tiếp cận vốn từngân hàng và các quỹ đầu tư của nhà nước cho doanh nghiệp nông nghiệp. Kết hợp mở rộng chế độ bảo hiểm tự nguyện với xác lập và công bố rõ chế độ hỗ trợ khi đầu tư kinh doanh nông nghiệp gặp thiên tai, trong đó có bảo lãnh để dành ân hạn cho các khoản vay đầu tư nông nghiệp.

Theo ông Báo, hầu hết doanh nghiệp tư nhân nông nghiệp là những doanh nghiệp nhỏ, đầu tư vào nông nghiệp lợi nhuận thấp, rủi ro cao, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức thấp hơn các ngành khác mới hợp lý, không nên áp dụng một mức chung như tất cả các ngành hiện nay.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nông nghiệp nếu có lãi cũng rất ít, vì vậy Nhà nước sau khi thu thuế thu nhập doanh nghiệp không nên thu thuế thu nhập cá nhân (từ cổ tức) của các cổ đông của doanh nghiệp nông nghiệp, vì họ là nhà đầu tư, đồng thời là cổ đông và người lao động trong doanh nghiệp.

“Đề nghị miễn thuế nhập khẩu tất cả các loại thiết bị cho các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp, kể cả thiết bị nghiên cứu, chế biến, bảo quản giống, nông sản, thủy sản, lâm sản…; cần có chính sách đầu tư hạ tầng nông nghiệp, đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm mới trong các doanh nghiệp”, ông Báo nhấn mạnh.

Để giải quyết tình trạng này, trong môt cuộc hội thảo gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ, để giải quyết vấn đề tín dụng phải có một gói tín dụng 50 - 60 nghìn tỉ đồng để phục vụ công việc này với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất, nhưng không chỉ cho một ngân hàng thương mại làm việc này mà cho nhiều ngân hàng thương mại cùng tham gia. Bởi nguyên tắc quan trọng của kinh tế thị trường là cạnh tranh, từ đó, mới nâng cao chất lượng tín dụng, chống tiêu cực, chi phí không chính thức.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu rằng, không phải địa phương nào được quy hoạch trong các vùng nông nghiệp công nghệ cao thì mới được phép đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Thay vào đó, cần phải bảo đảm rằng mọi nông dân Việt Nam bất kể vùng miền nào, bất kể quy mô nào, tính chất như thế nào cũng được khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Cùng với đó, Chính phủ đang thí điểm thành lập ngân hàng về quỹ đất và xem xét việc hình thành thị trường quyền sử dụng đất để nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng đất. Cùng với tín dụng, cần thành lập phát triển một số quỹ bảo hiểm nông nghiệp, quỹ hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp.

Nêu ý kiến về vấn đề này, GS Võ Tòng Xuân bày tỏ: “Tôi nghĩ Thủ tướng đưa ra gói tín dụng là cơ hội tốt cho những người trước nay có ý tưởng phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhưng vì thiếu vốn, thiếu cơ chế mà chưa thực hiện được. Tuy nhiên, cơ chế cho vay vốn cần phải thông thoáng, dễ dàng chứ việc cho vay vốn mà nhiêu khê, thủ tục khắt khe thì chính sách này cũng không đi đến đâu”.

Tuy nhiên, ông Xuân cũng khuyến cáo, việc cho vay cũng cần phải cân nhắc kỹ, đối với các doanh nghiệp đã có mô hình sản xuất thử, cảm thấy khả quan thì hãy mạnh dạn vay chứ nếu bây giờ vay để nghiên cứu thì không ổn, có thể nướng hết số tiền vay mà không có kết quả.

Hoàng Long
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
GS Võ Tòng Xuân: ‘Cần phải có một định nghĩa rõ ràng về nông nghiệp công nghệ cao’