Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nhận định, việc cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư lĩnh vực đường sắt sẽ giúp Nhà nước huy động vốn để thực hiện các dự án lớn trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nợ công tăng cao như hiện nay...

Hà Nội ‘mở cửa’ cho tư nhân đầu tư, phá thế độc quyền ngành đường sắt

Trí Lâm | 27/06/2017, 13:27

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nhận định, việc cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư lĩnh vực đường sắt sẽ giúp Nhà nước huy động vốn để thực hiện các dự án lớn trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nợ công tăng cao như hiện nay...

Tại Hội nghị Hà Nội 2017 –Hợp tác đầu tư và Phát triển vừa diễn ra, lãnh đạo TP.Hà Nội đã trao bản ghi nhớ về việc Tập đoàn Vingroup sẽ đầu tư khoảng 100.000 tỉ đồng xây dựng 1 tuyến đường sắt đô thị, bên cạnh những tuyến hiện đang sử dụng vốn ngân sách. Tuy nhiên, Vingroup sẽ thực hiện đoạn đường nào thì chưa được công bố.

Vingroup cũng đang đề xuất TP.Hà Nội cho phép tham gia nghiên cứu đầu tư các đoạn tuyến trong 5 tuyến đường sắt đô thị.

Cụ thể, ở tuyến số 2, tập đoàn này muốn tham gia đoạn Nội Bài - Nam Thăng Long. Với tuyến số 3 là đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai (Yên Sở) và đoạn Nhổn - Trôi - Sơn Tây. Với tuyến số 5, hai đoạn được đề xuất là đoạn Văn Cao - Vành đai 4 và đoạn Vành đai 4 - Hòa Lạc. Tuyến số 6 là đoạn Nội Bài - Phú Diễn - Hà Đông - Ngọc Hồi. Tuyến số 8 tập đoàn này muốn đầu tư 2 đoạn Sơn Đồng - Mai Dịch và đoạn Mai Dịch - Vành đai 3 - Dương Xá.

Khi triển khai, dự án này hứa hẹn sẽ là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng hoàn toàn bằng nguồn vốn tư nhân. Đây là một thông tin rất đáng mừng bởi theo nhiều chuyên gia, từ trước đến nay, việc kêu gọi vốn ngoài Nhà nước vào ngành đường sắt tương đối khó khăn.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội bày tỏ sự hoan nghênh đối với việc mở cửa cho tư nhân đầu tư vào lĩnh vực đường sắt: “Chính sách của chúng ta là mở cửa cho mọi thành phần kinh tế đầu tư vào hạ tầng giao thông cũng như những ngành sản xuất khác...”.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội hoan nghênh việc mở cửa cho tư nhân đầu tư vào đường sắt

Ông Liên cho rằng, việc cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư lĩnh vực đường sắt sẽ giúp Nhà nước huy động vốn để thực hiện các dự án lớn. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nợ công tăng cao như hiện nay, việc vay vốn nước ngoài cũng ngày càng áp lực thì việc huy động nguồn vốn tư nhân trong các dự án này là điều rất đáng hoan nghênh và là giải pháp rất hữu hiệu.

“Tư nhân làm cũng sẽ nhanh hơn, tránh được thất thoát vì tiền của họ bỏ ra thì họ phải tính toán chặt chẽ, tiết kiệm, chất lượng công trình phải đảm bảo. Còn Nhà nước làm thì nhiều khi vẫn xảy ra thất thoát, lãng phí, chậm tiến độ”, ông Liên nêu.

Ông Liên cũng chia sẻ: “Các nước khác khiđầu tư đường sắt đô thị thì tư nhân làm hết, không có đơn vị quốc doanh nào làm. Tôi cho rằng Việt Nam cũng cần phải đổi mới theo hướng này. Cơ quan nhà nước cần phải có chính sách để thúc đẩy điều này”.

Theo vị này, cơ quan Nhà nước cần phải xây dựng một quy trình chính sách về đầu tư, thu hồi vốn và có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới đường sắt đô thị gồm 8 tuyến với tổng chiều dài khoảng 318km. Hiện Hà Nội mới chỉ xây dựng 2 tuyến đường sắt đô thị là Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội. Kinh phí cho 8 tuyến này ước tính trung bình khoảng 2.200 - 3.000 tỉ đồng/km sẽ tốn khoảng 890.000 tỉ đồng (40 tỉ USD).

Do đó, trong buổi làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành thành phố Hà Nội hồi đầu tháng 2.2017, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: "Từ kinh nghiệm thực hiện 2 dự án đường sắt đô thị, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế để tăng cường huy động nguồn lực trong nước hoặc nước ngoài thay cho nguồn vốn ODA để thực hiện các dự án đường sắt đô thị khác. Trong đó tập trung tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia triển khai các dự án để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giảm chi phí xây dựng, thúc đẩy phát triển năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam".

Phó thủ tướng cũng cho rằng khi doanh nghiệp nội thực hiện giá sẽ rẻ hơn và nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt. Toa tàu, thiết bị có thể mua nước ngoài nhưng xây dựng hầm, đào hầm, đường sắt, trụ móng, dầm, nhà ga... công ty trong nước có thể làm được.

Trong phiên thảo luận về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14 vừa qua, ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng nguyên nhân yếu kém của ngành đường sắt là “do độc quyền kéo dài”. Do đó, ngành đường sắt không tạosự hấp dẫn, không thu hút được đầu tư của doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Đồng tình, đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) cho rằng doanh nghiệp nhà nước không nhất thiết phải lo cạnh tranh với doanh nghiệp khác mà nên trở thành chỗ dựa để hỗ trợ, kiến tạo cho doanh nghiệp các thành phần kinh tế khác tham gia, phát triển. Vị này cũng cho rằng nên tập trung ưu đãi, thu hút đầu tư khu vực ngoài nhà nước để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa, đủ khả năng cạnh tranh với các loại hình vận tải khác.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội ‘mở cửa’ cho tư nhân đầu tư, phá thế độc quyền ngành đường sắt