Đêm 20.11 (theo giờ Việt Nam), Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ vừa thông qua nghị quyết kêu gọi giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp hiện nay tại Biển Đông và Hoa Đông.

Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết về Biển Đông và Hoa Đông

21/11/2014, 10:24

Đêm 20.11 (theo giờ Việt Nam), Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ vừa thông qua nghị quyết kêu gọi giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp hiện nay tại Biển Đông và Hoa Đông.

Nghị quyết của Hạ viện Mỹ tái khẳng định sự cần thiết phải giải quyết các tranh chấp biển và quyền tài phán tại Biển Đông và Hoa Đông thông qua các biện pháp hòa bình và phối hợp, theo các nguyên tắc luật pháp quốc tế đã được công nhận trên toàn thế giới.

Nghị quyết cũng tái khẳng định sự ủng hộ của chính phủ Mỹ đối với tự do hàng hải và việc sử dụng hợp pháp vùng trời và vùng biển tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Ed Royce cho biết:

“Nghị quyết kêu gọi giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp lãnh thổ hiện nay tại Biển Đông, một trung tâm thương mại quan trọng với nhiều tuyến hàng hải, nguồn năng lượng và ngư trường. Đây là bản thiết kế để giải quyết các tranh chấp này một cách hòa bình”.

Nghị quyết của Hạ viện Mỹ khẳng định, các khu vực biển tại châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả vùng biển và vùng trời, đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thịnh vượng, ổn định và an ninh của khu vực cũng như thương mại toàn cầu.

Các nước ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông vào năm 2002, theo đó các bên cam kết tôn trọng và đảm bảo tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông theo các nguyên tắc luật pháp quốc tế đã được công nhận trên toàn thế giới, cũng như giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

Tuy nhiên căng thẳng đã gia tăng tại các khu vực biển và lãnh thổ có tranh chấp kể từ thời điểm đó.

Nghị quyết nêu rõ, tàu Trung Quốc đã cố tình đâm tàu tuần duyên Nhật Bản tại biển Hoa Đông, bắn tàu cá của Philippines, 2 lần cắt cáp tàu Việt Nam đang đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sử dụng súng đe dọa 4 tàu đánh cá Việt Nam tại vùng biển gần quần đảo Trường Sa.

Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc còn mời thầu thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào năm 2012 và hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam vào tháng 5/2014. Hơn 80 tàu Trung Quốc, trong đó có 7 tàu quân sự, đã được triển khai tại đây để hậu thuẫn hành động khiêu khích này cũng như nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực.

Các tàu hộ tống giàn khoan 981 đã hăm dọa tàu cảnh sát biển Việt Nam, vi phạm Công ước các quy tắc quốc tế về phòng ngừa va chạm trên biển.
Chính phủ Mỹ quan ngại sâu sắc về những hành động đơn phương nhằm ngăn cản nước khác thực thi quyền chủ quyền đối với các nguồn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước đó thông qua những đòi hỏi chủ quyền không dựa trên luật pháp quốc tế, tuyên bố thành lập đơn vị hành chính và quân sự trên các khu vực tranh chấp tại Biển Đông và Hoa Đông, cũng như áp dụng quy định đánh bắt cá mới tại các vùng tranh chấp, gây gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Tàu Trung Quốc còn đâm va, sử dụng trực thăng và vòi rồng để ngăn cản các tàu Việt Nam, đồng thời thiết lập khu vực cấm qua lại với bán kính 3 hải lý xung quanh giàn khoan 981. Các hành động trên nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực.

Ngoài ra, Trung Quốc còn đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông với những quy định vi phạm Công ước Chicago của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế.

Nghị quyết của Hạ viện Mỹ nhấn mạnh, tự do hàng hải và việc sử dụng hợp pháp vùng biển và vùng trời đã được quy định trong luật pháp quốc tế chứ không phải do bất kỳ quốc gia nào ban phát.

Chính phủ Mỹ quan ngại sâu sắc về những hành động đơn phương nhằm ngăn cản nước khác thực thi quyền chủ quyền đối với các nguồn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước đó thông qua những đòi hỏi chủ quyền không dựa trên luật pháp quốc tế, tuyên bố thành lập đơn vị hành chính và quân sự trên các khu vực tranh chấp tại Biển Đông và Hoa Đông, cũng như áp dụng quy định đánh bắt cá mới tại các vùng tranh chấp, gây gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Phát biểu tại phiên bỏ phiếu thông qua nghị quyết, Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega cho biết: “Dù không phải là bên liên quan đến các tranh chấp biển tại Biển Đông hay Hoa Đông nhưng Mỹ có lợi ích trong việc giải quyết một cách hòa bình, thông qua con đường ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế đối với các đòi hỏi gây tranh cãi.
Mỹ có lợi ích trong tự do hàng hải và hàng không, các hoạt động thương mại tự do không bị cưỡng ép, hăm dọa hoặc sử dụng vũ lực”.

Nghị quyết tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ Mỹ đối với việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên biển tại biển Đông và Hoa Đông một cách hòa bình, đồng thời cam kết tiếp tục các nỗ lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho một tiến trình hòa bình và phối hợp để giải quyết các tranh chấp này.

Nghị quyết cũng tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Hạ viện Mỹ đối với tự do hàng hải và hàng không, lên án các hành động cưỡng ép, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực bằng tàu quân sự hoặc dân sự nhằm cản trở sự tự do này tại các vùng biển quốc tế, thay đổi hiện trạng hoặc gây mất ổn định tại châu Á-Thái Bình Dương.

Hạ viện Mỹ hối thúc Trung Quốc kiềm chế, không thực thi Vùng nhận dạng phòng không mà nước này đơn phương tuyên bố tại biển Hoa Đông, đồng thời hối thúc các nước ASEAN, tất cả nước đồng minh và đối tác của Mỹ cũng như các bên đòi hỏi chủ quyền giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và công bằng, bao gồm việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông.

Hạ viện Mỹ ủng hộ chính phủ Mỹ tiếp tục có những hành động ủng hộ tự do hàng hải tại các vùng biển và vùng trời quốc tế tại Biển Đông và Hoa Đông, khuyến khích chính phủ Mỹ tăng cường các quan hệ đối tác trong khu vực nhằm xây dựng năng lực trong nhận thức về biển, đảm bảo tự do hàng hải, duy trì hòa bình và ổn định cũng như sự tôn trọng đối với các nguyên tắc luật pháp quốc tế đã được công nhận trên toàn thế giới.
bien dong
Sau khi bị tàu Trung Quốc đâm, một tàu cá Việt Nam chỉ còn mảnh gỗ nổi lên- Ảnh TL

Nhật Quỳnh-Huy Hoàng (Theo VOV.VN)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
5 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết về Biển Đông và Hoa Đông