Quỹ vắc xin phòng COVID-19 có thể lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Việc quản lý dòng tiền ấy sao cho minh bạch là điều dư luận quan tâm.
Thủ tướng Chính phủ ngày 26.5 đã chính thức ký thành lập Quỹ vắc xin phòng COVID-19. Theo đó, quỹ được thành lập để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vắc xin của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân. Quỹ này sẽ do Bộ Tài chính quản lý.
Sau quyết định thành lập quỹ, nhiều câu hỏi về tính minh bạch trong việc kiểm soát dòng tiền sẽ được quản lý như thế nào. Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, trước hết nói về lý do thành lập quỹ, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Y tế có tính toán dự kiến cần mua khoảng 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25.200 tỉ đồng.
"Đây là nguồn kinh phí rất lớn. Do đó cần thiết phải huy động thêm các nguồn lực đóng góp mang tính thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để cùng với nhà nước mua đủ số lượng vắc xin tiêm kịp thời cho người dân", ông Hưng cho hay.
Về nguyên tắc hoạt động của quỹ, ông Hưng nói quỹ sẽ được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại. Nếu các doanh nghiệp, người dân muốn đóng góp vào quỹ thì hoàn toàn có thể chuyển tiền qua hệ thống các ngân hàng thương mại. Thủ tướng cũng đã giao Bộ Tài chính làm việc với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Y tế để chuyển vào quỹ các khoản tiền mà một số doanh nghiệp đã đóng góp hỗ trợ cho Chính phủ để mua vắc xin.
"Chúng tôi đang khẩn trương hoàn thiện quy chế này, trong trường hợp cần thiết sẽ phải xin ý kiến thêm của Bộ Y tế và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để hoàn thiện. Dự kiến muộn nhất tuần sau sẽ phối hợp với các đơn vị để ban hành được quy chế. Hiện tại, khi quy chế hoạt động của quỹ chưa được ban hành, các tổ chức và cá nhân vẫn có thể tiếp tục đóng góp thông qua Mặt trận Tổ quốc hoặc Bộ Y tế, sau đó chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan này để chuyển các khoản đóng góp đó về Quỹ vắc xin phòng COVID-19", ông Hưng nói.
Về mức đóng góp vào quỹ, ông Hưng cho rằng việc đóng góp là tự nguyện nên không có mức tối thiểu và tối đa đóng bao nhiêu. Mỗi đồng dù là nhỏ nhất cũng đều đáng trân trọng và sẽ được công khai, minh bạch.
Theo ông Hưng, số thu của quỹ sẽ được công khai minh bạch trên trang web của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước. Trong trường hợp cần thiết sẽ có thanh tra, kiểm toán theo quy định. Trong quá trình sử dụng thì mục tiêu sử dụng chủ yếu để mua vắc xin hoặc hỗ trợ sản xuất vắc xin trong nước.
"Căn cứ vào yêu cầu thực tế và căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ xuất tiền từ quỹ. Như vậy chúng tôi cho rằng quỹ sẽ được quản lý, sử dụng hoàn toàn công khai, minh bạch", ông Hưng nhấn mạnh.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, ngân sách trung ương đã chi cho phòng chống dịch COVID-19 trong năm 2020 cho đến nay khoảng 3.000 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí mua vắc xin hơn 1.230 tỉ đồng, mua sắm các vật tư, hóa chất, sinh phẩm và trang thiết bị y tế 503 tỉ đồng...
Liên quan đến việc tiếp nhận hỗ trợ từ các tổ chức trong việc phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế ngày 21.5 đã nhận 160 tỉ đồng và 4 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 từ ngành ngân hàng và một số doanh nghiệp. Ngày 25.5, Bộ Y tế tiếp nhận thêm 125 tỉ đồng, 1 triệu USD và 1 triệu liều vắc xin từ 8 tập đoàn, doanh nghiệp cho việc mua và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.