Những tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016, một vấn đề được nhiều người quan tâm là việc các tập đoàn Thái Lan tràn vào Việt Nam với một quy mô lớn chưa từng có. Khác với phần lớn những tập đoàn nước ngoài khác vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, người Thái lại có một cách tiếp cận khác hẳn: họ hướng tới thâu tóm các doanh nghiệp nội địa lớn.
Nhưng đó mới chỉ là phần mở đầu của vấn đề: các tập đoàn và doanh nghiệp Thái Lan đang hướng tới thâu tóm thị trường nội địa của Việt Nam bằng hàng hóa đến từ Thái Lan. Chúng ta đã nói quá nhiều về việc cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc đa dạng và giá rẻ, mà quên mất rằng người đang muốn xâu xé thị trường Việt Nam không chỉ có mình Trung Quốc. Đó là cái giá mà Việt Nam đang phải trả cho việc phát triển một nền kinh tế thiên lệch.
Hàng hóa Việt Nam lép vế trước hàng Thái Lan, Campuchia
Không khó để nhận ra cách thức tiếp cận đầu tư vào thị trường Việt Nam theo một cách khác hẳn của các tập đoàn và doanh nghiệp Thái Lan. Nếu như hầu hết các tập đoàn nước ngoài sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư chủ yếu tập trung vào mảng sản xuất, để tận dụng ưu thế về giá nhân công rẻ và xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ và EU, thì các tập đoàn và doanh nghiệp Thái Lan lại hướng đến thâu tóm thị trường nội địa Việt Nam. Các doanh nghiệp này thực hiện mục tiêu đó bằng 2 cách: thâu tóm các doanh nghiệp nội địa lớn của Việt Nam đang chiếm thị phần lớn tại thị trường trong nước, và tăng cường xuất khẩu hàng hóa sản xuất tại Thái Lan sang thị trường Việt Nam.
Trên thực tế, hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan đang ngày càng chiếm một thị phần lớn tại thị trường Việt Nam, thậm chí ở ngay các lĩnh vực được coi là thế mạnh của Việt Nam như hàng nông sản. Theo thống kê, khoảng 40% rau củ quả đang được bày bán tại các siêu thị và các cửa hàng bán lẻ của Việt Nam là đến từ Thái Lan. Thực tế là xu hướng Việt Nam nhập khẩu rau quả Thái Lan đã xuất hiện từ lâu. Theo con số thống kê của Tổng cục hải quan, từ năm 2010 Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 44 triệu USD rau quả từ Thái Lan, con số này liên tục gia tăng, chỉ trong 11 tháng đầu năm 2015 đã lên tới 190 triệu USD. Không chỉ rau quả, mà hầu hết các mặt hàng may mặc, đồ gia dụng, điện tử điện lạnh nhập khẩu từ Thái Lan cũng chiếm khoảng 70% thị phần tại thị trường Việt Nam.
Ở thời điểm hiện tại, thị trường Việt Nam đang thực sự bị xâu xé bởi hai quốc gia láng giềng trong khu vực là Trung Quốc và Thái Lan. Và điều đáng lo ngại là hàng hóa từ mỗi quốc gia này lại chiếm một phân khúc thị trường riêng. Nếu như hàng Trung Quốc có ưu thế giá rẻ và chất lượng không cao, thì hàng Thái Lan lại có giá thành cao hơn hàng Việt Nam từ 10-20% nhưng có chất lượng tốt, và đang dần chiếm lĩnh thị phần tiêu dùng mà trước đây hàng Việt có ưu thế là thị phần của tầng lớp trung lưu.
Điều này đang dần đẩy hàng hóa và khả năng sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam ra khỏi những phân khúc quan trọng nhất của thị trường nội địa. Trong phân khúc hàng hóa giá rẻ, chúng ta không thể cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc; còn trong phân khúc hàng hóa chất lượng cao có giá thành cao hơn, chúng ta lại không thể cạnh tranh được với hàng hóa Thái Lan. Khi 2 phân khúc lớn nhất và quan trọng nhất của thị trường đã bị đoạt mất, thì đó cũng là tiếng chuông báo tử cho nền sản xuất Việt Nam.
Không những không thể cạnh tranh với hàng Thái Lan mà hàng Việt Nam còn đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi hàng hóa đến từ Campuchia. Trong một số lĩnh vực như thực phẩm, hàng Campuchia đang lấn lướt hàng Việt Nam, chủ yếu ở khu vực Nam Bộ nơi tiếp giáp Campuchia. Vấn đề chủ yếu ở đây cũng không có gì khác biệt: hàng Campuchia có chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp và lại có giá thành rẻ hơn.
Hậu quả của một nền kinh tế thiên lệch
Không khó để chỉ ra những nguyên nhân cơ bản khiến cho hàng hóa Việt Nam không thể cạnh tranh nổi với hàng Thái Lan hay thậm chí là hàng Campuchia: các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam có quy mô quá nhỏ, không đủ khả năng trang bị những dây chuyền sản xuất quy mô lớn và hiện đại, dẫn đến sản phẩm có chất lượng kém và giá thành cao. Đây cũng đang là những vấn đề chung cho hầu hết các lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế Việt Nam như nông nghiệp, chứ không chỉ riêng gì lĩnh vực sản xuất.
Tất cả những nguyên nhân này đều xuất phát từ việc Việt Nam đã duy trì một nền kinh tế thiên lệch ở mức độ đáng ngại trong một thời gian dài. Trong nhiều năm qua, phần lớn sự tập trung của nền kinh tế được dành cho khối quốc doanh và khối đầu tư nước ngoài (FDI) với những ưu đãi lớn về nguồn vốn, thuế và đất đai; trong khi mức đầu tư cho giới doanh nghiệp tư nhân nội địa lại không tương xứng. Tình trạng này được kéo dài lâu ngày đã tạo nên một sự nghịch lý trong nền kinh tế Việt Nam: trong khi các doanh nghiệp FDI tăng cường xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU hay Nhật Bản với tỷ trọng ngày càng tăng, thì doanh nghiệp nội địa lại ngày càng thụt lùi và bị lấn lướt bởi hàng hóa từ các nước láng giềng trong khu vực vốn có năng lực sản xuất kém hơn rất nhiều. Nói cách khác, vấn đề lớn nhất trong nền kinh tế thiên lệch ở Việt Nam hiện nay là: chúng ta dồn toàn lực cho khối FDI đi tấn công các thị trường phương Tây, còn thị trường nội địa thì để mặc cho hàng hóa từ các nước trong khu vực lấn lướt và xâu xé.
Về cơ bản, đây là hệ quả của một tầm nhìn ngắn hạn và mang tính thô sơ về cách thức phát triển của một nền kinh tế. Khu vực FDI đúng là mang lại những lợi ích lớn như giải quyết vấn đề việc làm, tăng nguồn thu từ nộp thuế và đẩy mạnh xuất khẩu. Nhưng tất cả những lợi ích này chỉ là trong ngắn hạn. Một khi điều kiện và tình hình kinh doanh không còn thuận lợi, hầu hết các doanh nghiệp FDI sẽ chọn cách ra đi, giống như những gì họ đã làm ở Trung Quốc.
Về lâu dài, yếu tố cơ bản đem lại sức mạnh cho nền kinh tế Việt Nam vẫn là các doanh nghiệp nội; nhưng khi mà chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam bị đẩy lên quá cao với lãi suất vốn vay đầu tư sản xuất lên tới 13-15% trong khi ở Trung Quốc chỉ là 5%, ở Thái Lan chỉ là 3% thì gần như doanh nghiệp nội địa Việt Nam không có cơ hội cạnh tranh.
Ngoài vấn đề tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp, thì doanh nghiệp nội địa Việt Nam cũng đứng trước sức ép của nhiều loại thuế phí. Theo thống kê, số lượng thuế mà các doanh nghiệp Việt Nam phải gánh thuộc diện đứng đầu khu vực. Gánh nặng tài chính do lãi suất đi vay cao và đóng thuế quá nhiều khiến cho hàng hóa Việt Nam gặp bất lợi nghiêm trọng khi cạnh tranh với hàng nước ngoài, do nó tác động trực tiếp vào quá trình sản xuất, khiến chi phí sản xuất bị đội lên làm cho giá cả tăng và chất lượng bị giảm xuống.
Có lẽ đã đến lúc Việt Nam cần phải chấm dứt sự thiên lệch đáng báo động trong nền kinh tế hiện nay, nếu như không muốn thị trường nội địa tiếp tục bị xâu xé bởi hàng hóa nước ngoài, cũng như nếu muốn giải phóng sức lực của khu vực kinh tế năng động nhất trong nền kinh tế Việt Nam. Khi không thể cạnh tranh nổi với thậm chí là hàng hóa Campuchia, thì đó cũng là dấu hiệu cho sự khai tử nền sản xuất của Việt Nam, nếu như không có sự cải tổ và thay đổi mạnh mẽ từ tận bên trong.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, Vnmedia, Enternews)