Một hiệp ước khoa học và công nghệ quan trọng giữa Mỹ với Trung Quốc đã hết hạn mà không có nhiều bằng chứng rõ ràng về sự tiến triển trong gia hạn sau một năm trì hoãn. Lý do vì Mỹ lo ngại Trung Quốc được hưởng lợi từ hiệp ước đã tồn tại hàng thập kỷ này.
Nhịp đập khoa học

Hiệp ước KHCN quan trọng Mỹ - Trung chưa thấy dấu hiệu gia hạn

Sơn Vân 30/08/2024 17:15

Một hiệp ước khoa học và công nghệ quan trọng giữa Mỹ với Trung Quốc đã hết hạn mà không có nhiều bằng chứng rõ ràng về sự tiến triển trong gia hạn sau một năm trì hoãn. Lý do vì Mỹ lo ngại Trung Quốc được hưởng lợi từ hiệp ước đã tồn tại hàng thập kỷ này.

Việc gia hạn Hiệp định Khoa học và Công nghệ Mỹ - Trung Quốc (STA), thỏa thuận song phương đầu tiên được ký kết giữa hai nước vào năm 1979, đã bị hoãn lại hai lần kể từ tháng 8.2023. Lần gia hạn 6 tháng gần đây nhất đã hết hạn hôm 27.8.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 29.8 cho biết: "Tôi không có thông tin gì thêm để chia sẻ vào thời điểm này".

Hôm 28.8, quan chức đó nói rằng hai bên đã "trao đổi về STA, gồm cả các biện pháp bảo vệ cần thiết xung quanh bất kỳ sự hợp tác nào như vậy, những điều khoản tăng cường về tính minh bạch và tính có đi có lại của dữ liệu khoa học".

"Mỹ vẫn cam kết thúc đẩy, bảo vệ lợi ích của Mỹ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Chúng tôi không có thông tin gì thêm để chia sẻ về tình trạng của thỏa thuận tại thời điểm này", quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm.

Cuối ngày 29.8, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết hai nước đang duy trì liên lạc về vấn đề này. "Chúng tôi không có thêm bình luận nào về vấn đề đó", phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington trả lời câu hỏi của trang SCMP.

Trước thời hạn chót, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nói với SCMP rằng: "Hợp tác khoa học và công nghệ giữa Trung Quốc với Mỹ có lợi cho cả hai bên".

"Theo tôi biết, hai bên đã duy trì liên lạc về việc gia hạn", phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết hôm 22.8.

Việc thảo luận về hiệp ước diễn ra trùng với thời điểm cuộc đua giành chức Tổng thống Mỹ đang diễn ra sôi nổi trước thềm cuộc bầu cử vào ngày 5.11.

Trong cuộc đua này, đảng Cộng hòa đã cáo buộc ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ, gồm Phó tổng thống Kamala Harris và người bạn đồng hành của bà là Thống đốc bang Minnesota - Tim Walz, quá thân thiết với Trung Quốc.

Chỉ vài giờ trước khi hiệp ước sắp hết hạn hôm 27.8, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết sẽ "công bố thông tin liên quan vào thời điểm thích hợp".

"Trung Quốc và phía Mỹ đang duy trì liên lạc về vấn đề này", Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington thông báo cuối ngày 27.8.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói hôm 23.8 rằng bộ này đang đàm phán thay mặt cho chính phủ Mỹ để "hiện đại hóa thỏa thuận, phản ánh tình trạng hiện tại của mối quan hệ song phương".

"Chúng tôi không phán đoán trước kết quả", người phát ngôn này nói.

Cuộc thảo luận cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng âm ỉ trên nhiều mặt trận giữa hai siêu cường kinh tế.

Tuần này, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tại Bắc Kinh để ổn định mối quan hệ song phương đang bị thử thách bởi những bất đồng của họ về Đài Loan, Biển Đông, thuế quan và fentanyl.

Fentanyl là loại thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid, được sử dụng để điều trị cơn đau nghiêm trọng, thường là sau phẫu thuật hoặc trong các trường hợp bệnh mãn tính mà các loại thuốc khác không đủ hiệu quả. Fentanyl mạnh hơn morphine khoảng 50 đến 100 lần, nên rất hiệu quả trong việc giảm đau.

ly-do-hiep-uoc-khcn-quan-trong-my-trung-het-han-ma-chua-thay-dau-hieu-gia-han.jpg
Mối quan ngại của Mỹ về cách Trung Quốc khai thác hiệp định khoa học và công nghệ đã trì hoãn việc gia hạn - Ảnh: Shutterstock

Ban đầu được ký bởi Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và ông Đặng Tiểu Bình phía Trung Quốc, hiệp ước có ý nghĩa tượng trưng này đã được gia hạn sau mỗi 5 năm kể từ khi có hiệu lực, với lần gia hạn gần đây nhất là vào 2018 dưới thời Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump.

Sau tháng 8.2023, khi hiệp ước này bên bờ vực hết hạn, hai nước đã gia hạn 2 lần, mỗi lần 6 tháng, để đàm phán các điều khoản.

Vào tháng 3, Ủy ban Đối ngoại thuộc Hạ viện Mỹ đã nhất trí thông qua một dự luật nhằm áp đặt sự giám sát chặt chẽ hơn của Quốc hội với các nỗ lực trong tương lai của Bộ Ngoại giao nhằm ký kết, gia hạn hoặc mở rộng bất kỳ thỏa thuận khoa học và công nghệ nào với Trung Quốc.

Trong nhiều thập kỷ, thỏa thuận hiện tại đã thúc đẩy sự hợp tác khoa học bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính, pháp lý và chính trị cho các nhà nghiên cứu Mỹ lẫn Trung Quốc.

Theo Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội, các thỏa thuận phụ theo STA bao gồm các lĩnh vực nghiên cứu như nông nghiệp, năng lượng, môi trường, phản ứng tổng hợp hạt nhân và an toàn cũng như khoa học trái đất, khí quyển, biển và viễn thám.

Những người ủng hộ cho rằng thỏa thuận này bảo vệ các nhà nghiên cứu Mỹ làm việc tại Trung Quốc và hỗ trợ nghiên cứu tại Mỹ bằng cách cấp quyền truy cập vào các cơ sở dữ liệu quan trọng của Trung Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực như nghiên cứu sức khỏe.

Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng sự giám sát và kiểm soát của chính quyền Trung Quốc với các dự án khoa học và công nghệ địa phương. Điều này có thể đã cho phép Trung Quốc lợi dụng thỏa thuận STA để đạt được lợi ích riêng,

Họ lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng thỏa thuận này để cải thiện kỹ năng của mình và tận dụng sự phân tán trong hệ thống học thuật của Mỹ để đạt được lợi thế, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chiến lược như ô tô điện và năng lượng tái tạo.

Vào tháng 6, Ủy ban đặc biệt về Trung Quốc thuộc Hạ viện đã yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ cung cấp thông tin "để đánh giá thiệt hại đã gây ra cho an ninh quốc gia Mỹ" do STA.

"Chúng tôi tin rằng STA Mỹ - Trung Quốc là một phương tiện để cung cấp cho Trung Quốc quyền tiếp cận nghiên cứu cho mục đích kép (cả dân sự và quân sự) của Mỹ và gây ra rủi ro rõ ràng cho an ninh quốc gia. Chính quyền Biden phải ngừng tiếp tay cho sự tự hủy hoại chúng ta và để cho STA hết hạn", các nhà làm luật đảng Cộng hòa cho biết trong một lá thư.

Theo chuyên gia Denis Simon thuộc Viện Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Duke, quá trình gia hạn kéo dài của thỏa thuận sau nhiều thập kỷ gia hạn không gây tranh cãi đã làm nổi bật những vấn đề mới phức tạp nảy sinh giữa hai bên.

Denis Simon cho biết: "Nhiều vấn đề trọng tâm đang được thảo luận đơn giản là không phải là vấn đề của năm 1979, chẳng hạn bảo mật dữ liệu và bảo mật cá nhân. STA cũ đã trở nên gần như lỗi thời, vì vậy việc gia hạn chuyển sang xây dựng một thỏa thuận mới cập nhật hơn và phản ánh thực tế của năm 2024 chứ không phải tình hình 40 năm trước".

Khi Bộ Ngoại giao Mỹ và Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington tiếp tục tuyên bố rằng họ vẫn tham gia làm việc về thỏa thuận, thì "ít nhất là không bên nào bỏ cuộc trong thất vọng và rời khỏi bàn đàm phán", Denis Simon nói.

Hôm 29.8, Thứ trưởng Mỹ phụ trách Khoa học và không gian tại Bộ Ngoại giao đã đồng chủ trì một cuộc họp với Đại sứ Nhật Bản về hợp tác khoa học và công nghệ.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, họ đã xem xét tiến độ hợp tác trong các lĩnh vực như lượng tử, hợp hạch và trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời tăng cường hợp tác trong các công nghệ mới nổi bao gồm điện toán hiệu suất cao.

Hợp hạch là quá trình kết hợp hai hạt nhân nhẹ để tạo thành một hạt nhân nặng hơn, đồng thời giải phóng một lượng lớn năng lượng. Đây là một quá trình cơ bản trong vật lý hạt nhân và là nguồn năng lượng chính của các ngôi sao, bao gồm cả Mặt trời.

Bài liên quan
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung đồng ý tái đàm phán hiệp ước KH-CN mang tính lịch sử
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý rằng các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu để gia hạn thỏa thuận khoa học và công nghệ (STA) có tuổi đời hàng thập kỷ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
11 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệp ước KHCN quan trọng Mỹ - Trung chưa thấy dấu hiệu gia hạn