Mỗi đất nước đều có cách ăn mừng ngày Quốc khánh riêng biệt, thể hiện đặc trưng văn hóa, lịch sử và con người ở những vùng đất khác nhau.
Mỹ
Đối với người dân Mỹ, ngày Quốc khánh 4/7 hàng năm trở nên đặc biệt hơn những ngày khác khi rực rỡ với những màn bắn pháo hoa tuyệt đẹp. Ngày 4/7 cũng là ngày lễ diễn ra lễ hội xúc xích lớn nhất trong năm ở xứ cờ hoa.
Trong ngày đặc biệt này, các màn trình diễn pháo hoa, lễ diễu hành, lễ hội carnival, các hội chợ, buổi hòa nhạc, các trận thi đấu thể thao, các chương trình đối thoại chính trị… sẽ được tổ chức ở các bang trên đất Mỹ.
Mexico
Mexico tuyên bố độc lập ngày 16.9.1810 sau gần 300 năm dưới ách đô hộ của Đế quốc Tây Ban Nha. Từ 11h đêm ngày 15/9, Tổng thống Mexico thường kéo chiếc chuông độc lập và hô to “Mexicanos, Viva Mexico”. Kế đến, người dân sẽ hô theo và họ sẽ đồng thanh hát bài quốc ca. Sang đến ngày Quốc khánh, nhiều hoạt động sôi nổi được tổ chức như thi đấu bò tót, diễu hành, khiêu vũ đường phố…
Tâm điểm của lễ hội được tổ chức tại một trong những quảng trường lớn nhất thế giới Zócalo khi đón khoảng nửa triệu người dân. Kết thúc chương trình sẽ là màn pháo hoa ngoạn mục bừng sáng trên bầu trời đêm.
Australia
Ngày 26/1 hàng năm, người dân Australia ăn mừng ngày Quốc khánh đánh dấu sự kiện người Anh đầu tiên tới định cư tại vùng đất này ngày 26/1/1788. Trong ngày nay, người dân tham gia các hoạt động ngoài trời đặc sắc, vui nhộn như đua thuyền, lướt ván, xem bắn pháo hoa... vô cùng náo nhiệt.
Ấn Độ
Chịu sự cai trị của thực dân Anh trong vòng 3 thế kỷ, đến ngày 15/8/1947, Ấn Độ đã kết thúc những ngày tháng làm “nô lệ”. Mỗi năm, vào ngày độc lập này, hàng tỷ người dân Ấn Độ lại kỷ niệm sự kiện lịch sử quan trọng này bằng cách trang hoàng nhà cửa, văn phòng của mình cùng các trường học trên toàn quốc tiến hành treo quốc kỳ. Nhiều công dân tham gia vào buổi lễ kỷ niệm vào buổi sáng, hát bài hát quốc ca và tỏ lòng tôn kính với lá cờ tổ quốc. Các gia đình cũng tụ tập trước màn hình để xem lễ treo cờ phát sóng trực tiếp từ Pháo đài Đỏ ở New Delhi.
Bên cạnh đó, trong ngày này, trên bầu trời Ấn Độ sẽ xuất hiện vô số những cánh diều mang hình dạng khác nhau để biểu đạt cho sự tự do
Indonesia
Vào buổi sáng ngày 17.8, nhiều người dân Indonesia sẽ tụ tập tại Cung điện Quốc gia – nơi diễn ra buổi lễ long trọng mừng ngày độc lập. Học sinh trung học từ khắp nơi trên cả nước sẽ được lựa chọn cẩn thận để làm lễ treo cờ... Khắp các nẻo đường, đặc biệt là thủ đô Jakarta tràn ngập hình ảnh quốc kỳ tung bay trên các tòa nhà, trường học... Ngay sau buổi lễ, cả khu phố sẽ tưng bừng tổ chức các trò chơi truyền thống cùng các buổi hòa nhạc.
Một trong những trò chơi phổ biến trong ngày này là trò panjat pinang – trò chơi trèo lên một cây cột phủ đầy dầu mỡ để lấy những phần thưởng ở trên cao. Panjat pinang tượng trưng cho cuộc đấu tranh của Indonesia để giành lấy tự do từ những người Hà Lan.
Cuba
Quốc khánh Cuba là ngày 1.1.1959. Do đó, vào ngày 1.1 hàng năm, người dân Cuba đổ ra đường ăn mừng ngày Quốc khánh với những ca khúc, điệu nhảy truyền thống cùng với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc.
Pháp
Ngày 14.7 hàng năm, nước Pháp tưng bừng ăn mừng ngày Quốc khánh. Trong ngày hôm đó, lễ diễu binh hoành tráng được tổ chức kèm theo đó là màn trình diễn ấn tượng của 9 máy bay thuộc lực lượng không quân Pháp, với dải khói mang ba màu xanh, trắng, đỏ của quốc kỳ Pháp tạo nên khung cảnh hoành tráng.
Ghana
Ghana là quốc gia đầu tiên tại châu Phi giành được độc lập vào năm 1957. Để kỷ niệm ngày độc lập (6/3), hàng năm Ghana tổ chức bắn pháo hoa và diễu hành.
Bên cạnh đó, nếu như không có các lễ hội đường phố và xảy ra ùn tắc đường thì ngày lễ này sẽ không trọn vẹn. Tại vùng ven biển sẽ diễn ra lễ kỷ niệm với các điệu múa kèm âm nhạc sôi động. Một cuộc thi đua thuyền nổi tiếng cũng diễn ra tại làng chài Shama.
Theo Tri Thức Trẻ