Thông tin trên được Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vào hôm nay (1.10).

Hỗ trợ 38.000 tỉ đồng cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19

Hồ Quang | 01/10/2021, 17:56

Thông tin trên được Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vào hôm nay (1.10).

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đại dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến rất phức tạp, khó lường và tác động nặng nề đến việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động. Trong bối cảnh đó, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, Nhà nước đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

ho-tro-38.000-ty-dong-cho-nguoi-lao-dong-nguoi-su-dung-lao-dong-anh-huong-dich-covid-19-hinh-anh(1).png
Người lao động và người sử dụng lao động được hỗ trợ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 - Ảnh: PV 

Ông Nguyễn Thế Mạnh – Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết chỉ sau 5 ngày thực hiện Quyết định số 23, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thành chính sách giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tương ứng gần 11,3 triệu lao động với số tiền khoảng 4.322 tỉ đồng.

Đồng thời, việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cũng như xác nhận danh sách để người lao động và người sử dụng lao động được hưởng các chính sách hỗ trợ khác cũng được ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai nhanh chóng, hiệu quả. “Có những thủ tục theo quy định không quá 5 ngày, 3 ngày nhưng quan điểm chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam với toàn Ngành và đã triển khai thực hiện chỉ trong vòng 1 ngày nếu nhận đúng đủ hồ sơ”, ông Mạnh nói.

Nhằm tăng cường các chính sách hỗ trợ, giúp doanh nghiệp và người lao động sớm vượt qua khó khăn của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 này, ông Mạnh cho biết, vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh Xã hội nghiên cứu, đề xuất và khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động với khoảng 38.000 tỉ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Trong đó có trên 8.000 tỉ đồng để thực hiện chính sách giảm mức đóng từ 1% còn 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (thời gian thực hiện giảm trong 12 tháng, từ ngày 1.10.2021 đến hết ngày 30.9.2022) cho khoảng 386 nghìn đơn vị sử dụng lao động và trên 30.000 tỉ đồng chi hỗ trợ cho người lao động từ nguồn kết dư của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. “Có thể nói, đây là gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho người lao động lớn nhất từ trước đến nay”, ông Mạnh chia sẻ.

Theo ông Mạnh, gói hỗ trợ thể hiện sự quan tâm, kịp thời hỗ trợ, chia sẻ khó khăn đối với người lao động và đơn vị sử dụng lao động đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với quan điểm chỉ đạo là làm sao triển khai hỗ trợ một cách nhanh nhất, tốt nhất, hiệu quả nhất. Đồng thời, thể hiện rõ tính nhân văn của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo hài hòa nguyên tắc chia sẻ, nguyên tắc đóng - hưởng được kết hợp với nguyên tắc công bằng.

Đối với Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 có hiệu lực từ ngày hôm nay (1.10), ông Mạnh đề nghị các đơn vị phải khẩn trương, quyết liệt “vào cuộc” triển khai ngay các chính sách hỗ trợ tới người lao động và người sử dụng lao động.

Về phương thức giao dịch để triển khai các chính sách hỗ trợ, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ thực hiện đa dạng, linh hoạt hình thức theo sự lựa chọn của người thụ hưởng (giao dịch trực tiếp tại cơ quan Bảo hiểm xã hội không phụ thuộc địa giới hành chính hoặc qua dịch vụ bưu chính, qua giao dịch điện tử, ứng dụng VssID) để người lao động và người sử dụng lao động có thể tiếp cận chính sách thuận lợi nhất và trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, khuyến khích người lao động nhận tiền hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng để vừa đảm bảo kịp thời, minh bạch đến tận tay người lao động, vừa đáp ứng chủ trương không dùng tiền mặt của Chính phủ cũng như đảm bảo tốt việc phòng, chống dịch COVID-19.

Bài liên quan
Ra mắt nền tảng hỗ trợ diễn tập thực chiến an toàn thông tin
Cục An toàn thông tin vừa chính thức ra mắt Nền tảng hỗ trợ diễn tập thực chiến an toàn thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hỗ trợ 38.000 tỉ đồng cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19