Hoạt động của các nhà máy châu Á có khởi sắc trong tháng 11 nhờ tình trạng tắc nghẽn nguồn cung dịu bớt, nhưng chi phí đầu vào tăng, sản xuất tại Trung Quốc suy yếu cộng thêm biến thể Omicron vừa xuất hiện làm giảm triển vọng hồi phục sớm và bền vững sau đại dịch của khu vực.
Theo số liệu mới nhất từ khảo sát tư nhân Caixin/Markit, chỉ số quản lý thu mua (PMI) ngành sản xuất Trung Quốc giảm từ 50,6 tháng 10 xuống 49,9 tháng 11. Nhu cầu yếu và giá cả tăng cao gây thiệt hại cho các đơn vị sản xuất.
Chỉ số quản lý thu mua dựa trên năm đơn vị thành phần chính: đơn đặt hàng mới, mức tồn kho, sản xuất, giao hàng từ nhà cung ứng cùng môi trường lao động. Mục đích của PMI là cung cấp thông tin về điều kiện kinh doanh hiện tại cho các nhà hoạch định chính sách, nhà phân tích và quản lý mua hàng của doanh nghiệp.
PMI trên 50 báo hiệu ngành sản xuất mở rộng, ngược lại dưới 50 là đang thu hẹp. Số liệu trên trái ngược với số liệu chính thức cho thấy PMI tăng, nhưng tăng rất khiêm tốn.
Nhà kinh tế Wang Zhe thuộc tập đoàn Caixin Insight đưa ra nhận định kèm theo số liệu vừa công bố: “Hạn chế phía cung dần được nới lỏng, đặc biệt khủng hoảng điện đã lắng dịu giúp đẩy nhanh tốc độ phục hồi sản xuất. Tuy nhiên nhu cầu tương đối yếu, bị kiềm hãm bởi dịch COVID-19 cùng giá sản phẩm tăng”.
Bên ngoài Trung Quốc, hoạt động sản xuất ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Philippines đều có khởi sắc.
PMI Nhật tăng từ 53,2 tháng 10 lên 54,5 tháng 11 – mức tăng cao nhất trong gần 4 năm.
PMI Hàn Quốc tăng từ 50,2 tháng 10 lên 50,9 tháng 11 – duy trì đà tăng liên tiếp 14 tháng. Nhưng sản lượng lại giảm tháng thứ 2 liên tiếp, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á vẫn còn chật vật trong việc lấy lại động lực hồi phục trước tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng dai dẳng.
Hoạt động sản xuất tại Đài Loan vẫn mở rộng nhưng với tốc độ chậm lại: PMI từ 55,2 tháng 10 giảm còn 54,9 tháng 11. PMI Ấn Độ tăng từ 55,9 tháng 10 lên 57,6 tháng 11 – mức tăng cao nhất trong 10 tháng, nhờ nhu cầu tăng mạnh.
PMI Việt Nam tăng từ 52,1 tháng 10 lên 52,2 tháng 11, PMI Phillipines tăng từ 51 tháng 10 lên 51,7 tháng 11, PMI Indonesia giảm từ 57,2 tháng 10 xuống 53,9 tháng 11.
Theo nhà kinh tế Alex Holmes thuộc công ty khảo sát Capital Economics: “Nhìn chung, với đơn hàng xuất khẩu ồ ạt quay lại những quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến thể Delta bùng phát và gián đoạn chuỗi cung ứng còn đang kéo dài, cơ hội tiếp tục phục hồi ở khu vực”.
Tuy nhiên, tình hình tháng 11 chưa chịu ảnh hưởng nhiều từ sự xuất hiện của biến thể Omicron. Nhiều quốc gia đã tái áp đặt hạn chế đi lại, đảo ngược chính sách mở cửa biên giới có thể gây thêm áp lực lên chuỗi cung ứng vốn chưa hoàn toàn khơi thông.