Hai học sinh ở TP.HCM là Phan Thị Kim Ngân, Nguyễn Minh Bảo Ân đã chế tạo ra chiếc xe điều khiển bằng đầu hoặc cổ tay để giúp người khuyết tật di chuyển dễ dàng.
Xe hỗ trợ di chuyển cho người khuyết tật điều khiển bằng đầu hoặc cổ tay của hai em Phan Thị Kim Ngân, Nguyễn Minh Bảo Ân (Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1, TP.HCM) đã đạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2020.
Sau khi tìm hiểu, nhóm nhận thấy trên thị trường mặc dù có rất nhiều thiết bị hỗ trợ di chuyển cho người bị hạn chế khả năng vận động nhưng những sản phẩm này có nhược điểm là dùng cần trục để điều khiển và giá thành cao. Vì thế, nhóm đã quyết định nghiên cứu, mày mò để chế tạo sản phẩm giúp cho những người liệt 4 chi, liệt 2 chi hoặc tay chân yếu có thể di chuyển một cách thoải mái mà không cần đến sự trợ giúp của những người xung quanh.
Xe di chuyển bằng đầu hoặc cổ tay, khi thay đổi góc nghiêng của cảm biến, tốc độ xe có thể tăng giảm tùy ý. Hệ thống xe bao gồm chuông báo và cảm biến đo nhịp tim, theo dõi sức khỏe người dùng, màn hình LCD màu dùng để hiển thị số đo nhịp tim đồ thị lên màn hình. Ngoài ra sản phẩm còn tích hợp sử dụng pin năng lượng mặt trời và chức năng đóng mở nguồn tự động bằng phương pháp góc nghiêng sử dụng cảm biến gia tốc.
Khi mở nguồn lên, chuông kêu “bíp” thì báo hiệu hệ thống xe sẵn sàng và di chuyển theo yêu cầu của người dùng. Để xe di chuyển thẳng về phía trước, người dùng điều khiển cảm biến gia tốc nghiêng về phía trước khoảng 30 độ, sau đó nhìn thẳng về phía trước thì xe sẽ tiến về phía trước. Để xe di chuyển sang trái hoặc phải thì điều khiển cảm biến gia tốc nghiêng về bên trái hoặc bên phải khoảng 15 độ thì xe rẽ sang bên trái, phải.
Phan Thị Kim Ngân chia sẻ: “Có những người không còn niềm tin vào cuộc sống, đối với họ, việc mất đi khả năng vận động giống như mất đi ánh sáng của cuộc đời. Họ không thể làm việc, không thể vui chơi và chỉ có thể ngồi một chỗ mà cầu cạnh tình thương từ những người khác. Với sản phẩm này, em hy vọng sẽ mở ra một cơ hội cho những người bị hạn chế khả năng di chuyển có thể cải thiện chất lượng cuộc sống, mang lại niềm vui cho gia đình và giúp xã hội phát triển”.
Bảo Ân nói trên thị trường chưa có xe hỗ trợ di chuyển dành cho người khuyết tật điều khiển bằng đầu hoặc cổ tay. Sản phẩm của nhóm Bảo Ngân còn sử dụng thêm một nguồn dự phòng lấy năng lượng từ tấm pin năng lượng mặt trời, góp phần làm giảm hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường, đồng thời giá thành cũng tương đối vừa phải, phù hợp với khả năng của tầng lớp nhân dân lao động.
Là giáo viên hướng dẫn, thầy Huỳnh Văn Phước chia sẻ đề tài đã được Ngân và Ân triển khai vào giữa tháng 1, nghiên cứu trong vòng 9 tháng. Mỗi thứ 7 và Chủ nhật hằng tuần, hai em sẽ tới phòng thí nghiệm vật lý để cùng trao đổi về tiến trình và những khó khăn gặp phải trong quá trình nghiên cứu.
“Trong tương lai, nhóm sẽ thiết kế nút khẩn cấp SOS để thông báo cho người thân và bệnh viện gần nhất trong trường hợp nhịp tim của người dùng biến chuyển thất thường và hệ thống cập nhật dữ liệu sức khỏe và camera trong xe lên đám mây để người thân và bệnh viện có thể theo dõi”, thầy Phước nói.