Có nhiều ý kiến của người dân phản ánh về tình trạng tiếng loa kéo, karaoke gây ồn ảnh hưởng tới việc học tập của con em.

Học trò, nạn nhân khổ sở của loa kéo và karaoke

Tú Viên | 10/03/2021, 10:30

Có nhiều ý kiến của người dân phản ánh về tình trạng tiếng loa kéo, karaoke gây ồn ảnh hưởng tới việc học tập của con em.

Sau một thời gian khá lâu im lặng trước tình trạng tiếng ồn hành hạ người dân thì chính quyền TP.HCM gần đây tỏ ra rất quyết tâm trước việc “tuyên chiến với tiếng ồn”. Thậm chí, UBND TP.HCM hôm qua 9.3 tổ chức cuộc họp với các sở ban ngành, quận huyện và thành phố Thủ Đức để nghe báo cáo và tìm giải pháp xử lý vấn đề tiếng ồn trong khu dân cư.

Trong các ý kiến được nêu, đáng chú ý là phát biểu của ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Ông Hưng nói: “Với những gia đình đang có con đến tuổi đi học, khi vào mùa thi, phụ huynh không biết đưa con đi đâu học vì nạn ô nhiễm tiếng ồn. Khi tiếng hát karaoke im thì lúc ấy các cháu cũng cảm thấy mệt mỏi và lăn ra ngủ nên không thể học hành lẫn ôn thi”.

Trước giờ, khi đề cập đến tiếng ồn trong khu dân cư người ta thường nhắc nhiều đến ảnh hưởng tới người già mắc bệnh khó ngủ hay người đi làm không được nghỉ ngơi mà ít nhắc đến những tác động với lứa tuổi đang đi học. Với người lớn tuổi, thì khi hàng xóm mở tiệc, hát karaoke, họ có thể đi sơ tán ở đâu đó đến khi tàn tiệc mới về. Còn với các em nhỏ thì không thể dễ dàng tìm chỗ học khác vào buổi tối và cũng không thể tập trung học khi đầy tiếng ồn.

Em Nguyễn Thị H. (học sinh lớp 8, nhà ở đường Âu Cơ, quận Tân Bình) cho biết về kinh nghiệm thương đau: “Kỳ thi học kỳ 1 vừa qua, em là nạn nhân của loa kéo. Trước hôm thi lịch sử thì hàng xóm có sinh nhật. Từ 6 giờ tối là tiếng loa công suất lớn bắt đầu vang lên khiến em không thể học tập trung được. Tưởng 9 giờ họ sẽ ngưng nhưng không ngờ đến sau 10 giờ họ vẫn tiếp tục vọng cổ. Phải khi ba mẹ em sang góp ý thì một lúc sau họ mới chịu tắt nhạc. Nhưng em cũng không thể học được vì lúc đó quá mệt mỏi và trong đầu ong ong tiếng nhạc. Ngày hôm sau, em không thể nhớ mấy sự kiện trong bài sử nên điểm thấp và đánh mất luôn danh hiệu học sinh giỏi. Nếu như hôm đó không nghe tiếng loa kéo thì chắc chắn điểm em không đến nỗi nào”.

Phía giáo viên cũng phàn nàn về việc tiếng loa kéo đã gây mất tập trung. Cô Khánh Minh giáo viên một trường THCS tại Q.Tân Bình cho biết "Tôi không thể soạn giáo án cho các tiết dạy vì tiếng loa kéo quá ồn ào gây phiền nhiễu mất tập trung. Đề nghị các cấp chính quyền sát sao trình trạng này để không làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân".

Trong khi đó, chị Trần Ngọc Mai (46 tuổi, nhân viên văn phòng) lại ca cẩm chuyện muốn bán nhà mặt đất để lên chung cư chỉ vì loa kéo. Chị kể: “Hai con nhà tôi, một lớp 11, một lớp 6 vốn là học sinh giỏi nhiều năm liền. Thế nhưng học kỳ vừa qua thì chúng lại sa sút bất ngờ. Sau khi hỏi han các con, tôi mới biết mấy tháng qua hai đứa đều không thể tập trung học từ khi một quán nhậu dọn đến. Mỗi tối, tiếng hát “đắp mộ cuộc tình” khiến các con tôi bị stress. Kể cả khi loa tắt rồi mà chúng vẫn căng thẳng. Đứa lớn nhà tôi sang năm sẽ thi tốt nghiệp trung học. Nếu tình hình không khá thì có lẽ tôi phải tìm mua chung cư tầng cao để cho các cháu yên tâm học hành”.

Có lẽ những người rơi vào hoàn cảnh như chị Mai nên tìm cách xây phòng cách âm thật chất lượng hoặc tìm thuê chỗ nào yên tĩnh thì mới khỏi lo bị tiếng ồn tra tấn các em trong năm học này. Trong cuộc họp hôm qua chưa đưa ra giải pháp hiệu quả tức thời.

Theo Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan, đợt cao điểm giải quyết nạn tiếng ồn được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ nay đến cuối tháng 5.2021 tập trung cho công tác tuyên truyền, vận động cam kết, kiểm tra, nhắc nhở và hoàn thiện các quy định pháp luật để phổ biến cho người dân. Giai đoạn này chưa xử lý vi phạm hành chính về tiếng ồn. Giai đoạn 2 từ tháng 6 đến cuối năm 2021 sẽ tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định về tiếng ồn. Mà ngay cả khi xử phạt thì cũng không biết có đủ sức răn đe không.

Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Thị Thanh Mỹ cũng cho biết: Trong 2 năm 2019 và 2020, 17/22 quận huyện đã áp dựng xử phạt vi phạm hành chính về tiếng ồn theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP và Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, đã xử phạt vi phạm hành chính về tiếng ồn với 141 trường hợp vi phạm. Qua đó đã phạt gần 820 triệu đồng. Tuy nhiên, trong 141 trường hợp vi phạm, chỉ có 20/141 trường hợp vi phạm tiếng ồn trong sinh hoạt của khu dân cư bị xử phạt với số tiền 2,6 triệu đồng. Ít không thể tin nổi so với tiếng ồn mà hơn 10 triệu dân TP.HCM phải chịu đựng trong 2 năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học trò, nạn nhân khổ sở của loa kéo và karaoke