Hôm nay 5.7, đoàn công tác của Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã đến tỉnh Sóc Trăng làm việc về những nội dung liên quan đến đơn khiếu nại của ông Trần Khắc Tâm đại biểu quốc hội khóa 13 về những sai phạm trong bầu cử tại đây.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới ngày 5.7, ông Trần Khắc Tâm đại biểu quốc hộikhóa 13 tỉnh Sóc Trăng cho biếtchiều nay đoàn kiểm tra của Hội đồng Bầu cử Quốc gia về tỉnh Sóc Trăng làm việc với ông và các cá nhân liên quan để làm rõ những nội dung trong đơn khiếu nại về bầu cử của ông gửi đến Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Trước đó, ông Trần Khắc Tâmđã có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh phản ánhvề một số khúc mắc trong kết quả bầu cử đại biểu quốc hộingày 22.5 tại tỉnh Sóc Trăng.
Trong đơn kiến nghị, ông Tâm cho biếtkết quả bầu cử đại biểu quốc hội ngày 22.5, tỉnh Sóc Trăng chỉ bầu được 6/7 đại biểu, trong đó đơn vị bầu cử số 2 (gồm các huyệnKế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung) chỉ bầu được 1 đại biểu (bằng 50% tổng số đại biểu được bầu).
Theo ông Tâm, về kết quả tại đơn vị bầu cử, ông Tâm là ứng cử viên đứng thứ nhì, nhưng tỷ lệ tín nhiệm của cử tri chỉ đạt 46,85%. Sau khi có kết quả này, rất nhiều cử tri gặp gỡ, điện thoại, nhắn tin cho ông Tâm nói rằng họ không tin, không chấp nhận kết quả.
“Có nhiều người nhắn tin nói rằng việc bầu cử ở đơn vị này bị vi phạm pháp luật nghiêm trọng, do Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung triệu tập cuộc họp Ban Chấp hành đảng bộ huyện ngay trước ngày bầu cử, định hướng lãnh đạo các xã, thị trấn hướng dẫn cử tri không bầu cho tôi mà bầu cho hai người khác", ông Tâm viết trong đơn.
Theo ông Tâm, việc vi phạm nghiêm trọng và trắng trợn pháp luật bầu cử xảy ra ở huyện Cù Lao Dung đã được Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, ông Nguyễn Văn Thể thừa nhận. Ông Thể nói rằng sau khi nhận được thông tin đã lập tức chấn chỉnh kịp thời trước khi bầu cử.
Theo ông Tâm, ông đã có đơn thư kiến nghị gửi Hội đồng Bầu cử Quốc gia nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Ngày 7.6, Ủy ban Bầu cử tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản gửi Hội đồng Bầu cử Quốc gia báo cáo vụviệc. Báo cáo cho biết, chiều 17.5, Huyện ủy Cù Lao Dung có cuộc họp do Bí thư Huyện ủy Võ Thanh Quang chủ trì để bàn bạc về các vấn đề liên quan đến cuộc bầu cử đại biểu quốc hội.
“Tại đó, ông Thái Văn Thu, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Cù Lao Dung đã phân tích về 5 ứng cử viên đại biểu quốc hội xung quanh trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác, chuyên môn, nghiệp vụ. Ông Thu nhấn mạnh"theo ý kiến cá nhân, đại biểu H.T.C.Đ và đại biểu P.T.N có điều kiện hoạt động tốt hơn khi trúng cử” – báo cáo cho biết.
Ủy ban Bầu cử tỉnh Sóc Trăng cũng cho biết sau khi nắm được thông tin, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể đã phân công Phó bíthư thường trực Tỉnh ủy và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng triệu tập cuộc họp khẩn để chấn chỉnh và yêu cầu tổ chức bầu cử đúng luật.
Tuy nhiên, ông Tâm không đồng tìnhvới nội dungcông văn của Ủy ban Bầu cử tỉnh Sóc Trăng. Theo ông Tâm, việc “gợi ý” của lãnh đạo huyện Cù Lao Dung đã khiến số phiếu tín nhiệm của ông tại huyện này thấp bất thường so với hai huyện còn lại (huyện Kế Sách 47,54%; huyện Long Phú 61,2%; huyện Cù Lao Dung 18,85%).
Theo ông Phùng Quốc Hiển - Phó chủ tịch Quốc hội, theo điều 87 Luật Bầu cử, ứng viên đã trúng cử mà vẫn tiếp tục bị khiếu nại, tố cáo thì Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ tiếp tục xem xét. Chậm nhất 30 ngày sẽ phải trả lời về khiếu nại, tố cáo đó, nếu phát hiện sai phạm thì sẽ tiến hành thẩm tra tư cách đại biểu quốc hội.
Báo điện tử Một Thế Giới sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Trí Lâm