Với suy nghĩ muốn tìm kiếm một điều thú vị cho hình thức du lịch nhà vườn của mình, anh Lê Trung Tính (SN 1972) ở Cần Thơ đã làm được việc không ai ngờ tới. Đó là huấn luyện cho 2.000 con cá lóc của mình “nhảy múa” khi được cho ăn.
“1, 2, 3 cá lóc tập thể dục!”
Cá lóc - miền Bắc gọi là cá quả, miền Trung gọi là cá tràu, là loại cá khá quen thuộc với người dân miền Tây Nam bộ. Từ hàng chục năm trước, loại cá phổ biến trong tự nhiên này đã được người dân đưa vào ao nuôi để tăng năng suất.
Người dân nuôi cá vốn chỉ quen thuộc với những công đoạn cải tạo ao, chọn và thả cá giống, cho ăn, theo dõi sức khỏe cho cá chứ chưa một ai nghĩ sẽ huấn luyện cho cá lóc nhào lộn mỗi khi cho ăn. Thế mà anh nông dân Lê Trung Tính (Chi hội trưởng Hội Nông dân KV 1, P.Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) có thâm niên nuôi cá lóc 20 năm lại táo bạo nghĩ ra “chiêu” độc này.
Anh Tính cười rạng rỡ nói: “Tôi nuôi cá lóc đã mấy chục năm, nhưng hình thức nuôi cá lóc vèo chỉ mới mấy năm nay. Đây là cách nuôi rất hay mà tôi học hỏi được ở những tỉnh khác. Ở cồn Sơn này chỉ có mình tôi nuôi cá lóc vèo là thành công. Nuôi cá lóc trong vèo, vừa tập trung được cá không bị thất thoát mà khi thu hoạch cũng rất dễ dàng”.
Trong ao cá nhà anh Tính, anh dùng lưới vây thành những vèo nhỏ rộng khoảng 8m2 và thả cá lóc vào đó. Hình thức nuôi như thế này gọi là nuôi vèo, bên ngoài ao anh vẫn thả thêm những loại cá khác như cá tra, cá sặc rằn, cá hường… để tăng thu nhập. Và chỉ sau vài tháng huấn luyện cá lóc, thành quả anh có được đã ngoài sức tưởng tượng. Mười vèo cá với số lượng 2.000 cá lóc đã ngoan ngoãn nhào lộn trước mắt chủ khi được cho ăn.
Lấy tính háu ăn để tập cho cá “bay”
Giới thiệu mãi, rồi anh nông dân này cũng biểu diễn cho PV xem hàng ngàn con cá lóc nhảy múa khi được cho ăn. Dù đã biết trước cá lóc sẽ “bay”, nhưng khi chứng kiến hàng trăm con cá lóc trong mỗi vèo cá phóng mình bay lên, chúng tôi không khỏi há hốc ngạc nhiên. Khi anh Tính tiến gần đến vèo cá, đàn cá lóc đã nhao nhao, nhú đầu khỏi mặt nước.
Khi anh Tính tung thức ăn lên trời thì hàng trăm con cá đã đồng loạt rướn mình bay lên khỏi mặt nước, không khác những chú cá heo làm xiếc, tung mình lên đón những quả bóng... Cảnh tượng này chỉ diễn ra trong tích tắc và khi thức ăn chưa kịp rơi xuống nước thì đàn cá đã rơi xuống trước.
Anh Tính cho biết, khoảng cách từ đuôi cá đến mặt nước vào khoảng 20-30cm, nếu tính cả phần đầu cá thì khoảng cách cá phóng lên đạt 50-60cm. Tại những vèo cá còn lại, PV cũng chứng kiến được cảnh tượng tương tự.
Anh Tính cho biết, du khách ghé nhà vườn của anh ai cũng reo lên thích thú khi trông thấy hàng ngàn con cá lóc “làm xiếc” như vậy. Nhiều người xem gọi đàn cá của anh Tính là cá lóc biết khiêu vũ, nhảy múa, tập thể dục… đủ các kiểu.
“Mỗi ngày cá có thể phóng lên nhiều lần như vậy, nhưng cá phóng lên nhiều nhất, đồng loạt nhất là vào buổi chiều mát. Vì vào lúc thời điểm nắng, cá thường ở sâu dưới nước, ít ngoi lên kiếm ăn. Khi du khách cho cá ăn, chúng cũng bay lên như vậy nhưng không nhiều. Chủ yếu là mình phải biết lựa thời điểm để tung thức ăn”, anh Tính lý giải thêm.
Tiết lộ bí kíp huấn luyện cá
2.000 con cá lóc bay của anh Tính hiện nay đã đạt được trọng lượng từ 300-700g/con, đủ điều kiện để xuất bán. Tuy nhiên, trước sự hào hứng và quan tâm của du khách, anh Tính quyết định sẽ để lại số cá này trong một thời gian nữa.
Anh cười nói: “Nhưng trước sau gì tôi cũng phải bán số cá này, vì để lại chúng sẽ không lớn thêm nữa mà lại tốn tiền thức ăn rất nhiều. Mỗi ngày nếu cho ăn đủ tiêu chuẩn, chúng sẽ “ngốn” hết 4 bao thức ăn chuyên dụng cho cá lóc, mỗi bao là 500.000 đồng. Chi phí nuôi chúng là rất lớn.
Nhưng tôi sẽ không xuất bán một lúc mà sẽ xuất từng đợt, để nuôi lứa cá mới. Và những lứa cá sau, chúng vẫn ngoan ngoãn bay lên theo nhóm cá còn sót lại, trình diễn cho mọi người xem”.
Anh nông dân Lê Trung Tính -người huấn luyện thành công cá lóc bay
Chia sẻ về bí kíp huấn luyện cá của mình, anh nông dân này cho biết, quan trọng nhất là phải chọn được cá giống tốt. Cá lóc giống anh tin dùng là loại cá lóc đầu nhím ở khu vực đầu nguồn sông Hậu ở An Giang. Sau khi nuôi cá con đạt kích cỡ bằng ngón tay, anh bắt đầu tập luyện cho cá.
Anh nói rõ hơn: “Cá lóc là loài ăn thịt, tức chúng có thể ăn cá con, phụ phẩm của cá. Thời gian đầu tôi phải “cai” thức ăn cho chúng, chuyển sang cho chúng “ăn chay” tức là chỉ ăn thức ăn công nghiệp.
Với cá con, mỗi ngày phải cho chúng ăn 5 lần, khi chúng lớn thì mình giảm số lần cho ăn. Khi cá đạt kích cỡ bằng ngón tay, tôi bắt đầu tập cho chúng bay lên khi cho ăn. Kiên trì trong suốt 3 tháng như vậy thì chúng hoàn toàn khuất phục”.
Điều mấu chốt trong quá trình tập luyện cho cá bay lên, theo anh nông dân này là phải “đánh” vào sự háu ăn của chúng. Ban đầu anh tìm cách nhử một số con cá khỏe, háu ăn bằng những viên thức ăn, cách thức này khiến bầy cá tập trung lại. Khi đàn cá tập trung lại, bằng kinh nghiệm của mình anh nhử nhiều lần để khiến chúng bay lên đớp thức ăn.
Và khi một vài con bay lên đón thức ăn thì những con khác sẽ “bắt chước” bay lên tranh ăn. Tập nhiều lần như vậy, anh đã dụ cá bay lên đồng loạt mỗi khi thấy thức ăn.
Anh nói thêm: “Để chúng bay đồng loạt, mình phải lựa đúng thời điểm để rải thức ăn. Lúc đó cá phải đang ở trong thế sẵn sàng đớp mồi. Trên mặt nước không có gì khiến chúng quan tâm, lúc ấy chỉ cần nhìn thấy thức ăn phía trên là chúng bay lên thôi. Nghe thì đơn giản nhưng để làm được như vậy tôi tốn không ít công sức”.
Anh Tính cho biết, hiện nay đàn cá của anh đã không biết sợ người nữa mà trở nên ngoan ngoãn bay lên theo lệnh chủ, ngay cả khi anh không dùng thức ăn để nhử mà chỉ cần quơ tay làm động tác giả. Việc huấn luyện thành công cá lóc bay không chỉ tạo nên nét riêng trong khu vườn của anh Tính mà về chất lượng thịt của cá lóc bay cũng được cải thiện rõ rệt.
Anh nông dân này lý giải nhờ siêng năng nhào lộn, tập thể dục nên cá bầy cá lóc của anh có thịt săn chắc và thơm ngon hơn nhiều. Anh cũng tư vấn thêm, ngoài những món ăn từ cá lóc phổ biến như nướng, kho, nấu canh chua... thực khách có thể hấp cá lóc với mướp non, bông, đọt mướp và rau tập tàng để giữ nguyên hương vị tự nhiên của cá.
Gần 2 năm qua, cồn Sơn đã phát triển mô hình du lịch cộng đồng, loại hình du lịch gần gũi với thiên nhiên này hiện đang phát triển và thu hút nhiều du khách đến với Cần Thơ. Hy vọng, với điểm nhấn “cá lóc bay” của anh Tính sẽ thu hút được du khách xa gần đến với mảnh đất Tây Đô.
Khoảng vườn gồm các loại cây ăn trái như ổi, chuối, đu đủ, ao sen và ao cá đủ loại của anh Tính nằm cuối cồn Sơn, thuộc P.Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thủy. Khu vườn chỉ vỏn vẹn hơn 6.000m2 đất nhưng thật sự phong phú, làm thỏa mãn du khách ghé thăm. Đó là công sức mà anh đã bỏ ra trong nhiều năm để cải tạo.
Việt Thanh