Huawei mới đây tiết lộ rằng tỷ lệ mua sắm từ các nhà cung cấp Nhật Bản đã tăng hơn 50% vào năm ngoái trong khi Mỹ thắt chặt các hạn chế thương mại đối với nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc này.
Trong một buổi cung cấp thông tin trực tuyến hôm 26.8, Jeff Wang, chủ tịch của công ty con Huawei Japan có trụ sở tại Tokyo, cho rằng Nhật Bản có "vai trò cực kỳ quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu".
Mối quan hệ của Huawei với các nhà cung cấp phải đối mặt với một thách thức mới sau khi Mỹ trong tháng 8 chuyển sang ngăn chặn sâu hơn nữa quyền tiếp cận của Huawei vào chip và các thiết bị khác dựa trên công nghệ của Mỹ, một phần trong loạt các biện pháp trừng phạt đối với công ty công nghệ Trung Quốc vốn được khởi động vào năm ngoái.
Ông Wang đã không đề cập đến các hạn chế của Mỹ trong diễn đàn trực tuyến mà chỉ cho biết “Huawei đã xây dựng mối quan hệ lâu dài và ổn định với các nhà cung cấp Nhật Bản”.
Năm ngoái, Huawei đã mua các linh kiện và hàng hóa khác trị giá khoảng 1,1 nghìn tỉ yen (10,3 tỉ USD) từ các công ty Nhật Bản, tăng so với mức 721 tỉ yen vào năm 2018. Được biết Huawei lần đầu tiên thành lập chi nhánh tại Nhật Bản vào năm 2005 và đơn vị này đã tuyển dụng khoảng 950 người Nhật vào tháng 6. Công ty cũng thu mua nhiều hàng hóa từ Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc.
Mỹ từ lâu đã coi Huawei là công cụ giúp Trung Quốc do thám nước khác. Trong khi đó, Huawei nhấn mạnh họ là công ty tư nhân, thuộc sở hữu của hàng nghìn nhân viên. Những người chỉ trích Huawei cho rằng chính phủ Trung Quốc có thể buộc Huawei do thám các nước khác trong khi Huawei khẳng định điều này chưa bao giờ xảy ra, và nếu có họ cũng sẽ từ chối các yêu cầu như vậy.
Dù vậy, kể cả khi đã khẳng định sự độc lập với Bắc Kinh, Huawei cũng đang mắc kẹt trong căng thẳng Mỹ - Trung Quốc, cùng sự ngờ vực ngày càng lớn từ châu Âu và Ấn Độ. Đại dịch càng khiến các mối quan hệ này thêm căng thẳng. Một số quốc gia, trong đó có Mỹ, đổ lỗi cho Trung Quốc vì để bùng phát dịch bệnh. Nhiều nước khác cũng ngần ngại khi thấy phản ứng cứng rắn của Bắc Kinh trước những lời chỉ trích này.
Trang Nhung (theo Nikkei)