Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết sẽ huy động cao các nhà máy nhiệt điện ngay từ đầu năm 2024, giữ mực nước các hồ thủy điện ở mức cao...

Huy động cao các nhà máy nhiệt điện ngay từ đầu năm 2024

Tuyết Nhung | 23/08/2023, 10:07

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết sẽ huy động cao các nhà máy nhiệt điện ngay từ đầu năm 2024, giữ mực nước các hồ thủy điện ở mức cao...

Tổng giám đốc EVN báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chiều 22.8 cho biết việc cung ứng than cho phát điện đã được đảm bảo, sự cố các nhà máy nhiệt điện được khắc phục dần, nước về các hồ chứa thủy điện được cải thiện, do đó công tác cung ứng điện trong các tháng còn lại của năm 2023 cơ bản sẽ được đảm bảo, đáp ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân.

nha-may-nhiet-dien-than.jpg
EVN sẽ huy động cao nguồn nhiệt điện ngay từ đầu năm 2024 - Ảnh: IT

Về cung ứng điện năm 2024, Tổng giám đốc EVN cho biết tập đoàn đã tính toán cân đối cung - cầu điện năm 2024 với nhu cầu điện tăng trưởng 8,96% so với năm 2023 và 2 kịch bản lưu lượng nước về các hồ thủy điện (mức bình thường tương ứng tần suất 65% và mức cực đoan như đã xảy ra trong năm 2023 tương ứng tần suất 90%).

Để đảm bảo cung ứng điện trong các tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024, EVN đang và sẽ chủ động tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, nỗ lực bảo đảm độ khả dụng, sẵn sàng của các nhà máy do tập đoàn và các đơn vị thành viên quản lý (hiện chiếm khoảng 37% công suất lắp đặt của hệ thống), hạn chế tối đa sự cố các nhà máy, đặc biệt là các tổ máy nhiệt điện than miền Bắc; tổ chức thực hiện ngay các giải pháp khắc phục tình trạng suy giảm công suất các tổ máy do yếu tố nhiệt độ môi trường, nước làm mát, thủy triều xuống thấp.

EVN cũng làm việc với Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (KTV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Khí Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc để đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho sản xuất điện; lập lịch huy động cao các nhà máy nhiệt điện ngay từ đầu năm 2024 để điều tiết, giữ mực nước các hồ thủy điện ở mức cao (nhất là khu vực miền Bắc) ở thời điểm cuối mùa khô một cách tối ưu theo quy định...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định năng lượng nói chung, năng lượng điện nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế, đối với đất nước. Trong bối cảnh vẫn còn rất nhiều khó khăn phải đối mặt như nhu cầu tiêu thụ năng lượng tiếp tục tăng cao, sự biến động của thị trường thế giới, thời tiết tiếp tục diễn biến cực đoan, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu 5 tập đoàn, tổng công ty không được để thiếu than, điện, khí đốt phục vụ nền kinh tế trong mọi tình huống.

Bộ trưởng Diên yêu cầu EVN, TKV, PVN cần chỉ đạo khắc phục triệt để sự cố các nhà máy/tổ máy nhiệt điện, thủy điện trong phạm vi quản lý, đảm bảo các nhà máy phát huy tính khả dụng cao. TKV, PVN, Tổng công ty Đông Bắc phải tuyệt đối đảm bảo việc cung cấp than, khí cho sản xuất điện.

Đối với EVN, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án nguồn và lưới điện, nhất là các dự án truyền tải giải tỏa công suất các nguồn điện, khẩn trương đàm phán để huy động các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp cũng như các dự án điện khác.

Theo EVN, trong năm 2024 - 2025, cung ứng điện tiếp tục gặp khó khăn. Phụ tải tiếp tục tăng cao, dự báo bình quân 9%/năm, tương ứng công suất tăng 4.000 - 4.500MW/năm. Trong khi đó, nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành là 1.950MW (2024) và 3.770MW (2025), tập trung chủ yếu tại khu vực miền Trung và miền Nam. Công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp, nhu cầu điện cho miền Bắc tăng trưởng 10%/năm, thiếu công suất đỉnh ở một số thời điểm nắng nóng tháng 6, 7.2024 (thiếu từ 420 - 1.770MW).

Một trong những nguyên nhân khiến miền Bắc thiếu điện trong tháng 5, 6.2023 là nhiều tổ máy nhiệt điện than gặp sự cố. Tại kết luận thanh tra chuyên ngành việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý và điều hành cung cấp điện của EVN và các đơn vị có liên quan đến cung cấp điện, Bộ Công Thương cho biết trong 5 tháng đầu năm nay, các nguồn nhiệt điện than miền Bắc đã xảy ra 88 sự cố tổ máy, ảnh hưởng lớn đến công suất khả dụng của toàn hệ thống điện miền Bắc. Đến thời điểm thanh tra, nhiều tổ máy vẫn chưa hoàn thành công tác sửa chữa.

Theo kết luận thanh tra, tổng số sự cố tổ máy các nhà máy điện thuộc quản lý của EVN và các tổng công ty phát điện (GENCO) chiếm tỷ lệ 51,1% (45/88), trong đó tại khu vực miền Bắc, số tổ máy của EVN và các GENCO gặp sự cố là 26/50, chiếm tỷ lệ 52% tổng số tổ máy khu vực miền Bắc.

"Việc xử lý sự cố, khôi phục vận hành lại các tổ máy chậm gây thiếu hụt nguồn cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là khu vực miền Bắc trong giai đoạn cao điểm như thời gian vừa qua", kết luận thanh tra chỉ ra. Đơn cử, sự cố tổ máy S6 (300MW) Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 2 kéo dài từ ngày 16.3.2021, đến thời điểm thanh tra vẫn chưa hoàn thành công tác sửa chữa để đưa vào vận hành.

Bài liên quan
2 phương án cung ứng điện cho năm 2021
Với tình hình dịch bệnh COVID-19 được dự báo sẽ diễn biến khó lường và có nhiều khả năng kéo dài sang đầu năm 2021, ngành điện dự báo tăng trưởng phụ tải điện năm 2021 cũng sẽ có nhiều diễn biến phức tạp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Huy động cao các nhà máy nhiệt điện ngay từ đầu năm 2024