Không đất sản xuất, nhiều hộ dân ở xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) chọn nghề đào bắt chem chép để mưu sinh. Trung bình mỗi ngày, mỗi người có thu nhập khoảng 500.000 đồng.
Nghề đào bắt chem chép của ngư dân ở Cà Mau đã duy trì từ nhiều năm nay. Nghề này, dẫu cơ cực, vất vả vì phải "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nhưng giúp ngư dân có thu nhập cao, từ hơn 500.000 đồng/người/ngày.
Tờ mờ sáng, nhiều ngư dân sống bằng nghề đào bắt chem chép đã vội chuẩn bị "cơm đùm, cơm nắm" xuống vỏ lãi (phương tiện di chuyển phổ biến trên sông ở miền Tây - PV) bắt đầu cho một ngày mưu sinh. Khu vực họ bắt chem chép ở bãi bồi của các sông, rạch và mé biển.
Chem chép biển là loài nhuyễn thể, sống nhiều ở vùng đất ngập nước Cà Mau. Loài này thường sinh sống ở những vùng đầm lầy nước mặn, nơi có thủy triều thường xuyên lên xuống.
Chem chép là một sản vật được nhiều ngư dân săn bắt, bởi loại này ăn có vị ngọt, thơm, được thị trường ưa chuộng.
Bà Nguyễn Thị Bé, ngư dân sống bằng nghề bắt chem chép ở xã Thanh Tùng chia sẻ: “Chem chép được ưa chuộng, thịt chem chép rất thơm ngon. Nếu ai đào giỏi, mỗi ngày kiếm từ 20 – 30kg là bình thường. Chem chép được thương lái thu mua với giá từ hơn 40.000 - 60.000 đồng (tuỳ kích cỡ). Công việc này tuy thu nhập không cao nhưng cũng có đồng ra đồng vào để lo cho gia đình”.
Chem chép thường làm hang và trú ẩn dưới lớp đất bùn từ 20 - 30cm. Hang chem chép thường có lỗ nhỏ trên mặt đất dạng hình số 8. Để bắt được loài này người bắt phải tranh thủ lúc nước ròng, khi bãi bùn trơ lên và miệng hang lộ ra. Người bắt chỉ cần nhận diện được hang, dùng dao đào và dùng cây móc chem chép lên khỏi hang.
Việc bắt chem chép phải tuân thủ quy tắc là đào nhẹ tay để tránh đụng chem chép, vỡ vỏ sẽ khó bán. Người có kinh nghiệm đoán vị trí có nhiều chem chép sinh sống sẽ bắt được nhiều hơn. Trọng lượng chem chép từ 30 - 50con/kg là có thể bắt và bán được. Những con nhỏ hơn sẽ được người dân thả trở lại tự nhiên, vài tuần sau họ sẽ quay lại đào bắt.
Hành nghề săn bắt chem chép ở kênh Ông Đơn, xã Thanh Tùng hàng chục năm, vợ chồng ông Phạm Tự Em cho biết, mỗi ngày gia đình ông thu mua từ người dân hàng trăm kg chem chép. Sau khi thu mua và phân loại, ông Tự Em sẽ chuyển đi các mối lái giao bán lại các thị trường ở trong và ngoài tỉnh.
Theo ông Tự Em, bà con ở đây sống được lâu bền với nghề này là do săn bắt biết giữ gìn, phát triển nguồn lợi. Họ để lại những con nhỏ và thời gian sau mới khai thác. Bên cạnh đó, những loại chem chép nhỏ thì gia đình ông và các thương lái ở địa phương cũng không thu mua, qua đó, góp phần giúp loài này sinh sản và phát triển trong tự nhiên.
Ông Tự Em cho hay, trung bình mỗi ngày, gia đình ông thu mua trên 100kg chem chép. "Tôi mua xô ngang cả lớn nhỏ là 40.000 đồng/kg. Sau đó, chịu khó ngồi phân loại đem phân phối ra thị trường", ông Em chia sẻ.
Chem chép sau đó sẽ được các thương lái cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn và các chợ. Loài hải sản này thường được thực khách ưa chuộng và có thể chế biến làm nhiều món ăn như nướng mỡ hành, luộc sả, hấp gừng…