Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết nhiều ngân hàng thương mại vẫn đang trong tình trạng "tồn kho", không "bán" được tiền và tạo ra tình trạng dư thừa thanh khoản.

Ngân hàng đang trong tình trạng 'tồn kho' tiền

Tuyết Nhung | 22/08/2023, 23:59

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết nhiều ngân hàng thương mại vẫn đang trong tình trạng "tồn kho", không "bán" được tiền và tạo ra tình trạng dư thừa thanh khoản.

Thông tin trên được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đưa ra tại Hội thảo "Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm" ngày 22.8.

web.jpg
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú

Ông Tú cho biết tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6, sang đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,6%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%). Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất khó khăn. Giải quyết vấn đề này sao cho có hiệu quả là một thách thức lớn của ngành ngân hàng.

Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản (BĐS) đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 6.2022 là 1,53%, tháng 6.2023 là 2,47%). Đặc biệt, khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm BĐS suy giảm cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm.

Theo NNHH, dư nợ kinh doanh BĐS trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng (17,41%), vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%) nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng BĐS chiếm đến 65% dư nợ tín dụng BĐS.

Theo Phó Thống đốc, tình hình kinh tế trong và ngoài nước được dự báo tiếp tục có nhiều bất định, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục phản ánh không ít khó khăn. Với thị trường BĐS, trên 90% là khó khăn về mặt pháp lý. Phía NHNN cũng coi đây là vấn đề rất trọng tâm, để làm sao tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển, bởi lĩnh vực này là một trong những động lực giúp tăng trưởng nền kinh tế.

"Đối với vấn đề tín dụng, chúng ta phải nhận diện đúng điểm nghẽn để có thể khơi thông dòng vốn, tháo gỡ điểm còn khó khăn. Tuy nhiên, cũng cần chia sẻ với Chính phủ, Nhà nước, các bộ, ngành lúc này, bởi hiện nay chính sách đã rất quyết liệt, có thể nói là hàng ngày, hàng giờ, hướng đến mục tiêu cuối cùng là để nền kinh tế không bị trầm lắng, tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội và giải quyết được việc làm cho người dân...", Thống đốc Tú nói.

Đối với ngành ngân hàng, doanh nghiệp thì rất khó khăn nhưng đứng ở góc độ điều hành vĩ mô, có những thứ thuộc về khó khăn thường xuyên, hay nói cách khác, đó là ngân hàng có nhiệm vụ điều tiết tiền tệ và hoạt động ngân hàng để làm sao đảm bảo mục tiêu chính trị lớn nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng đồng thời phải làm sao giúp tăng trưởng kinh tế. Hai mục tiêu này nếu bằng một chính sách tiền tệ nhiều khi sẽ ngược chiều nhau nhưng phải tìm điểm chung và đảm bảo được mục tiêu đó.

Phó Thống đốc cũng chỉ ra một số vấn đề khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ hiện nay mà ngành ngân hàng phải tính toán và giải quyết một cách hài hòa, chẳng hạn như vấn đề giảm lãi suất nhưng phải đảm bảo khối lượng tín dụng, đảm bảo kiểm soát chất lượng tín dụng và ổn định tỷ giá, đảm bảo niềm tin và thu hút vốn đầu tư hay việc giảm lãi suất cho vay nhưng phải hạn chế giảm lãi suất huy động ở mức độ phù hợp, thúc đẩy và tăng trưởng tín dụng, đây là yêu cầu rất cấp thiết lúc này nhưng lại phải đảm bảo chất lượng tín dụng không để nợ xấu tăng, đảm bảo an toàn hệ thống...

Ông Tú yêu cầu các ngân hàng thương mại phải thể hiện nhiều hơn nữa trách nhiệm với cộng đồng nhưng cũng phải đảm bảo an toàn tài chính, bên cạnh hạ lãi suất là giảm các loại phí. Đồng thời, cắt giảm các thủ tục tiếp cận tín dụng, tạo cơ hội kích thích nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp.

Phó Thống đốc cho biết chưa bao giờ NHNN phải điều hành chính sách trong điều kiện khó khăn như hiện nay. Trong khi thế giới tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ thì Việt Nam lại phải giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.

NHNN đã phải tiếp tục điều hành giãn hoãn các khoản nợ trong đại dịch COVID-19 thông qua Thông tư 02, liên tục hạ lãi suất, bơm thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, tạo điều kiện cắt giảm phí.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng tiết lộ NHNN hiện như đang đứng giữa "hai dòng nước" trong việc điều hành. Một mặt, nếu cứ tháo điều kiện tín dụng thì chất lượng tín dụng giảm sút, nợ xấu tăng lên. Nhưng nếu không tạo điều kiện, thì tín dụng không tăng được và sẽ không có tăng trưởng kinh tế.

Để giải quyết tình trạng này, ông Tú cho rằng cần phải tìm ra một điểm cân bằng để vừa tháo gỡ điều kiện tín dụng, vừa đảm bảo an toàn cho hệ thống. Đạt được mục tiêu này sẽ cần sự tích cực, trách nhiệm chính trị cao từ phía điều hành cả nhà nước và các ngân hàng thương mại.

Cũng theo ông Đào Minh Tú, nhiều ngân hàng thương mại đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của NHNN và cũng bởi "nhận tiền vào thì phải cho vay đi". Tuy vậy, nhà băng vẫn đang trong tình trạng "tồn kho", không "bán" được tiền và tạo ra tình trạng dư thừa thanh khoản.

"Các doanh nghiệp có thể hạ giá bán, còn ngân hàng có thể hạ lãi suất. Doanh nghiệp thì có thể thua lỗ, kinh doanh có lúc lời, lúc lỗ, nhưng ngân hàng thì không thể lỗ. Ngân hàng mà lỗ thì dẫn đến đổ vỡ. Một doanh nghiệp đổ vỡ thì cùng lắm chỉ ảnh hưởng tới vài trăm công nhân, cán bộ mất việc làm, nhưng một ngân hàng đổ vỡ kéo theo cả một hệ thống yếu kém, khó khăn. Do đó, ngân hàng có thể lãi nhiều, lãi ít nhưng không thể lỗ", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Bài liên quan
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay
Những ngày gần đây, nhiều ngân hàng liên tiếp tung ra các chương trình ưu đãi, giảm lãi suất cho vay đối với cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân hàng đang trong tình trạng 'tồn kho' tiền