Anh nhập khẩu cá tra Việt Nam tăng 6 lần, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của sản vật dòng Mekong tiếp tục vượt mốc 1 tỉ USD trong tháng 6, nâng tổng giá trị trên 1,4 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm nay, chiếm 1/4 kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Một trong những cơ hội cho cá tra trong năm 2022 là tình hình thiếu cá thịt trắng, nhất là cá tuyết tại các thị trường EU, Mỹ, Anh do lệnh trừng phạt với Nga. Nhiều nhà hàng ở các thị trường này đã phải bỏ cá tuyết ra khỏi thực đơn và Catfish Việt Nam nghiễm nhiên chiếm chỗ.
Nếu như xuất khẩu cá tra sang Anh nửa đầu năm nay tăng đột phá gấp 6 lần so cùng kỳ năm 2021, thì Tây Ban Nha tăng gần 3 lần; Pháp, Hà Lan, Đức, Bỉ tăng 45-90%.
Mới đây, đại diện lãnh đạo IDI đã cho biết, doanh thu xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 của Cty này đã tăng trưởng gần gấp đôi, với tổng giá trị kim ngạch được ghi nhận trên 77 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm 2021 chỉ hơn 44 triệu USD. Điều này cho thấy “chỉ dấu” của sự nỗ lực tại doanh nghiệp XKTS TOP đầu đã “phá đảo” trên thị trường xuất khẩu thủy sản thế giới sớm cán mốc doanh thu lợi nhuận của năm tài chính 2022.
Sức bật của cá tra
Thị trường chính của cá tra vẫn là Trung Quốc và Mỹ, chiếm tỷ trọng lần lượt là 32% và 24,5%. Cả hai thị trường đều ghi nhận tăng trưởng 3 con số trong 4 tháng đầu năm nay. Cụ thể, Trung Quốc tăng 161% đạt 306 triệu USD, Mỹ tăng 128% đạt hơn 232 triệu USD.
“Cá tra Việt Nam tăng trưởng mạnh tại các thị trường nhờ nhu cầu cao và giá xuất khẩu tốt. Sau 2 năm COVID, “sức ăn” tại các thị trường hồi phục mạnh. Thêm nữa, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine càng làm cho nguồn cung thuỷ sản toàn cầu thêm bất ổn, nhất là các sản phẩm cá thịt trắng”, VASEP nhận định. Các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam đã chớp được những cơ hội vàng để gia tăng xuất khẩu và chốt được những hợp đồng giá cao hơn nhiều so với năm 2021.
Cách đây hơn 10 năm, EU là thị trường xuất khẩu cá tra truyền thống và lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi lên tới thời điểm “hoàng kim” vào những năm 2016-2018, xuất khẩu cá tra sang EU bắt đầu giảm dần. Đặc biệt, từ khi xảy ra dịch COVID-19, nhiều nhà nhập khẩu phải đối mặt với khó khăn về tài chính do nhu cầu tiêu thụ cá thịt trắng, trong đó có cá tra tại nhiều thị trường của khu vực chưa tăng, trong khi chi phí logistic, chi phí vận chuyển... tăng đáng kể
Vậy là sau 1 thời gian tương đối “mệt mỏi”, từ đầu năm 2022, các doanh nghiệp Việt đang tăng trưởng dương tích cực trở lại cho thấy những bước tiến dài của ngành hàng cá tra Việt Nam tại thị trường truyền thống này.
Cơ hội bứt phá cho vệ tinh ngành cá tra
Theo VASEP, cá tra đang lấy lại vị thế trong cơ cấu sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu. Hiện tại, Việt Nam đang chiếm 90 – 94% thị phần cá tra trên thế giới, nhiều doanh nghiệp đã chủ động ký kết đủ đơn hàng đến hết quý II/2022, chuẩn bị kho hàng dự trữ, xây thêm nhà máy chế biến có công suất cao, tập trung nguồn lực vào nuôi trồng, đa dạng hoá sản phẩm từ cá tra…
Bắt “trend” kịp thời, “vệ tinh” ngành cá tra cũng nhộn nhịp không kém. Cụ thể như ngành hàng bột cá, mỡ cá, chế biến thức ăn thủy sản, dầu ăn 100% từ cá, Collagen, chế biến thực phẩm đóng hộp (bao tử cá, vi cá, bong bóng cá) của các doanh nghiệp hàng đầu như; Sao Mai Superfeed, Trisedco, AFO đã công bố những kết quả kinh doanh ấn tượng.
Mới đây, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 đã biểu quyết thông qua kế hoạch với tổng doanh thu thuần 2.300 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 150 tỉ đồng, cao gấp 3,3 lần so với năm trước.
Đại diện lãnh đạo Cty IDI chia sẻ, chúng tôi đã làm chủ quy trình sản xuất khép kín: từ con giống, vùng nuôi, cung cấp thức ăn thủy sản, đến nhà máy chế biến với công nghệ hiện đại, công nhân lành nghề, hệ thống quản lý chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Lợi thế này đã được chuẩn bị từ nhiều năm trước và được củng cố ngay trong giai đoạn căng thẳng do dịch Covid.
Xuất khẩu cá tra đang trên đà tăng trưởng mạnh đều ở các thị trường sau 2 năm bị kéo lùi. Vận hội mới đang đến để trao tay cho những doanh nghiệp đã sẵn sàng chiến lược kinh doanh mới theo “kịch bản” bọc lót toàn diện.