Indonesia đã mời quan chức từ 5 quốc gia Đông Nam Á dự cuộc họp vào tháng 2 để thảo luận về phản ứng đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Indonesia tìm kiếm sự phối hợp của Đông Nam Á để vô hiệu hóa 'đường chín đoạn'

Hoàng Vũ (theo The Diplomat) | 31/12/2021, 11:38

Indonesia đã mời quan chức từ 5 quốc gia Đông Nam Á dự cuộc họp vào tháng 2 để thảo luận về phản ứng đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo Jakarta Post, phó đô đốc Aan Kurnia, lãnh đạo Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (gọi tắt là Bakamla), cho biết đã gửi lời mời đến những người đồng cấp Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam tham dự một cuộc họp để thảo luận về những thách thức về an ninh tại Biển Đông. Mục tiêu chính của cuộc họp nhằm đưa ra “một cách tiếp cận phối hợp” về các vấn đề ở Biển Đông và “cách ứng phó trên thực địa” cũng như để “chia sẻ kinh nghiệm và nuôi dưỡng tình anh em”.

Dù người đứng đầu Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia không chỉ đích danh Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh chính là thách thức buộc Jakarta tìm kiếm hợp tác chặt chẽ với các láng giềng ven Biển Đông. Việc tránh gọi tên Trung Quốc, theo các nhà quan sát là một thói quen được hầu hết chính phủ các nước Đông Nam Á áp dụng để tránh làm gián đoạn mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh.

Ông Kurnia nói rằng điều quan trọng đối với các bên tranh chấp Đông Nam Á là "trình bày một cách tiếp cận phối hợp" trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông và “cách ứng phó trên thực địa khi phải đối mặt với sự xáo trộn”.

Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã điều các tàu đánh cá cỡ lớn đi cùng với lực lượng bảo vệ bờ biển và tàu dân quân biển, vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia gần quần đảo Natuna, mà Bắc Kinh tuyên bố là một phần của “đường chín đoạn mở rộng”. Vào tháng 5.2020, Indonesia gửi thư lên Liên Hợp Quốc bác bỏ yêu sách chủ quyền biển với đường 9 đoạn của Trung Quốc.

4c3b48a4-5962-49c1-8ce2-13866c0585b5_18572236.jpg
Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói với các phóng viên trong một chuyến thị sát tới quần đảo Natuna - Ảnh: AFP

Vào tháng 12.2019 và tháng 1.2020, gần 60 tàu Trung Quốc đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Trong vài tháng cuối năm 2021, hai quốc gia đã tham gia vào một cuộc đối đầu ở cấp độ thấp về một giàn khoan dầu khảo sát gần quần đảo Natuna bên trong EEZ của Indonesia.

Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu Indonesia dừng dự án phát triển dầu khí tại Biển Đông với lý do vi phạm các yêu sách "chủ quyền biển" của Bắc Kinh. Không chỉ phản đối, Trung Quốc còn điều các tàu hải cảnh đến khu vực để gia tăng áp lực.

Về phần mình, Bộ trưởng An ninh Indonesia Mahfud MD khẳng định Jakarta sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh phòng thủ tại quần đảo Natuna theo sau những hành động khiêu khích của tàu Trung Quốc.

“Mặc dù Indonesia không phải là một quốc gia có tuyên bố chủ quyền trong các tranh chấp tại Biển Đông, Trung Quốc lại đối xử với Jakarta giống như các nước láng giềng có tuyên bố chủ quyền trong khu vực. Bắc Kinh đã áp dụng chiến thuật vùng xám để từng bước thay đổi chiến lược trên biển và xa hơn nữa nhưng vẫn nằm dưới ngưỡng có thể gây ra các phản ứng vũ trang”, ông Evan Laksmana thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu của Đại học quốc gia Singapore, nhận định.

Theo giới quan sát, các yêu sách chủ quyền gia tăng của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia buộc quốc gia Đông Nam Á này tìm kiếm các hợp tác từ phía các láng giềng ven Biển Đông.

Ông Sebastian Strangio, chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á cho biết, mặc dù khó có thể biết chính xác kết quả cụ thể mà cuộc họp tháng 2 sẽ mang lại, nhưng nó thể hiện một bước tiến đáng hoan nghênh trong sự phối hợp giữa các quốc gia Đông Nam Á khi đối mặt với thách thức của Trung Quốc ở Biển Đông. 

“Lời kêu gọi đoàn kết nói trên của Indonesia có thể là tín hiệu cho thấy Jakarta công nhận rõ ràng mức độ nghiêm trọng của thách thức mà Trung Quốc đặt ra trong vùng đặc quyền kinh tế của đất nước, mà quốc gia này không có khả năng xử lý một mình. Đây có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy các nhà hoạch định chính sách Indonesia - hoặc ít nhất là những người nắm rõ nhất với tình hình thực tế ở khu vực Natuna - đang thức tỉnh trước thái độ phủ nhận mối đe dọa Trung Quốc suốt thập kỷ qua. Do đó, những nỗ lực này cần được chú ý chặt chẽ trong những tháng và những năm tới”, ông Strangio nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
3 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Indonesia tìm kiếm sự phối hợp của Đông Nam Á để vô hiệu hóa 'đường chín đoạn'