Chiều 5.4, tại TP.Cần Thơ, Bộ KH-ĐT và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội nghị Đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực số khu vực ĐBSCL.

Kết nối và phát triển nhân lực số ở ĐBSCL

Nguyên Việt | 05/04/2022, 17:43

Chiều 5.4, tại TP.Cần Thơ, Bộ KH-ĐT và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội nghị Đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực số khu vực ĐBSCL.

Thứ trưởng Trần Duy Đông chủ trì hội nghị cùng sự tham gia của lãnh đạo 13 địa phương, các doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết từ năm 2019, Bộ đã đề xuất với Thủ tướng thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC). Việc này nhằm hiện thực hóa những khát vọng, chủ trương, định hướng đổi mới sáng tạo trong cuộc Cách mạng 4.0.

Cùng với đó, Quốc hội cũng đã ban hành Luật Đầu tư năm 2020, trong đó quy định các cơ chế, chính sách ưu đãi để tạo điều kiện xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo trên cả nước cũng như đưa ra những cơ chế, chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo.

Với ĐBSCL, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu tổng quát đã chỉ rõ là phát triển vùng đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới; một trong những điều cần chú trọng là phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

lao-dong.jpg
Lao động nước ta chủ yếu vẫn thuộc nhóm có kỹ năng thấp so với khu vực - Ảnh: Nguyên Việt

Thứ trưởng cho rằng, cuộc cách mạng 4.0 đang thúc đẩy sự mạnh mẽ quá trình chuyển đổi nền kinh thế theo hướng dựa trên tài nguyên tri thức với trụ cột là internet và kỹ thuật số. Từ đó, cơ cấu lao động cần có sự thay đổi theo hướng chú trọng phát triển nhân lực số để đáp ứng.

Thứ trưởng cũng đặt vấn đề trình độ lao động nước ta đang đặt ra thách thức cho yêu cầu chuyển đổi số nền kinh tế. Cụ thể, lao động nước ta chủ yếu ở nhóm có kỹ năng thấp với tỷ lệ hơn 40% (cao nhất khu vực Đông Nam Á) và chỉ khoảng 10% lao động có kỹ năng cao (so với hơn 20% của Malaysia, Philippines và hơn 50% của Singapore).

“Như vậy, để đáp ứng yêu cầu này, đào tạo mới, nâng cao kỹ năng để phát triển nguồn nhân lực số là vấn đề cần thiết, cấp bách và cần được tập trung nguồn lực triển khai bài bản và liên tục”, Thứ trưởng nói và mong rằng sau hội nghị có thể đánh giá được thực trạng đổi mới sáng tạo của vùng, thấy rõ các khó khăn thách thức cũng như cơ hội để đổi mới.

cong-bo-dor-moi-sang-tao.jpg
Bộ KH-ĐT công bố Sáng kiến đổi mới sáng tạo tại khu vực ĐBSCL - Ảnh: Nguyên Việt

Cũng tại hội nghị, Bộ KH-ĐT cũng đã công bố Sáng kiến đổi mới sáng tạo tại khu vực ĐBSCL (Mekong Innovation Innitiative – MII). Trong đó, bao gồm những hoạt động cụ thể năm 2022. Sáng kiến này sẽ thúc đẩy sự quan tâm, động lực và góp phần kết nối các nguồn lực để hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho vùng.

Mục tiêu của MII đặt ra là huy động được các nguồn lực và giải pháp hỗ trợ đổi mới sáng tạo tại ĐBSCL; hỗ trợ phát triển kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo; thúc đẩy nâng cao nguồn lực cho chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế; phát triển bền vững về môi trường và bình đẳng giới.

MII nhận được sự tài trợ từ hoạt động hợp tác giữa USAID và Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ KH-ĐT. Trong thời gian hoạt động, MII dự kiến đào tạo khoảng 500 học viên ở ĐBSCL về các kỹ năng chuyển đổi số và thương mại điện tử, mở ra cơ hội làm việc mới cung cấp cho khu vực lực lượng lao động đã được trang bị kỹ năng số. Ngoài ra MII còn nhận được nhiều tài trợ của các đối tác quan trọng khác.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
1 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kết nối và phát triển nhân lực số ở ĐBSCL