Theo tạp chí European Journal of Wildlife Research, các nhà sinh học thế giới đang lên kế hoạch sử dụng đỉa để khảo sát tình trạng sức khỏe của các loài động vật quý hiếm sống trong vùng rừng núi nhiệt đới hiểm trở khó tiếp cận, kể cả trên biên giới Việt Nam và Lào.
Do loài đỉa giữ máu của những con vật bị hút trong cơ thể lên đến 4 tháng, nên từ 2 năm trước, các nhà khoa học đã tìm cách sử dụng máu đó để nghiên cứu thành phần các loài động vật trong các khu rừng nhiệt đới hiểm trở. Họ đã thu thập rất nhiều đỉa từ những khu rừng của Việt Nam và phân lập ADN từ máu lưu trong thân đỉa. Kết quả họ đã xác định được một số loài động vật có vú, trong đó có loài quý hiếm như thỏ vằn (tên khoa học Nesolagus timminsi) và hươu Trường Sơn (Muntiacus truongsonensis).
Các nhà nghiên cứu đã đi xa hơn, họ quyết định kiểm tra xem liệu máu lưu lại trong cơ thể các con đỉa có thể được dùng để nghiên cứu bệnh của các loài động vật bị đỉa hút máu hay không. Họ đã kiểm tra giả thuyết này trong một thí nghiệm. Theo đó, họ đưa vào ruột lợn máu của người đã bị cho nhiễm 4 loại vi rút khác nhau, trong đó có vi rút herpes. Sau đó, họ cho đỉa hút máu lợn.
Kết quả kiểm tra cho thấy, có thể tìm thấy vật liệu di truyền của 3 trong số 4 loài vi rút này trong các con đỉa sau 50 ngày. Hiện tại, các nhà khoa học dự tính áp dụng phương pháp nghiên cứu này không phải trong phòng thí nghiệm mà trong các khu rừng núi ở biên giới Việt Nam và Lào.
Vũ Trung Hương