VKS cấp phúc thẩm đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên mức án sơ thẩm.
“Bị cáo Cảm chịu trách nhiệm chính”
Chiều 24.6, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) theo trình tự phúc thẩm.
Theo đó, tại phần luận tội của đại diện VKS cấp phúc thẩm, VKS nhận thấy có đủ cơ sở kết luận bị cáo Nguyễn Nhật Cảm chịu trách nhiệm chính trong việc chỉ định thầu. Bị cáo đã trực tiếp ký các quyết định thành lập, phê duyệt thủ tục chỉ định thầu không đúng theo quy định của Luật Đấu thầu và những quy định khác của Chính phủ. Các bị cáo còn lại cùng nhau thống nhất hoàn tất hồ sơ để thực hiện việc đấu thầu không đúng quy định của pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo VKS, bị cáo Cảm đã không thực hiện đúng trách nhiệm của mình, lựa chọn nhà thầu khi chưa có thẩm định giá, vi phạm quy định của Luật Đấu thầu; các bị cáo còn lại báo cáo sai, không trung thực, làm sai lệch kết quả, gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Vì vậy, VKS cho rằng Tòa cấp sơ thẩm kết án các bị cáo với hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” là không oan.
Xét kháng cáo của bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, VKS cho rằng bị cáo Cảm có vai trò cao nhất, là người khởi xướng. Xét các tình tiết giảm nhẹ, VKS nhận thấy bị cáo có nhiều thành tích trong công tác, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, hậu quả đã được khắc phục hoàn toàn; bị cáo được nhiều đồng nghiệp xin giảm nhẹ hình phạt…
Tuy nhiên, VKS nhận định bị cáo Cảm đã chỉ đạo các bị cáo dưới quyền thực hiện hành vi sai trái dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, mức án 10 năm tù mà Tòa sơ thẩm đã tuyên là có căn cứ, là mức thấp nhất của khung hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo nhận được rất nhiều đơn xin giảm nhẹ cho mình nhưng xét thấy chưa có cơ sở xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Với bị cáo Nguyễn Vũ Hà Thanh, Nguyễn Thị Kim Dung, Nguyễn Ngọc Quỳnh, VKS đánh giá các bị cáo đã thực hiện theo sự chỉ đạo của Nguyễn Nhật Cảm, gian lận, giả mạo hồ sơ, ký các tài liệu liên quan trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại hơn 5 tỉ đồng.
Quá trình điều tra và xét xử, các bị cáo thể hiện sự ăn năn, hối cải, phạm tội lần đầu với vai trò giúp sức, có quan hệ phụ thuộc, làm công ăn lương, chấp hành nhiệm vụ, không có động cơ vụ lợi, không được hưởng lợi cho bản thân. Cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ, tuyên phạt các bị cáo ở mức án khác nhau nhưng đều dưới khung hình phạt của tội danh bị truy tố.
Từ những nhận định trên, đại diện VKS đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên mức án sơ thẩm.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm 10 năm tù; Nguyễn Vũ Hà Thanh 6 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Kim Dung 6 năm tù; Đào Thế Vinh 6 năm 6 tháng tù; Nguyễn Trần Duy 6 năm tù; Nguyễn Ngọc Quỳnh 5 năm tù.
Mong muốn tiếp tục được đóng góp cho ngành Y
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc CDC Hà Nội) đã đưa ra các dẫn chứng để giảm nhẹ hình phạt. Cựu Giám đốc CDC Hà Nội khẳng định không cố ý, không hưởng lợi. “Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên mong HĐXX xem xét một cách toàn diện đến bối cảnh sự việc và nhân thân của bị cáo. Bị cáo rất mong được tiếp tục đóng góp cho ngành Y tế thủ đô”, bị cáo Cảm trình bày.
Vụ án xảy ra vào năm 2020, CDC Hà Nội đã mua một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu.
Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống COVID-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng hơn 2 tỉ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá hơn 7 tỉ đồng, gấp 3 lần giá nhập.
Theo lời khai của bị cáo Cảm, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để chuẩn bị cho công tác mua sắm, Sở Y tế Hà Nội giao cho các đơn vị chủ động thực hiện, CDC Hà Nội lúc đó đã phải gồng mình lên để tham khảo, tìm hiểu trên thị trường nhằm đề xuất danh mục thiết bị cụ thể…
Về hậu quả thiệt hại của vụ án được xác định là hơn 5 tỉ đồng, bị cáo Cảm cho biết bản thân không nắm rõ được quy định, trình tự thủ tục định giá tài sản nhưng theo một số tài liệu từ phía luật sư, bị cáo có biết Bộ Công an có văn bản đề nghị Hội đồng định giá tài sản của Bộ Y tế định giá theo giá thị trường nhưng Hội đồng định giá tài sản của Bộ Y tế không định giá được theo giá thị trường của năm 2020; sau đó bị cáo không nắm được.
Về phần mình, các bị cáo Nguyễn Vũ Hà Thanh (Trưởng phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội) và Nguyễn Thị Kim Dung đều thừa nhận có sự sai sót trong khi thực hiện gói thầu 15 nhưng hoàn toàn không có động cơ, mục đích nào.
Các bị cáo thừa nhận bản thân có lỗi trong việc không rà soát theo trình tự thời gian. Ngoài ra, các bị cáo cũng cho rằng tại thời điểm đó dịch COVID-19 bùng phát mạnh nên với trách nhiệm của bác sĩ, bị cáo chỉ mong muốn hạn chế nhanh nhất dịch lây lan trong cộng đồng; không có động cơ mục đích nào.
“Khi làm, bị cáo chỉ nghĩ đó là hành động ghi lùi vài ngày để đáp ứng đúng tiến độ, không ảnh hưởng lắm nên bị cáo mới làm. Nhưng sau khi làm việc với CQĐT và được HĐXX sơ thẩm phân tích, bị cáo đã có nhận thức rõ ràng hơn, đồng thời bị cáo cũng không được hưởng lợi từ việc này”, bị cáo Thanh trình bày.