Số lượng khách mua là người Trung Quốc chiếm tới 31% tổng số giao dịch của CBRE trong 9 tháng đầu năm 2018 là thống kê dựa trên các giao dịch của doanh nghiệp này chứ không phải là số liệu đại diện cho toàn bộ thị trường bất động sản TP.HCM, chỉ mang tính chất tham khảo.
Ngày 27.12, CBRE đã phát đi thông cáo báo chí giải thích thông tin người Trung Quốc chiếm 31% giao dịch nhà ở TP.HCM. Đây là số liệu được CBRE đưa ra trong một sự kiện về bất động sản tổ chức tại TP.HCM hồi đầu tháng 12.
Theo CBRE, dựa trên số lượng các căn hộ bán được qua sàn giao dịch của CBRE chủ yếu tập trung ở phân khúc hạng sang và cao cấp tại TP.HCM trong 3 năm qua nhận thấy có sự quan tâm nhiều hơn của người mua nước ngoài nói chung và người Trung Quốc nói riêng. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2018, số lượng khách mua là người Trung Quốc chiếm tới 31% tổng số giao dịch của CBRE, so với chỉ 4% trong năm 2017.
“Đây là thống kê chỉ dựa trên các giao dịch của CBRE và không đại diện cho toàn bộ thị trường. Nguyên do là CBRE chủ yếu môi giới các căn hộ hạng sang, cao cấp và chủ yếu làm việc với khách mua là người nước ngoài nên số liệu này chỉ mang tính tham khảo. Trong tựa đề của biểu đồ cũng như chú thích, CBRE cũng ghi rất rõ nguồn thống kê như trên, nghĩa là chỉ dựa trên các giao dịch của CBRE”, thông cáo của đơn vị này khẳng định.
Lý giải cho những nhận định trên, đại diện CBRE cho biết từ năm 2015, Việt Nam bắt đầu mở cửa cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu bất động sản tại Việt Nam. Thêm nữa, các chủ đầu tư Việt Nam cũng chủ động mang các dự án sang nước ngoài giới thiệu. Nếu như năm 2016 - 2017, các chủ đầu tư mang dự án sang chào tại Singapore, Hồng Kông thì năm 2018, họ mang các dự án của mình sang cả Bắc Kinh và Thượng Hải.
Một trong những lý do chính khiến nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm hơn đến việc đầu tư vào thị trường bất động sản TP.HCM là vì họ nhìn thấy được sự tương đồng trong phát triển giữa TP.HCM và thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Cách đây 30 năm, Thượng Hải gần như giống TP.HCM hiện nay với nhiều khu đất trống và nhà thấp tầng.
Trong quá trình phát triển hàng chục năm qua, giờ đây Thượng Hải là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu trên thế giới kéo theo đó là giá bất động sản tăng lên rất nhiều lần.
Theo số liệu của CBRE, trong vòng 20 năm từ năm 1995 – 2015 giá căn hộ tại khu vực trung tâm phố Đông, Thượng Hải có thời điểm lên đến 180.000 CNY/m², tương ứng hơn 600.000.000 đồng/m², còn giá cho thuê văn phòng trong giai đoạn này tăng gần gấp đôi.
Nói đến giá phân khúc hạng sang mà khách hàng Trung Quốc quan tâm, CBRE nhận định năm 2017, thị trường thậm chí không ai nói tới phân khúc hạng sang nhưng đến nay đã có vài dự án với giá 5.000 - 6.000 USD/m², thậm chí lên tới 9.000 USD/m². Nguyên nhân là do nguồn cung còn quá ít nên dự báo giá căn hộ trong phân khúc này sẽ còn biến động trong thời gian tới.
Đáng chú ý, bên cạnh việc giải thích con số 31%, CBRE cũng giải thích rằng công ty không nói “người nước ngoài có thể mua nhà mà không cần đặt chân tới Việt Nam”. Bởi lẽ, khi chia sẻ trong buổi hội thảo, công ty nói rằng đối với khách mua người nước ngoài, CBRE nhận thấy càng ngày càng có nhiều sự quan tâm đến từ các khách mua chưa từng đặt chân tới thị trường Việt Nam.
“Nếu như trước đây khách nước ngoài mua nhà chủ yếu là những người sống và làm việc ở Việt Nam lâu năm thì bây giờ nhờ có sự chủ động tiếp thị từ các chủ đầu tư tại thị trường nước ngoài nên các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài biết tới Việt Nam nhiều hơn và nhiều người trong số họ đã quyết định mua ngay cả khi chưa hề đặt chân tới Việt Nam. Tức là trên thực tế, sau khi xác định được dự án hoặc sản phẩm mà mình quan tâm, họ sẽ sang Việt Nam để làm việc với sàn giao dịch của CBRE tham quan dự án, tiến hành các thủ tục cần thiết trong việc mua nhà và ký hợp đồng.
Trong nhận định này, CBRE không nói rằng người nước ngoài có thể mua nhà mà không cần đặt chân tới Việt Nam. CBRE phân biệt 2 nhóm khách nước ngoài khác nhau mua sản phẩm nhà ở cao cấp, hạng sang tại Việt Nam. Cụ thể là nhóm những người đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam và nhóm đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài vẫn có sự quan tâm đến thị trường căn hộ Việt Nam”, CBRE lý giải.
Trước đó, cũng phân tích về số liệu mà CBRE đưa ra, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nói rằng số liệu thống kê trên từ số lượng khách hàng của CBRE không phản ánh được toàn bộ tình hình thị trường nhà ở TP.HCM.
Theo ông Châu, người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam rất quan tâm đến chính sách của nhà nước cho phép cá nhân nước ngoài nhập cảnh hợp pháp được mua nhà ở tại các dự án nhà ở thương mại ngoài khu vực bảo vệ quốc phòng, an ninh.
Năm 2016, Hiệp hội đã báo cáo có khoảng gần 1.000 người nước ngoài mua nhà tại thành phố Hồ Chí Minh. Con số này chắc chắn đã gia tăng trong hai năm qua. Qua tìm hiểu thì người nước ngoài thuộc khu vực Châu Âu, Bắc Mỹ, Úc, Nhật Bản thường lựa chọn thuê nhà ở. Chỉ có người nước ngoài từ Hàn quốc, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc, Hongkong có khuynh hướng mua nhà tại Việt Nam.
Phan Diệu