Nghiên cứu toàn quốc đầu tiên của các nhà khoa học Trung Quốc liên kết tỷ lệ tự tử với chất lượng không khí được coi là lời kêu gọi cấp thiết cho các chính sách toàn cầu.
Nhịp đập khoa học

Không khí sạch hơn giúp giảm tỷ lệ tự tử ở Trung Quốc: Lời kêu gọi cấp thiết cho chính sách toàn cầu

Sơn Vân 13/03/2024 10:34

Nghiên cứu toàn quốc đầu tiên của các nhà khoa học Trung Quốc liên kết tỷ lệ tự tử với chất lượng không khí được coi là lời kêu gọi cấp thiết cho các chính sách toàn cầu.

Đứng sau nghiên cứu cả nước Trung Quốc đầu tiên liên kết trực tiếp không khí sạch hơn với tỷ lệ tự tử thấp hơn, các nhà khoa học hy vọng phân tích của họ sẽ truyền cảm hứng cho việc hoạch định chính sách môi trường trong tương lai trên toàn thế giới, trang SCMP đưa tin.

Zhang Peng, nhà nghiên cứu tại khoa quản lý và kinh tế của Đại học Trung văn Hồng Kông, cho biết: “Điều này có vẻ mâu thuẫn, nhưng nghiên cứu của chúng tôi xác nhận rằng thực sự có mối quan hệ nhân quả giữa hai điều này và chất lượng không khí được cải thiện đã đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tỷ lệ tự tử ở Trung Quốc”.

Zhang Peng và các cộng sự ước tính rằng cuộc chiến chống ô nhiễm bụi của Trung Quốc, đặc biệt là các hạt mịn nhỏ hơn 2,5 micromet được gọi là PM2.5, đã ngăn chặn được khoảng 46.000 trường hợp tự tử ở nước này trong giai đoạn 2013-2017, chiếm khoảng 10% trong sự suy giảm tỷ lệ tự tử quan sát thấy ở khoảng thời gian đó.

PM2.5 là hỗn hợp các hạt rắn và lỏng, được sử dụng để mô tả mức độ ô nhiễm. PM2.5 là các hạt mịn có đường kính dưới 2,5 micromet, mỏng hơn sợi tóc người hơn 100 lần và tồn tại lơ lửng trong không khí thời gian dài hơn, gây nguy hiểm cho sức khỏe khi chúng có thể xâm nhập vào đường hô hấp.

Với sự tham gia chủ yếu của các chuyên gia Trung Quốc và được công bố trên tạp chí Nature Sustainability, nghiên cứu này “làm tăng thêm tính cấp thiết cho việc kêu gọi các chính sách kiểm soát ô nhiễm trên toàn cầu”.

Zhang Peng nói rằng tác động của môi trường với sức khỏe và nguồn nhân lực là lĩnh vực ngày càng được quan tâm trong các ngành như y tế công cộng, kinh tế.

Trong khi trọng tâm của nghiên cứu thường là các vấn đề sức khỏe thể chất liên quan đến hệ hô hấp hoặc tim mạch, chẳng hạn hen suyễn, các chuyên gia đã bắt đầu nhận ra rằng các yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, gồm cả tự tử, cũng như sự phát triển nhận thức.

Trong một cuộc phỏng vấn trên Phys.org, đồng tác giả nghiên cứu là Tamma Carleton, giáo sư trợ giảng tại Đại học California - Santa Barbara (Mỹ), cho biết tỷ lệ tự tử ở Trung Quốc đã giảm nhanh hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới, đồng thời không khí mức độ ô nhiễm ở quốc gia châu Á này cũng giảm cùng thời điểm.

Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch Hành động về Phòng ngừa và Kiểm soát Ô nhiễm Không khí vào năm 2013 để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Tamma Carleton nói: “Rõ ràng là cuộc chiến chống ô nhiễm trong 7 đến 8 năm qua của Trung Quốc đã dẫn đến sự sụt giảm ô nhiễm chưa từng có với tốc độ mà chúng tôi thực sự chưa từng thấy ở bất kỳ nơi nào khác”.

Những thay đổi xã hội khác, chẳng hạn như tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và đô thị hóa ngày càng tăng, cũng đóng vai trò giảm tỷ lệ tự tử theo thời gian. Thế nên nhóm nghiên cứu bắt đầu xác định xem liệu cuộc chiến chống ô nhiễm không khí của Trung Quốc có giúp giảm tỷ lệ tự tử ở nước này hay không.

Thách thức lớn nhất trong nghiên cứu là định lượng xem không khí sạch hơn có thể làm giảm nguy cơ tự tử ở mức độ nào.

Zhang Peng nói “những tiến bộ về phương pháp thống kê trong kinh tế học hai thập kỷ qua đã giúp việc xác định liệu có mối quan hệ nhân quả giữa hai chuyện này hay không là khả thi”.

Để hỗ trợ phân tích, nhóm đã thu thập dữ liệu nhân khẩu học chính thức từ các tổ chức, gồm cả Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc.

Để xác định tác động nhân quả, các nhà nghiên cứu đã cố gắng tách biệt những ngày ô nhiễm không liên quan đến hoạt động của con người bằng cách tận dụng điều kiện khí quyển được gọi là nghịch đảo nhiệt, khi một dòng không khí ấm giữ ô nhiễm gần bề mặt Trái đất. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã đối chiếu gần 140.000 quan sát về các báo cáo tự tử hàng tuần ở cấp quận từ năm 2013 đến 2017 bằng khoảng 1.400 máy giám sát ô nhiễm không khí trên khắp Trung Quốc, so sánh các tuần có thời tiết nghịch đảo nhiệt với những tuần có thời tiết điển hình hơn.

Zhang Peng cho biết: “Tỷ lệ tự tử hàng tuần tăng ngay lập tức khi ô nhiễm không khí trở nên tồi tệ hơn trong tuần đó”, đồng thời nói thêm rằng họ nhận thấy người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ, dễ bị tổn thương hơn.

Các tác giả nghiên cứu đã đề xuất một số lời giải thích khả dĩ cho lý do tại sao mức PM2.5 cao hơn có thể khiến nhiều người tự tử hơn, gồm cả ý kiến cho rằng các vật chất dạng hạt có tác động về thần kinh trực đến chức năng não.

Theo Zhang Peng, dù một số nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và các vụ tự tử, nhưng chúng có phạm vi nhỏ hơn, chẳng hạn ở một thành phố cụ thể.

Lần đầu tiên cung cấp bằng chứng chắc chắn từ một phân tích toàn quốc, những phát hiện này có thể cải thiện sự hiểu biết của công chúng và cộng đồng khoa học về ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe do ô nhiễm không khí, Zhang Peng nói thêm.

Ông cho biết nghiên cứu của họ cũng có thể khuyến khích các quyết định chính sách nhằm cải thiện môi trường.

Zhang Peng nói: “Các nhà hoạch định chính sách nên xem xét có thể cứu sống bao nhiêu người khi đo lường chi phí - lợi ích của việc xử lý không khí trong tương lai”.

chat-luong-khong-khi-tot-hon-giup-giam-ty-le-tu-tu-o-trung-quoc.jpg
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã cung cấp bằng chứng mạnh mẽ về mối liên hệ nhân quả giữa ô nhiễm không khí và tỷ lệ tự tử, một nghiên cứu mà họ hy vọng sẽ thúc đẩy các chính sách môi trường mạnh mẽ hơn trên toàn thế giới - Ảnh: AP

Theo kết quả phân tích từ Dự án Dữ liệu Chất lượng Không khí Kết nối Toàn cầu hồi tháng 1.2024 của hãng công nghệ đa quốc gia Dyson, Ấn Độ đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu về ô nhiễm không khí trong nhà với mức PM2.5 trung bình hàng năm cao nhất, tiếp theo là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE và Hàn Quốc.

Trong danh sách các thành phố được nghiên cứu có mức PM2.5 trung bình hàng năm cao nhất, New Delhi (thủ đô Ấn Độ) đứng đầu với mức PM2.5 đến 69,29, tiếp theo là Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), thành phố Thượng Hải và Thâm Quyến (Trung Quốc), thành phố Busan (Hàn Quốc).

Dự án của Dyson phân tích hơn 500 tỉ điểm dữ liệu để hiểu hành vi của người dùng và so sánh chất lượng không khí trong nhà lẫn ngoài trời.

Nghiên cứu cho thấy không khí trong nhà có thể tồi tệ hơn đáng kể trong mùa đông, với mức PM2.5 vượt quá tiêu chuẩn y tế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra. Mùa đông nói chung là mùa ô nhiễm nhất ở khắp nơi, ngay cả ở Nam Bán cầu - nơi thời tiết lạnh hơn giữ không khí ô nhiễm ở gần mặt đất.

Ô nhiễm đạt đỉnh điểm vào mùa đông, đặc biệt là ở New Delhi, trong đó tháng 11 và tháng 12 là những tháng ô nhiễm nhất.

Dyson cho biết: “Thật đáng kinh ngạc, không khí trong nhà vào mùa đông được phát hiện là tồi tệ hơn bên ngoài 15%, khiến khói bụi bám vào tường hiệu quả. Thực tế, trên khắp Ấn Độ, không khí trong nhà ô nhiễm hơn 41% trong những tháng này, thậm chí còn hơn 48%”.

Không giống hầu hết các nơi có không khí tồi tệ nhất vào ban đêm, ở Ấn Độ, thời gian ô nhiễm nhất là từ 7 giờ sáng đến giữa trưa.

Bài liên quan
Vì sao Nam Á trở thành điểm nóng ô nhiễm toàn cầu?
Hãng Reuters nêu ra một số nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm ở Nam Á đặc biệt nghiêm trọng hơn các khu vực khác.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không khí sạch hơn giúp giảm tỷ lệ tự tử ở Trung Quốc: Lời kêu gọi cấp thiết cho chính sách toàn cầu