Theo dự báo từ tổ chức Global Carbon Budget, lượng phát thải nhiên liệu hóa thạch toàn cầu đang trên đà tăng 1,1% vào năm 2023 so với 2022, mức cao kỷ lục chủ yếu do Trung Quốc và Ấn Độ thúc đẩy.
Nhịp đập khoa học

Cop28: Lượng phát thải nhiên liệu hóa thạch toàn cầu 2023 cao kỷ lục chủ yếu do Trung Quốc, Ấn Độ

Sơn Vân 05/12/2023 12:18

Theo dự báo từ tổ chức Global Carbon Budget, lượng phát thải nhiên liệu hóa thạch toàn cầu đang trên đà tăng 1,1% vào năm 2023 so với 2022, mức cao kỷ lục chủ yếu do Trung Quốc và Ấn Độ thúc đẩy.

Phát thải nhiên liệu hóa thạch vào năm 2023 dự kiến ​​sẽ tăng 4% ở Trung Quốc, 8,7% tại Ấn Độ và 0,5% ở phần còn lại của thế giới, trong khi giảm 7,4% ở Liên minh châu Âu (EU) và giảm 3% tại Mỹ, theo ước tính của một đội ngũ hơn 120 nhà nghiên cứu từ gần 20 quốc gia tham gia vào dự án do Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Quốc tế (có trụ sở tại Na Uy) điều hành.

Tại Trung Quốc, quốc gia gây ra tới gần 1/3 lượng khí thải toàn cầu, lượng phát thải từ than đá được dự báo sẽ tăng mạnh ở mức 3,3%, dầu ở mức 9,9% và khí đốt tự nhiên ở mức 6,5%.

Lượng phát thải bình quân đầu người ở Trung Quốc vẫn thấp hơn so với một số nước phương Tây. Ấn Độ là một trong những quốc gia có lượng phát thải bình quân đầu người thấp nhất trên thế giới.

Nhóm nghiên cứu quốc tế cho biết: “Nếu mức phát thải carbon dioxide (CO2) hiện tại vẫn tiếp tục tồn tại, lượng carbon còn lại để có 50% cơ hội hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C có thể bị vượt quá trong 7 năm và 15 năm với 1,7 độ C. Việc đưa nhiệt độ toàn cầu trở lại dưới các ngưỡng này sau khi đã vượt qua sẽ đòi hỏi phải tăng cường loại bỏ carbon dioxide trên quy mô lớn sau khi lượng phát thải ròng toàn cầu đã đạt mức 0”.

Báo cáo năm 2023 dự kiến sẽ được công bố hôm 5.12 tại Cop28 (hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 28) ở Dubai (UAE) và dự kiến sẽ được công bố trên tạp chí Earth System Science Data.

Tại Cop28, Antonio Guterres - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã thúc đẩy một tương lai không có nhiên liệu hóa thạch, nói rằng “giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C chỉ có thể thực hiện được nếu cuối cùng chúng ta ngừng đốt tất cả nhiên liệu hóa thạch”. Điều này đến sau khi Sultan Ahmed al-Jaber, Chủ tịch Cop28, đề xuất tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Hơn một nửa trong số 200 quốc gia đàm phán thỏa thuận khí hậu Cop28 đã ký cam kết tăng gấp ba khả năng sản xuất năng lượng tái tạo toàn cầu và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng vào năm 2030. Thế nhưng, các nhà sản xuất dầu lớn, bao gồm Nga, Ả Rập Saudi và Iran, cũng như nước tiêu thụ dầu hàng đầu là Trung Quốc không có trong danh sách.

Pep Canadell, Giám đốc điều hành tổ chức Global Carbon Project, cho biết tất cả nguồn phát thải carbon dioxide hóa thạch dự kiến sẽ tăng trong năm 2023, trong đó than đá (nguồn phát thải lớn nhất) phá kỷ lục của năm 2014.

“Dầu đóng góp nhiều nhất vào sự gia tăng khí thải carbon dioxide từ nhiên liệu hóa thạch (ở mức 1,5% trên toàn cầu) trong năm nay, đặc biệt cả ở Trung Quốc và Ấn Độ. Điều đó chủ yếu là do chúng ta đã chứng kiến sự phục hồi rất mạnh mẽ và liên tục của ngành hàng không quốc tế. Trung Quốc thực hiện biện pháp phong tỏa muộn hơn so với các quốc gia khác và quá trình hồi phục vẫn đang diễn ra trong năm nay", theo Pep Canadell, người cũng là nhà khoa học nghiên cứu chính tại cơ quan khoa học quốc gia của Úc là Commonwealth Scientific and Industrial Research Organisation (CSIRO).

Frank Jotzo, Giám đốc Trung tâm Chính sách Khí hậu và Năng lượng tại Đại học Quốc gia Úc, cho biết "việc nghĩ chỉ về chúng ta và họ không hữu ích" do sự phức tạp của tình trạng phát thải ở Trung Quốc.

“Trung Quốc tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than. Cho đến nay, Trung Quốc cũng sản xuất lượng năng lượng tái tạo lớn nhất trên toàn cầu, cũng như năng lượng hạt nhân. Điều đáng tiếc khi đây là các nhà máy có tuổi thọ cực kỳ cao. Thật khó để tưởng tượng làm thế nào một nhà máy điện đốt than mới được xây dựng sẽ ngừng hoạt động vào những năm 2030”, Frank Jotzo nói.

Về phát triển năng lượng sạch, Frank Jotzo cho biết: “Nếu không có hành động của Trung Quốc trong lĩnh vực này, chúng ta sẽ không chứng kiến ​​sự bùng nổ năng lượng mặt trời toàn cầu như đang thấy hiện nay”, đồng thời lưu ý đến quá trình điện khí hóa nhanh chóng các phương tiện giao thông ở Trung Quốc.

Trung Quốc dự kiến sẽ tạo ra 440 terawatt giờ (TWh) điện sạch từ các nguồn năng lượng mặt trời, gió, thủy điện và hạt nhân vào năm 2023, lần đầu tiên vượt mức tăng trưởng nhu cầu điện trung bình trong 10 năm của đất nước là 367 TWh, theo cơ quan khí hậu Centre for Research on Energy and Clean Air có trụ sở tại Helsinki (thủ đô Phần Lan).

Theo công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, Trung Quốc dự kiến sẽ nắm giữ hơn 80% công suất sản xuất năng lượng mặt trời toàn cầu từ năm 2023 đến năm 2026, thống trị chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời toàn cầu, đồng thời cải thiện công nghệ và chi phí.

cop28-luong-phat-thai-nhien-lieu-hoa-thach-toan-cau-nam-2023-cao-ky-luc-chu-yeu-do-trung-quoc-an-do.jpg
Phát thải nhiên liệu hóa thạch vào năm 2023 dự kiến sẽ tăng 4% ở Trung Quốc, 8,7% ở Ấn Độ và 0,5% ở phần còn lại của thế giới, dù một số quốc gia thấy lượng khí thải giảm - Ảnh: Reuters

Phát biểu bên lề Cop28, Xie Zhenhua, đặc phái viên về khí hậu hàng đầu Trung Quốc, cho biết nước này sẽ thiết lập các mục tiêu mới giảm phát thải carbon dioxide cho năm 2030 và 2035 như một phần trong cam kết toàn cầu nhằm chống biến đổi khí hậu, đồng thời kêu gọi thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc kiểm soát khí thải mê tan.

Xie Zhenhua nói Trung Quốc cam kết công bố mục tiêu carbon 2035 trong vòng hai năm nữa.

“Sau cuộc họp này, mỗi quốc gia cần đề xuất các mục tiêu đóng góp cho năm 2035 vào 2025. Chính phủ Trung Quốc rất coi trọng vấn đề này”, Xie Zhenhua nói tại Dubai, theo tờ China News Service.

Trung Quốc đã cam kết đạt mức phát thải carbon dioxide cao nhất vào năm 2030 và mức phát thải ròng bằng 0 trước năm 2060.

Xie Zhenhua kêu gọi đổi mới kỹ thuật nhiều hơn để đáp ứng các mục tiêu kiểm soát sự nóng lên toàn cầu đặt ra trong thỏa thuận Paris, đề cập đến hiệp ước năm 2015 giữa 196 quốc gia nhằm hạn chế sự nóng lên từ thời kỳ tiền công nghiệp.

Ông cũng cho biết các nước phát triển nên đóng góp nhiều hơn vào quỹ thiệt hại và mất mát được công bố năm 2022 để bồi thường cho các quốc gia nghèo hơn đang phải đối mặt với những tác hại của biến đổi khí hậu.

Hơn 195 quốc gia tham dự Cop28 đã đồng ý thành lập quỹ trong một động thái mang tính bước ngoặt vào ngày khai mạc hội nghị hôm 30.11.

Khoản tài trợ dự kiến ban đầu là gần 475 triệu USD, trong đó nước chủ nhà là UAE cam kết 100 triệu USD và Liên minh châu Âu (EU) cam kết 275 triệu USD. Mỹ sẽ đóng góp 17,5 triệu USD, còn 10 triệu USD sẽ đến từ Nhật Bản.

Xie Zhenhua cũng kêu gọi các nỗ lực chung toàn cầu để kiểm soát lượng khí thải mê tan, loại khí có khả năng giữ nhiệt cao hơn 80 lần so với carbon dioxide trong khí quyển và là nguyên nhân gây ra hơn 1/4 hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Tại một cuộc thảo luận về khí mê tan và các loại khí nhà kính không phải carbon dioxide khác hôm 2.12, Xie Zhenhua cho biết Trung Quốc, với tư cách là một quốc gia đang phát triển, phải đối mặt với những khó khăn và rủi ro trong việc kiểm soát lượng khí thải mê tan.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính khí mê tan là nguyên nhân gây ra khoảng 30% sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu kể từ Cách mạng Công nghiệp. Việc giảm phát thải khí mê tan nhanh chóng, bền vững được coi là chìa khóa để hạn chế sự nóng lên toàn cầu trong thời gian ngắn và cải thiện chất lượng không khí.

Đến nay, Trung Quốc là quốc gia phát thải khí mê tan lớn nhất với hơn 14% tổng lượng phát thải toàn cầu. Nước này chưa tham gia kế hoạch hành động năm 2021 do Mỹ dẫn đầu nhằm cắt giảm 30% sản lượng khí mê tan vào năm 2030. Các nước láng giềng với Trung Quốc và những quốc gia gây ô nhiễm lớn là Ấn Độ, Nga cũng chưa tham gia.

Kế hoạch hành động do Trung Quốc công bố vào ngày 7.11 nhằm giải quyết vấn đề phát thải khí mê tan không bao gồm cả các mục tiêu cụ thể về cắt giảm phát thải ngoài việc tái sử dụng khí đốt làm nhiên liệu. Tuy nhiên, Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc có kế hoạch hạn chế đốt cháy phát thải tại các giếng dầu và khí, đồng thời ngăn chặn rò rỉ khí mê tan tại các mỏ than.

Trung Quốc và Mỹ đã cam kết hợp tác cùng nhau để giảm lượng khí thải mê tan toàn cầu, như một phần của thỏa thuận cùng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu mà Xie Zhenhua và người đồng cấp phía Mỹ - John Kerry đạt được tại thành phố San Francisco (Mỹ) vào ngày 14.11.

Bài liên quan
Nhà ở xây bằng gỗ giúp giảm phát thải khí carbon
Theo một nghiên cứu mới công bố, nhà ở xây bằng gỗ có thể giúp tránh phát thải hơn 100 tỉ tấn khí nhà kính carbon dioxide từ năm 2100.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cop28: Lượng phát thải nhiên liệu hóa thạch toàn cầu 2023 cao kỷ lục chủ yếu do Trung Quốc, Ấn Độ