Với kim ngach xuất khẩu trên 1 tỉ USD, sắn được xem là 1 trong 10 cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam từ năm 2012. Tuy nhiên, hiện ngành sắn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn từ sự mất cân đối giữa hoạt động chế biến và vùng nguyên liệu. Đặc biệt là việc Trung Quốc siết nhập khẩu qua đường tiểu ngạch và nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn.
Báo cáo của Hiệp hội Sắn cho biết hiện cả nước có 120 nhà máy sản xuất tinh bột sắn với tổng công suất trên 15,5 triệu tấn. Trong khi đó, tổng diện tích trồng sắn của cả nước chỉ ở mức 500.000 - 530.000ha/năm với tổng sản lượng 8,8 triệu tấn củ tươi.
Như vậy, nguồn nguyên liệu cho sản xuất tinh bột sắn hiện thiếu tới 6,7 triệu tấn. Điều nay đồng nghĩa với việc ngành sắn đang ở tình trạng mất cân đối nghiêm trọng.
Trao đổi với PV Một Thế Giới,TS. Nguyễn Văn Lạng - Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, khó khăn lớn nhất của ngành sắn hiện nay là chất lượng và tiêu chuẩn thấp. Xuất khẩu quá nhiều theo đường tiểu ngạch khiến rủirothị trường lớn hơn.
"Chất lượng, tiêu chuẩn thấp, trong khi chính sách giá không được kiểm soát cao khiến sản phẩm sắn của Việt Nam thường bị thương nhân Trung Quốc ép giá, kìm giá... Các nhà xuất khẩu thì không liên kết, không đồng nhất về giá, thậm chí chấp nhận phá giá để xuất tiểu ngạch. Điều này là không nên", TS Lạng nhận định.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết phía Hiệp hội đã làm việc với Trung Quốc để ổn định nguồn cung nhập khẩu chính ngạch của Việt Nam. Bên cạnh đó là gia tăng số lượng các đơn vị xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tuy nhiênvề lâu dài, vấn đề giải quyết theo TS Lạng chính là ổn định được vùng nguyên liệu, sau đó là áp dụng các biện pháp kỹ thuật tốt, đặc biệt là về giống. "Có những vùng sử dụng luân xen canh, bón phân hữu cơ... đã đưa năng suất lên tới 60 tấn/ha", TS Lạng cho hay.
Theo TS Lạng, ngành sắn cũng cần chú ý đến bệnh khảm lá sắn do vi rút Sri Lanka gây ra. Loại bệnh này đã làm giảm sản lượng và năng suất của ngành sắn khá lớn. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập ban chỉ đạo để giải quyết vấn đề giống, tìm loại giống chống được các loại bệnh. Bên cạnh đó là giúp các doanh nghiệp ổn định vùng nguyên liệu bằng cách liên kết giữa nhà máy và nông dân.
Trong khi đó, các doanh nghiệp sắn cho biết việc xuất khẩu sắn qua Trung Quốc bị đình trệ đã khiến các nhà máy bị tồn kho khá lớn, vướng mắc chung là hết vốn để tiếp tục sản xuất. Tại nhiều địa phương, có thời điểm, sắn vào vụ thu hoạch, việc không tiêu thụ được khiến các doanh nghiệp không có nguồn tài chính để mua sắn nguyên liệu của nông dân, trong khi doanh nghiệp tồn kho lớn.
Trước thực trạng trên, Hiệp hội Sắn kiến nghị Bộ NN-PT-NTđề nghị phía Trung Quốc chấp thuận cho thêm các đơn vị còn lại được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, phía Trung Quốc đưa ra các yêu cầu cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật, thống nhất chung quy ước ghi thông tin sản phẩm trên bao bì để thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện cũng như việc kiểm tra, giám sát và thông quan hàng hoá.
Hiệp hội cũng đề nghị Bộ NN-PT-NTcùng các địa phương phối hợpđể định hướng và quản lý quy hoạch ngành sắn, tránh phát triển nóng, chồng chéo dẫn tới cạnh tranh.
Trong 5 tháng đầu năm 2019, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PT-NT), xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam đạt 1,08 triệu tấn tương ứng với 414 triệu USD, giảm 17,6% về khối lượng và giảm 11% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 89,2%, giảm 16,4% về khối lượng và giảm 3,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Nguyên nhân khiến xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam giảm là bởi xuất khẩu tinh bột sắn suy giảm mạnh trên cả hai kênh xuất khẩu chính ngạch và biên mậu. Nguồn cung và chất lượng sắn củ tươi giảm mạnh nên hầu hết các nhà máy chế biến tinh bột sắn đã tạm ngưng sản xuất khiến nguồn cung tinh bột sắn xuất khẩu khan hiếm.
Tuyết Nhung