Việc Apple hủy dự án sản xuất ô tô điện cho thấy ngay cả một công ty trị giá 2.800 tỉ USD cũng không thể đốt tiền mãi mãi.
Thế giới số

‘Không thể đốt tiền mãi mãi, Apple quyết định đúng khi bỏ tham gia cuộc chiến ô tô điện’

Sơn Vân 28/02/2024 23:20

Việc Apple hủy dự án sản xuất ô tô điện cho thấy ngay cả một công ty trị giá 2.800 tỉ USD cũng không thể đốt tiền mãi mãi.

Nỗ lực lâu dài của Apple để trở thành nhà sản xuất ô tô điện đã kết thúc, giúp phần còn lại trong ngành bớt lo lắng hơn vào thời điểm cuộc cạnh tranh giành khách hàng đang làm giảm tỷ suất lợi nhuận và đặt ra nhiều câu hỏi.

Hôm 28.2, Apple đã thông báo với nhân viên rằng sẽ từ bỏ dự án phát triển và thiết kế ô tô điện của riêng mình. Đó là một hành trình kéo dài cả thập kỷ với các giám đốc cấp cao đến rồi đi. Lần đếm cuối cùng, Apple có 2.000 nhân viên làm việc trong dự án ô tô điện, một số người trong họ đang được phân công lại để làm về AI - ưu tiên mới của công ty.

Ngành công nghiệp ô tô từng chuẩn bị cho sự gia nhập của Apple giống như một hành tinh đang quan sát hiên thạch đến gần. Hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra: “Apple sẽ thiết lập một tiêu chuẩn mới trong việc lái xe tự động? Liệu Apple có thể định nghĩa lại thiết kế ô tô giống như cách iPhone đã đưa chúng ta thoát khỏi kỷ nguyên smartphone có bàn phím vật lý không? Bao nhiêu màn hình, ứng dụng và các cải tiến công nghệ khác sẽ được ra mắt?”.

Song trong những năm Apple bắt đầu nghiên cứu vấn đề này, toàn bộ thị trường ô tô điện đã thay đổi. Khi Tesla giảm giá ô tô điện và loại bỏ phần cứng cảm biến như radar, điều mà nhiều người cho rằng là cần thiết cho an toàn đường bộ, Apple đã đưa ra quyết định sáng suốt khi không tham gia vào thị trường xe điện đầy biến động, theo biên tập viên Vlad Savov của hãng tin Bloomberg.

Jochen Siebert, Giám đốc điều hành hãng JSC Automotive Consulting, nhận xét: “Apple đã xem xét thị trường trong khoảng 18 tháng qua và nhận thấy tỷ suất lợi nhuận đang giảm nhanh chóng. Apple sẽ không tham gia vào một thị trường không mang lại lợi nhuận vượt trội. Lý do bởi ngay cả khi tham gia, họ sẽ khó tạo ra sự khác biệt”.

Nếu Apple định loại bỏ tất cả nút bấm và nút xoay trên ô tô điện và thay thế chúng bằng một màn hình cảm ứng lớn cùng các ứng dụng, điều đó đã được thực hiện bởi đội ngũ của Elon Musk – Giám đốc điều hành Tesla.

Vào năm 2018, Volvo Car AB đã giới thiệu một mẫu ô tô ý tưởng, về cơ bản là một phòng Lounge sang trọng trên bánh xe. Hai năm trước, Rolls-Royce Vision 100 đã cho thấy một phiên bản khác về tương lai di động sang trọng của chúng ta và không có vô lăng. Apple sẽ không thể vượt qua các nhà sản xuất ô tô sang trọng.

Các nhà phân tích như Jochen Siebert nhìn thấy một thị trường mà giá cả quyết định việc mua sắm và “ngày nay bạn không thể bán một chiếc ô tô quá đắt”. Trong khi đó, Apple đang bán kính thực tế hỗn hợp Vision Pro giá đến 3.500 USD, nhấn mạnh vào các tiêu chuẩn tỉ mỉ đòi hỏi các thành phần cao cấp, đôi khi là độc lạ.

Tesla đã mất danh hiệu nhà sản xuất ô tô điện phổ biến nhất thế giới vào tay BYD (Trung Quốc) đầu năm 20245. Điều đó cho thấy các công ty như Xiaomi định hướng ngân sách, với liên doanh ô tô điện trị giá 10 tỉ USD, có thể có triển vọng tốt hơn so với những nhà sản xuất cao cấp như Apple.

Các hãng sản xuất ô tô truyền thống có thể cảm thấy được an ủi, nếu không muốn nói là giải tỏa, sau nhiều năm Apple có vẻ đánh giá thấp chi phí và sự phức tạp của ngành này.

Với Apple, các kỹ sư của hãng giờ đây có thể tập trung vào AI thay vì giải quyết các vấn đề như tránh va chạm. Thu hẹp khoảng cách với OpenAI, công ty tạo ra ChatGPT và Sora, là vấn đề cấp bách hiện nay của Apple.

Chuyên gia Rob Lea của Bloomberg Intelligence cho biết quyết định này “có ý nghĩa chiến lược dựa trên sự kết hợp sản phẩm tiềm năng và khả năng lợi nhuận dài hạn lớn hơn trong lĩnh vực AI”.

Apple sẽ cần có lực lượng mạnh mẽ cần thiết để cạnh tranh trong lĩnh vực AI. Hãy xem phép toán mà Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Meta Platforms, đã trình bày gần đây, khi nói rằng ông dự kiến sẽ có 350.000 bộ xử lý đồ họa (GPU) Nvidia H100 vào cuối năm 2024. Mỗi Nvidia H100 có giá lên tới 30.000 USD.

Rất có khả năng công nghệ của Apple vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong các phương tiện giao thông tương lai, ngay cả khi chúng không mang logo quả táo cắn dở ở phía trước. Vlad Savov của hãng tin Bloomberg viết: “Cá nhân tôi, tôi còn háo hức hơn nhiều để xem điều đó trông như thế nào khi Apple không phải mang gánh nặng chế tạo cả phần cơ khí của xe”.

apple-car-dead.jpg
Dự án ô tô điện của Apple đã chấm dứt sau 1 thập kỷ ấp ủ - Ảnh: Internet

Apple đã khởi động dự án Titan, tên gọi nội bộ của nỗ lực sản xuất ô tô, cách đây 1 thập kỷ khi làn sóng quan tâm đến xe tự lái lan rộng khắp Thung lũng Silicon.

Gã khổng lồ công nghệ Mỹ từng đặt mục tiêu cho ra đời một chiếc ô tô điện tự lái với nội thất giống xe limousine và có khả năng điều hướng bằng giọng nói.

Reuters từng đưa tin vào năm 2020 rằng Apple đang cân nhắc việc phát hành một chiếc ô tô điện trong khoảng thời gian từ năm 2024 đến 2025. Tuy nhiên, tiến độ của dự án đã không suôn sẻ ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 gây náo loạn ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

Apple đã sa thải 190 nhân viên khỏi dự án Titan vào năm 2019 sau khi cải tổ phương pháp tiếp cận phần mềm của mình.

Thiết kế của mẫu ô tô concept (ý tưởng) cũng thay đổi, từ một mẫu ô tô điện tự lái hoàn toàn không có vô lăng, vốn là một sự phá vỡ so với thiết kế ô tô truyền thống, sang một chiếc xe thông thường hơn với các tính năng hỗ trợ người lái tiên tiến.​

Nguồn tin nội bộ tiết lộ bộ đôi Giám đốc vận hành Apple là Jeff Williams và Kevin Lynch ra quyết định "khai tử" dự án ô tô điện. Gần 2.000 nhân viên làm việc trong dự án này đã bị sốc sau khi nhận được thông báo.

Quyết định hủy bỏ dự án Titan cũng chấm dứt nỗ lực trị giá hàng tỉ USD của Apple nhằm tiến vào một ngành hoàn toàn mới là ô tô điện.

Dự án Titan này là một trong những kế hoạch nghiên cứu và phát triển tốn kém nhất của Apple trong suốt một thập kỷ qua.

Apple đã chi hàng trăm triệu USD mỗi năm cho tiền lương nhân viên, hệ thống đám mây điều khiển chức năng tự lái, thử nghiệm trên đường kín cùng kỹ thuật cho bộ phận xe và chip. Tuy nhiên, hãng đã không ít lần đối mặt với thực tế rằng tầm nhìn về một chiếc ô tô điện không có vô lăng là phi thực tế.

Sau khi thất bại với kế hoạch ô tô điện không người lái, Apple mới bắt đầu nghiên cứu một chiếc xe với nhiều tính năng hạn chế hơn.

Apple đã tuyển mộ nhiều kỹ sư phần cứng trong lĩnh vực ô tô và xe tự lái cho dự án Titan, gồm cả cựu giám đốc phần mềm tự lái của Tesla, giám đốc của Daimler Trucks, kỹ sư hệ thống pin từ Karma Automotive, kỹ sư cảm biến của Cruise và nhiều nhân viên từng làm cho Tesla.

Tuy nhiên, dự án liên tục gặp phải nhiều trở ngại trong những năm qua, khi cựu trưởng nhóm Doug Field rời Apple để đầu quân cho Ford Motor. Apple sau đó bổ nhiệm Kevin Lynch làm lãnh đạo dự án Titan, song ông không am hiểu nhiều về lĩnh vực ô tô.

Đến năm 2022, trang The Information đưa tin Apple đã phải vật lộn với tình trạng nhân viên nghỉ việc nhiều, kế hoạch liên tục thay đổi và sự hoài nghi trong nội bộ về tham vọng làm ô tô điện.

Điều này khiến dự tính về ngày ra mắt của Apple vẫn tiếp tục lùi xuống. Apple từng dự kiến ​​giới thiệu ô tô điện sớm nhất là vào năm 2028, trễ hơn 2 năm so với dự đoán.

Bài liên quan
Cuộc chiến giá ô tô điện ở Trung Quốc thêm nóng khi các hãng định giá xe dưới 340 triệu đồng
Các nhà sản xuất ô tô đã định giá xe điện của họ dưới ngưỡng 100.000 nhân dân tệ (13.894 USD hay 340 triệu đồng) tại Trung Quốc, mở đầu cho cuộc chiến giá cả có thể định hình lại ngành công nghiệp xe hơi ở nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Không thể đốt tiền mãi mãi, Apple quyết định đúng khi bỏ tham gia cuộc chiến ô tô điện’