Tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng giá dầu chưa từng có trong lịch sử. Hệ lụy của đại dịch là rất lớn đối với ngành dầu khí thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Từ nhà bán lẻ đến nhà sản xuất đều "thấm đòn" qua bức tranh kinh doanh đầy "bết bát" trong quý 1/2020.

Khủng hoảng giá dầu: Từ nhà bán lẻ đến nhà sản xuất Việt Nam 'thấm đòn'

03/05/2020, 06:37

Tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng giá dầu chưa từng có trong lịch sử. Hệ lụy của đại dịch là rất lớn đối với ngành dầu khí thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Từ nhà bán lẻ đến nhà sản xuất đều "thấm đòn" qua bức tranh kinh doanh đầy "bết bát" trong quý 1/2020.

Doanh nghiệp xăng dầu gặp khó vì giá dầu giảm sâu thời gian qua - Ảnh minh họa

Với doanh nghiệp sản xuất, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là minh chứng rõ ràng nhất khi phải chịu khoản lỗ ròng tới 2.332 tỉ đồng trong quý đầu tiên của năm.

BSR cho biết do đặc thù về sản xuất, chế biến liên tục, nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn luôn phải duy trì một lượng dầu thô và cần thời gian để chế biến để từ dầu thô cho ra sản phẩm xuất bán. Khi giá dầu thô và sản phẩm giảm, giá vốn tồn kho cao hơn giá trị trường. Ngoài ra, Công ty cho biết chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính cũng suy giảm nghiêm trọng dẫn đến kết quả kinh doanh điều chỉnh mạnh.

Theo BSR, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm khoảng 30% - 40% so với cùng kỳ các năm trước đó. Trong quý 1/2020, tổng sản lượng xăng dầu của hai Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đạt khoảng 3 triệu tấn cộng thêm khoảng hơn 1,63 triệu tấn nhập khẩu nên dư nguồn cung khoảng 35%.

Điều này đã gây áp lực rất lớn đến tồn kho xăng dầu và có nguy cơ dừng nhà máy. Có những thời điểm, tồn kho của Nhà máy lọc dầu Dung Quất trên mức 90%, buộc BSR phải gửi hàng tại các kho chứa nhằm duy trì nhà máy vận hành an toàn, liên tục.

Trong quý 1, giá dầu Brent lao dốc hơn 70% từ 68,34 USD/thùng vào ngày 3.1.2020 xuống còn 17,68 USD/thùng vào ngày 31.3.2020 đã gia tăng mạnh giảm giá hàng tồn kho. Điều này khiến BSR bị tổn thất giảm giá hàng tồn kho lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Công ty cho biết hiện đang phải tìm kiếm giải pháp khắc phục nghịch cảnh và giảm bớt những khó khăn.

Cùng cảnh ngộ, nhà phân phối xăng dầu lớn thứ hai của Việt Nam là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) cũng lâm cảnh "bĩ cực" khi ghi nhận lợi nhuận gộp quý 1 năm nay giảm 89%, đạt 64 tỉ đồng. Lãi giảm mạnh, nhưng nhiều khoản chi phí vận hành tăng mạnh khiến PV Oil lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 531 tỉ đồng. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp khiến lợi nhuận trước và sau thuế của nhà bán lẻ xăng dầu lớn thứ 2 Việt Nam báo số âm lần lượt 531 tỉ và 538 tỉ đồng.

PV Oil lý giải tác động mạnh của dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp làm cho tình hình kinh doanh xăng dầu của các đầu mối nói chung và PV Oil nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc giá bán lẻ xăng dầu trong nước 15 ngày đầu tháng 4 thấp hơn giá gốc hàng tồn kho cũng là nguyên nhân khiến nhà phân phối này lỗ nặng.

Đáng chú ý, ngày 31.3 vừa qua, PV Oil đã phải tiến hành trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho gần 275 tỉ đồng. Các nguyên nhân này đã khiến toàn hệ thống PV Oil phải chịu một khoản lỗ lớn, làm cho lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ và hợp nhất giảm mạnh. Trong đó, dự phòng giảm giá hàng tồn kho hợp nhất đã trích lập cũng lên tới gần 434 tỉ đồng. Theo đó, trong quý 1, tổng tài sản của nhà phân phối này cũng bị "thổi bay" gần 5.000 tỉ đồng, còn 21.552 tỉ đồng.

Trong khi đó, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước là Petrolimex cũng dự kiến doanh thu và lợi nhuận chịu tác động và giảm mạnh. Theo báo cáo của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, quý đầu năm Petrolimex ước đạt 28.449 tỉ đồng doanh thu, giảm 1.706 tỉ so với cùng kỳ 2019 (giảm 6%), ước lỗ 572 tỉ đồng do trích lập dự phòng hàng tồn kho. Dự kiến cả năm 2020, doanh thu sẽ giảm 12.517 tỉ đồng, ước lợi nhuận giảm 1.143 tỉ đồng so với kế hoạch 2020.

Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp xăng dầu nhỏ lẻ khác cũng chịu cảnh thua lỗ trong quý vừa qua như: Hay Petec, Tổng Công ty Thanh Lễ...

Tập đoàn Xăng dầu (PVN) cho biết việc giá dầu giảm sâu từ đầu năm 2020 đến nay đã tác động đến doanh thu của tập đoàn. Cụ thể, giá dầu cứ giảm 1 USD/thùng thì doanh thu của tập đoàn sẽ giảm khoảng 2.200 tỉ đồng/năm. Với giá dầu ở mức 30 USD/thùng thì doanh thu sẽ giảm khoảng 55.000 tỉ đồng/năm (so với giá dầu kế hoạch là 60 USD/thùng).

Giá dầu Brent đã giảm hơn 60% từ đầu năm đến nay, về mức thấp nhất trong hơn 20 năm. Tháng 4.2020 cũng là tháng đầu tiên chứng kiến một hợp đồng tương lai dầu thô có giá âm khi thế giới không còn chỗ chứa dầu, buộc các nhà sản xuất phải dừng khai thác. Công ty nghiên cứu Rystad Energy dự kiến các công ty thăm dò, khai thác dầu khí mất khoảng 40% doanh thu năm 2020, tức khoảng 1.000 tỉ USD.

Tuyết Nhung

Bài liên quan
Giá xăng dầu giảm đồng loạt, về mức 20.520 đồng/lít
Giá xăng dầu tại kỳ điều hành hôm nay (21.11) được điều chỉnh giảm lần thứ 2 liên tiếp. Trong đó, giá xăng RON95 giảm về mức 20.520 đồng/lít.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khủng hoảng giá dầu: Từ nhà bán lẻ đến nhà sản xuất Việt Nam 'thấm đòn'