Theo chuyên gia Hồ Ngọc Khương, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường hàng hóa sẽ “bùng nổ”.

Kiểm soát được dịch, thị trường hàng hóa sẽ 'bùng nổ' sau giai đoạn bị nén lại

Hoài Lam | 03/04/2021, 15:09

Theo chuyên gia Hồ Ngọc Khương, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường hàng hóa sẽ “bùng nổ”.

Nền kinh tế gặp khó do dịch bệnh

Theo ThS Hồ Ngọc Khương (Trường đại học Kinh tế quốc dân), tuy năm 2021 là năm khởi đầu cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 nhưng nó đặt ra nhiều đòi hỏi, vừa phải hoàn thành các mục tiêu của năm 2021, vừa phải chuẩn bị cho các nhiệm vụ trọng tâm triển khai cho cả giai đoạn.

ho-ngoc-1.jpg
Nhiều ngành gặp khó do đại dịch COVID-19

Dự báo của Tổng cục Thống kê cho thấy quý 1/2021 nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức phức tạp, khó lường; doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động.

Cụ thể, ngành dệt may, da giày ảnh hưởng lớn nhất do phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc; ngành chế biến gỗ cũng chịu ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu do hoạt động thương mại với Trung Quốc bị hạn chế; ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, lượng khách đi du lịch giảm và hạn chế việc di chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác bởi dịch bệnh…

Ngoài ra, căng thẳng thương mại diễn biến phức tạp, khó dự đoán được triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đối với thị trường ngoại hối, tài chính, xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế; chất lượng nguồn nhân lực chưa được cải thiện cùng năng lực khoa học - công nghệ ở mức thấp; tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội…

Cũng theo chuyên gia Khương, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, thoát khỏi đói nghèo, đó là thành tựu của hơn 30 năm đổi mới. Tuy nhiên, thách thức là nước ta không còn được vay ưu đãi với lãi suất thấp, ngược lại phải vay với lãi suất cao hơn.

Đối với vấn đề đầu tư, sự chuyển dịch dòng vốn FDI từ nước ngoài vào Việt Nam có thể không như kỳ vọng bởi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu sẽ dịch chuyển mạnh theo hướng đa dạng sau đại dịch COVID-19.

Nợ công xu hướng tăng

Ông Khương cho hay nợ công có xu hướng tăng do khoản vay tăng lên. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nợ công có xu hướng tăng, dự kiến tăng từ 56,8% (năm 2020) lên 58,6% (năm 2021) nhưng ở tầm kiểm soát được và thấp hơn so với mức trần 65% GDP.

Chính phủ dự kiến vay thêm khoảng 579 nghìn tỉ đồng vào năm 2021 để bù đắp bội chi ngân sách trung ương, vay để trả nợ gốc của ngân sách trung ương và vay để nhận nợ bảo hiểm xã hội.

ho-ngoc-2.jpg
Nợ công có xu hướng gia tăng

Trong bối cảnh dự báo thắt chặt thị trường vốn quốc tế, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ cũng sẽ tăng lên tương ứng gây sức ép trả nợ gốc lớn, thâm hụt ngân sách cao… Dự kiến nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong năm 2021 là khoảng 368 nghìn tỉ đồng.

Bên cạnh ngưỡng nợ công vẫn nằm trong giới hạn an toàn, việc gia tăng vay nợ mới, trả nợ cũ và bù đắp chi tiêu... đang tiềm ẩn khá nhiều rủi ro về tài chính cho quốc gia.

Bất động sản tăng giá bất hợp lý

Đối với các thị trường, ông Khương cho hay thị trường bất động sản về cơ bản đang trong giai đoạn sàng lọc, bắt đầu xuất hiện chênh lệch cung - cầu ở một số phân khúc khiến giá tăng bất hợp lý.

Cụ thể là phân khúc condotel xuất hiện khó khăn khi cung vượt cầu và chưa giải quyết được vấn đề pháp lý; tiềm lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khá hạn hẹp, phần lớn phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài mà chủ yếu là vốn vay của các ngân hàng và tổ chức tín dụng.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn trung dài hạn của doanh nghiệp, nhưng còn thiếu minh bạch, lãi suất phát hành ở một vài doanh nghiệp có nguy cơ phá vỡ mặt bằng lãi suất thị trường, cần hoàn thiện khung pháp lý và quản lý, giám sát cho lành mạnh hơn.

ho-ngoc-3.jpg
Thị trường bất động sản đang có sự chênh lệch cung - cầu

Thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ, sẽ tăng lên khi xuất hiện dịch bệnh, khiến chi phí bồi thường tăng lên ở mức vừa phải. Tác động tiêu cực do dịch bệnh sẽ không diễn ra trong quý 1/2021, có thể xảy ra trong 1 - 2 tháng sau sự cố.

Thị trường chứng khoán được ví như hàn thử biểu của nền kinh tế, nên có nhiều thông tin bất lợi tới nền kinh tế như dịch bệnh COVID-19 sẽ phản ứng tức thì đó là bán tháo và giảm điểm khá mạnh; qua đó, các nhà đầu tư và các quỹ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc huy động nguồn vốn hoặc có xu hướng thận trọng khi quyết định đầu tư ở các thị trường lớn.

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, các hàng hóa nhập khẩu có thuế suất còn 0 - 5%. Đây sẽ là cuộc cạnh tranh rất gay gắt không chỉ trong nước mà còn cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Hiện nay, doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu phần lớn là ở những công đoạn có trình độ công nghệ thấp, gia công, lắp ráp.

Ngoài ra, ưu đãi thuế nhập khẩu làm cho khoản thu ngân sách từ thuế sẽ giảm theo rất nhiều. Khi Việt Nam gia nhập RCEP sẽ đặt ra thách thức cho ngành nông nghiệp đó là các mặt hàng tương đồng sẽ chịu sức ép cạnh tranh từ các quốc gia tham gia RCEP và nước ta cũng trở thành thị trường nhập khẩu nông sản lớn từ các quốc gia trong RCEP, dẫn đến nhiều doanh nghiệp sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt trong cuộc chiến chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Thị trường hàng hóa sẽ bùng nổ

Về giải pháp phát triển kinh tế Việt Nam, ông Khương cho rằng Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, nghiên cứu mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường mới. Đổi mới cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, tập trung vào những hàng hóa Việt Nam có lợi thế.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần hỗ trợ tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; giảm lãi suất các khoản vay hiện tại, điều chỉnh linh hoạt thời điểm thanh toán nợ hay lãi, khoanh nợ; lùi thời gian nộp các khoản nghĩa vụ với ngân sách, giảm các khoản nộp và các loại phí để giảm bớt một phần gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, Việt Nam cần nâng cao chất lượng đào tạo phát triển nguồn nhân lực, tăng cường giáo dục để đào tạo kỹ năng mà các thị trường yêu cầu, cần tập trung đầu tư vào chuyển đổi số.

ho-ngoc-4.jpg
Cần xúc tiến đầu tư FDI vào các ngành trọng điểm

Song song với đó, ông Khương cho rằng cần nâng cao chất lượng môi trường thể chế, quy hoạch, quảng bá và các hoạt động xúc tiến đầu tư FDI với Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU, tập trung vào các ngành trọng điểm như: điện tử, sản xuất ô tô, chế biến nông - thủy sản, tiết kiệm năng lượng và môi trường, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Một giải pháp nữa là đẩy mạnh giải ngân sử dụng vốn đầu tư công, vốn ngân sách, vốn đầu tư nước ngoài để làm động lực cho tăng trưởng. Xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn.

“Cơ hội sẽ được tạo ra bởi các chính sách tốt dẫn đến vốn FDI được đầu tư nhiều hơn. Thách thức bắt nguồn từ việc không cải thiện được các thể chế vận hành yếu kém và dịch bệnh đang diễn ra”, ông Khương nói.

Theo chuyên gia Hồ Ngọc Khương, năm 2021, trước làn song nền kinh tế thế giới có xu hướng chững lại bởi căng thẳng địa chính trị và dịch bệnh COVID-19, các thách thức đã đặt nền kinh tế nước ta vào tình trạng “ảm đạm và bấp bênh” thiếu ổn định với hàng loạt rủi ro rình rập.

Theo đó, cần những giải pháp căn cơ có tầm nhìn rộng để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế tạo tiền đề giai đoạn 2021-2030 phát triển nhanh và bền vững.

Theo ông Khương, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường hàng hóa sẽ “bùng nổ” sau giai đoạn bị “nén lại”; do đó, các ngành sản xuất và dịch vụ chuẩn bị điều kiện tốt nhất nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, tạo đà thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiểm soát được dịch, thị trường hàng hóa sẽ 'bùng nổ' sau giai đoạn bị nén lại