Theo Kiểm toán Nhà nước, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước này có sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN) nên qua kiểm toán phải điều chỉnh tăng, giảm tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí, kiến nghị tăng thu NSNN 9.400 tỉ đồng và 0,42 triệu USD.

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra loạt sai phạm tại các doanh nghiệp nhà nước

Trí Lâm | 22/05/2018, 13:47

Theo Kiểm toán Nhà nước, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước này có sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN) nên qua kiểm toán phải điều chỉnh tăng, giảm tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí, kiến nghị tăng thu NSNN 9.400 tỉ đồng và 0,42 triệu USD.

Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có báo cáo kiểm toán về các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2016 của 201 doanh nghiệp thuộc 27 tập đoàn, tổng công ty và công ty nhà nước.

Có nguy cơ mất cân đối tài chính

Cụ thể, nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn, ví dụ như tại Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (TKV), công ty mẹ 318 tỉ đồng; Veam 269,52 tỉ đồng (chiếm 16,4% nợ phải thu)...

Bên cạnh đó, trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định; chưa ban hành quy chế quản lý nợ phải thu. Một số đơn vị chưa ban hành quy chế quản lý tiền; sử dụng tiền tồn quỹ, nhàn rỗi chưa linh hoạt...

Một số doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính.

Cụ thể là Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) 14,56 lần; Công ty TNHH MTV Máy kéo và Máy nông nghiệp 12,5 lần; Công ty cổ phần Đường sắt Thanh Hóa 11,71 lần, Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem 9,97 lần, Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc 8,53 lần...

KTNN cũng chỉ ra, người đại diện vốn nhà nước tại một số công ty cổ phần chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định của pháp luật trong phân phối lợi nhuận, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN đối với cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước, ví dụ như Sabeco và Habeco.

Hoạt động đầu tư tài chính của một số tập đoàn, tổng công ty không hiệu quả với nhiều công ty con thua lỗ lớn, âm vốn chủ sở hữu, giải thể, ví dụ như tại Vinachem là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình 3.197 tỉ đồng và âm vốn chủ sở hữu 968,2 tỉ đồng, Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc 1.720 tỉ đồng, Công ty CP DAP số 2 - Vinachem 1.066 tỉ đồng...

Một số đơn vị trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính không đúng quy định; chậm thoái vốn ra khỏi lĩnh vực bất động sản, ngân hàng; góp vốn sở hữu chéo lẫn nhau không phù hợp với quy định của Chính phủ.

Nguy cơ mất vốn tại các dự án ở nước ngoài

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của một số tập đoàn, tổng công ty không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, thua lỗ cao. Ví dụ như khoản đầu tư của TKV tại Công ty liên doanh khoáng sản Steung Treng, Campuchia; dự án khai thác và chế biến quặng sắt mỏ Phu Nhoun, bản Nato, Lào; dự án khai thác và chế biến muối mỏ tại khu vực bản Đông Doc Mai; dự án khảo sát thăm dò khoáng sản Crom - Antimon tại tỉnh Pousat, Campuchia; dự án Đầu tư XDCT khai thác và chế biến tinh quặng bauxite công suất 300.000 tấn/năm tại tỉnh Mondulkiiri, Campuchia.

Với Vinachem, các khoản đầu tư tại dự án Muối mỏ tại Lào; dự án đầu tư thăm dò, đánh giá trữ lượng, khai thác và chế biến muối mỏ tại huyện Nongbok, tỉnh Khammouan và huyện Xaibouli, tỉnh Savanahat, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Hàng loạt sai phạm trong hoạt động đầu tư, xây dựng

Về quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, chủ đầu tư chưa huy động đủ vốn theo cơ cấu vốn trong phương án tài chính được duyệt. Cụ thể là dự án đường dây 500 kV nhiệt điện Duyên Hải - Mỹ Tho: Vốn đối ứng của EVNNPT 256,503 tỉ đồng bằng 9,14% tổng mức đầu tư (256,503 tỉ đồng /2.806,260 tỉ đồng) thấp hơn 11,65% so với phương án tài chính được duyệt (20,79%).

Dự án đầu tư xây dựng Thủy điện Đakđrinh: chủ đầu tư không huy động đủ vốn để thực hiện dự án, phải sử dụng nguồn vốn sản xuất kinh doanh không có trong phương án tài chính được phê duyệt chi trả cho các chi phí trong giai đoạn đầu tư nhưng chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt 148,98 tỉ đồng; dự án thủy điện Nậm Chiến: Nguồn vốn tự có theo cơ cấu được duyệt 20,8%, thực hiện 17,5%.

Bên cạnh đó, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư khi chưa có ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan như dự án Cảng nhập than Trung tâm điện lực Vĩnh Tân: EVN không lấy ý kiến đánh giá bằng văn bản của Bộ Quốc phòng về ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về sự phù hợp với quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản và dự kiến quy hoạch các khu bảo tồn biển.

Thực hiện dự án không đúng quy hoạch ngành như dự án Tổ hợp Bauxit - Nhôm Lâm Đồng TKV phê duyệt điều chỉnh với công suất từ 600.000 tấn/năm lên 650.000 tấn/năm không đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và không đúng với quy hoạch ngành; dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất quặng vê viên công suất 200.000 tấn/năm có xét đến mở rộng nâng công suất lên 400.000 tấn/năm không có trong quy hoạch...

Nhiều dự án phê duyệt dự án khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường như Dự án Cảng nhập than Trung tâm điện lực Vĩnh Tân; Dự án đường dây 500 kV nhiệt điện Duyên Hải - Mỹ Tho.

Một số dự án lập tổng mức đầu tư không sát thực tế dẫn đến trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh nhiều lần với giá trị lớn như Dự án Cảng nhập than Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, điều chỉnh 3 lần tăng 3.020 tỉ đồng; dự án đường dây 500 kV nhiệt điện Duyên Hải - Mỹ Tho 1 lần tăng 2.309 tỉ đồng; dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn 1, điều chỉnh 2 lần tăng 10.322 tỉ đồng; dự án Tổ hợp Bauxit - Nhôm Lâm Đồng 2 lần tăng 9.194 tỉ đồng...

Tập đoàn TKV áp dụng lựa chọn nhà thầu không đúng quy định và ký kết hợp đồng vượt giá gói thầu, ký giá trị hợp đồng EPC vượt tổng mức đầu tư, cụ thể tại Dự án Tổ hợp Bauxit - Nhôm Lâm Đồng TKV, hợp đồng EPC nhà máy Alumin 466 triệu USD nhưng tổng mức đầu tư dự án chưa được điều chỉnh tại thời điểm đó là 6.220 tỉ đồng tương đương 387,5 triệu USD.

Về quản lý và sử dụng đất đai, kết quả kiểm toán cho thấy, diện tích, số lượng cơ sở đất mà các tập đoàn, tổng công ty và DNNN được giao rất lớn song chưa được quản lý chặt chẽ; nhiều diện tích đất chưa sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả.

KTNN đã kiến nghị thu hồi 70 tỉ đồng; giảm thanh, quyết toán 100 tỉ đồng; xử lý khác 2.049 tỉ đồng, 259,39 triệu USD và 0,51 triệu EUR.

Dự án điều chỉnh tăng vốn từ 72 lên gần 2.600 tỉ đồng

Cũng theo KTNN, việc xác định tổng mức đầu tư còn sai sót, thiếu chính xác, phải điều chỉnh nhiều lần với giá trị lớn, cá biệt có Dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, tỉnh Ninh Bình điều chỉnh tăng 36 lần (từ 72 tỉ đồng lên 2.595 tỉ đồng).

Ngoài ra, tại dự án Mở rộng Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Ninh Bình (đường tỉnh 477 kéo dài), tỉnh Ninh Bình tăng 329% so với TMĐT ban đầu; Dự án đường Nội Duệ - Tri Phương tăng 169%, dự án Trường THPT Hàn Thuyên, tỉnh Bắc Ninh tăng 410%; dự án Đường từ Bắc Bình (QL2C) đến xã Xuân Hòa (ĐT307), huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc tăng 330%; dự án Khu thực hành tiền lâm sàngĐại học Y khoa Vinh tỉnh Nghệ An tăng 125%; dự án Trụ sở, hội trường HĐND và UBND tỉnh Đắk Lắk tăng 421%...

Tổng hợp kết quả kiểm toán của 283 báo cáo kiểm toán tại 229 đơn vị, đầu mối, chủ đề được kiểm toán trong năm 2017 đối với niên độ ngân sách năm 2016, KTNN đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính 91.322 tỉ đồng.

KTNN xác định số phải nộp NSNN tăng thêm 19.109 tỉ đồng, trong đó: Sabeco 2.668 tỉ đồng; Habeco 1.852 tỉ đồng; TCT Cảng Hàng không Việt Nam 1.753 tỉ đồng…

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiểm toán Nhà nước chỉ ra loạt sai phạm tại các doanh nghiệp nhà nước