Tình trạng mâu thuẫn giữa khá nhiều số liệu vĩ mô đang khiến cho thế giới có xu hướng hoài nghi với báo cáo kinh tế quý 3 sắp được công bố của Bắc Kinh hơn bao giờ hết, nhất là khi việc chỉnh sửa số liệu kinh tế đã trở thành một thói quen ở Trung Quốc nhiều năm qua.

Kinh tế Trung Quốc quý 3.2016: Nhiều số liệu mâu thuẫn

Nhàn Đàm | 16/10/2016, 11:05

Tình trạng mâu thuẫn giữa khá nhiều số liệu vĩ mô đang khiến cho thế giới có xu hướng hoài nghi với báo cáo kinh tế quý 3 sắp được công bố của Bắc Kinh hơn bao giờ hết, nhất là khi việc chỉnh sửa số liệu kinh tế đã trở thành một thói quen ở Trung Quốc nhiều năm qua.

Bản báo cáo tăng trưởng kinh tếquý 3.2016 sẽ được chính phủ Trung Quốc công bố trong vài ngày tới, và nó đang được chờ đợisẽ trở thành một tin tức tích cực cho nền kinh tế toàn cầu vốn khá ảm đạm sau báo cáo việc làm của Mỹ trong tháng 9 và tăng trưởng trì trệ ở châu Âu. Điều này rất có khả năng sẽ xảy ra khi kinh tế Trung Quốc đã đạt được mức tăng trưởng khá đều đặn,trung bình khoảng 6,7%trong 2 quý đầu năm.

Tuy nhiên, tình trạng mâu thuẫn giữa khá nhiều số liệu vĩ mô đang khiến cho thế giới có xu hướng hoài nghi với báo cáo kinh tế quý 3 sắp được công bố của Bắc Kinh hơn bao giờ hết, nhất là khi việc chỉnh sửa số liệu kinh tế đã trở thành một thói quen ở Trung Quốc nhiều năm qua.

Chỉ trong vòng 2 ngày, từ13-14 tháng Mười, thị trường thế giới đã được nếm trải những hệ quả không mấy dễ chịu từ tình trạng mâu thuẫn về các chỉ số thống kê vĩ mô của kinh tế Trung Quốc gây ra, chỉ vài ngày trước khi nước này công bố báo cáo tăng trưởng quý 3.

Cụ thể, vào ngày thứ Sáu 14.10, thị trường thế giới bao gồm chứng khoán phố Wall và châu Âu tăng khá mạnh sau khi số liệu thống kê chính thức cho biết chỉ số sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc đã tăng trong tháng 9, và đây là lần tăng đầu tiên của chỉ số này trong vòng gần 5 năm trở lại đây. Sự hồi phục sản xuất của Trung Quốc rõ ràng là một tin tức tốt, đủ để vực dậy phần nào thị trường thế giới.

Tuy nhiên, chỉ một ngày trước đó – thứ Năm ngày 13.10, cả phố Wall lẫn thị trường chứng khoán châu Âu đều đồng loạt sụt giảm sau khi báo cáo thương mại có phần nghèo nàn trong tháng Chín của Trung Quốc được công bố. Cụ thể, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 9 đã giảm tới 10% so với cùng kỳ 2015, dù tỷ giá nhân dân tệ với các đồng tiền chủ chốt khác không biến động nhiều.

Nhập khẩu cũng giảm một cách khá bất ngờ dù trước đó đã hồi phục đáng kể trong tháng 8. Điều này khiến cho những dấu hỏi về khả năng hồi phục và tốc độ tăng trưởng thực của nền kinh tế Trung Quốc được đặt ra nhiều hơn bao giờ hết. Xuất khẩu sụt giảm tới 10% trong tháng 9 nhiều khả năng sẽ kéo tụt tăng trưởng kinh tế xuống khá nhiều, khi từ đầu năm đến nay xuất khẩu vẫn chiếm một tỷ trọng lớn trongtăng trưởng của Trung Quốc. Việc giảm nhập khẩu cũng khiến nhiều người hoài nghi về khả năng phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Sự mâu thuẫn giữa các số liệu cơ bản đang cho thấy kinh tế Trung Quốc vẫn ở trong giai đoạn khá biến động, tùy theo tình hình thực tế của thị trường thế giới trong từng tháng. Việc chỉ số sản xuất hồi phục trong tháng 9 có thể là kết quả của mức tăng trưởng xuất nhập khẩu trong tháng 8, nhưng khi cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu trong tháng 9 đều sụt giảm thì nhiều khả năng sản xuất sẽ giảm trở lại trong tháng 10.

Ngoài ra, nhiều ý kiến dự đoán kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với đà suy giảm của một số động lực tăng trưởng chủ yếu từ đầu năm đến nay, điển hình là thị trường bất động sản. Giá nhà đất tại các thành phố lớn ở Trung Quốc đã tăng từ 20-50% từ đầu năm đến nay, mức tăng trưởng nóng này đã đóng góp một phần vàomức tăng GDP khá cao trong 2 quý đầu năm. Nhưng giờ đây, khi mối lo ngại về bong bóng bất động sản đang gia tăng, khiến chính quyền nhiều thành phố đang đưa ra các chính sách hạn chế giao dịch nhà đất, thì việc thị trường này hạ nhiệt là điều sớm muộn sẽ xảy ra.

Mặc dù vậy, việc Trung Quốc có thể đạt được tốc độ tăng trưởng đã đặt ra từ 6,5-7% trong quý 3 và cả năm nay được xem là điều nằm trong tầm tay của Bắc Kinh. Theo thông lệ, quý 3 và đặc biệt là quý 4 hàng năm luôn là khoảng thời gian kinh tế Trung Quốc tăng tốc nhanh nhất, và khi đã đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 6,7% trong 2 quý đầu năm, thì việc đạt được mục tiêu cả năm từ 6,5-7% là điều hoàn toàn có thể.

Theo kết quả khảo sát từ một cuộc thăm dò của Reuters, có tới 58 nhà kinh tế được hỏi cho rằng GDP quý 3 Trung Quốc có thể đạt ít nhất là 6,7%, có thể cao hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá thì việc chỉ duy trì được tốc độ tăng trưởng là một thành tựu khá khiêm tốn so với những gì mà chính phủ Trung Quốc đang phải giải quyết. Julian Evans-Pritchard, chuyên gia vềkinh tế Trung Quốc của Capital Economics có trụ sở tại Singapore, cho biết: “Chính phủ Trung Quốc có thể ổn định được kinh tế vĩ mô trong năm nay, nhưngkhông thực sự đạt được hiệu quả cao như nhiều người đã kỳ vọng”.

Cụ thể, các chỉ số vĩ mô quan trọng khác hầu như đã không được cải thiện. Tổng nợ của các công ty Trung Quốc hiện vẫn gần như nguyên vẹn ở mức 18.000 tỉ USD, tương đương 169% GDP, theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS). Đầu tư tài sản cố định đang ở mức thấp nhất trong vòng 17 năm trở lại đây, còn đầu tư tư nhân vẫn ở mức thấp kỷ lục. Chính phủ Trung Quốc đã không đạt được nhiều thành tựu trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng này, mà chỉ tập trung vào duy trì tăng trưởng GDP mà thôi.

Evans-Pritchard cho rằng, GDP không phải là một chỉ số đáng tin cậy trong việc phản ánh nền kinh tế Trung Quốc, theo ước tính của nhà kinh tế này thì tăng trưởng danh nghĩa của Trung Quốc trong cả năm 2016 có thể đạt khoảng 6,8%, nhưng nếu đúng thì nó có thể chỉ đạt khoảng 5% mà thôi. Vì theo Evans, có một thực tế là các số liệu vĩ mô cơ bản của kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu giảm mạnh từ thời điểm năm 2012, nhưng số liệu GDP chính thức được Bắc Kinh công bố giai đoạn 2012-2015 lại chỉ dao động trong một phạm vi rất nhỏ.

Nhàn Đàm (theo Reuters)
Bài liên quan
Trung Quốc chạy đua tích trữ chip từ Mỹ trước khi ông Trump tăng cường lệnh trừng phạt
Khi lệnh hạn chế công nghệ từ Mỹ có thể gia tăng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, lượng mạch tích hợp Mỹ được nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng vọt.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
39 phút trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế Trung Quốc quý 3.2016: Nhiều số liệu mâu thuẫn