Hồi ký McNamara
Hồi ký McNamara

Kỳ 34: Tranh luận tại tòa Bạch Ốc “Mỗi ngày tình hình mỗi khác”

17/01/2015, 07:14

Cuộc tranh luận lại tiếp tục tại tòa Bạch Ốc. TT Johnson tin rằng cuộc ngưng oanh kích đã chẳng đem lại kết quả gì, nên nghiêng về ý kiến mở lại các cuộc oanh tạc Hà Nội. Tướng Tổng Tham mưu trưởng Bus, nhân danh các tướng lãnh chỉ huy liên quân, nói: “Mỗi ngày tình hình mỗi khác”...

Kỳ 33: Tổng thống Johnson “Tôi sẵn sàng chơi bất cứ ván bài nào miễn là có kết quả”

Kỳ 32: Binh sĩ Mỹ tử trận tăng từ 500 đến 800 người mỗi tháng


Tôi đến nông trang của gia đình Johnson vào lúc 6g30 tối hôm đó. Tôi nhấn mạnh nhận định của tôi rằng phát động các cuộc đàm phán mà cuối cùng có thể dẫn đến hòa bình thì có tác dụng hóa giải những bất lợi về quân sự do việc trì hoãn tái oanh kích.

Tổng thống chăm chú nghe, cân nhắc thiệt hơn. Cuối cùng ông hoàn toàn đồng ý triển hạn ngưng oanh kích vô hạn định đồng thời tiến hành một nỗ lực ngoại giao ồ ạt nhằm hướng Hà Nội đến bàn đàm phán…

Tôi rời trang trại vào đầu giờ chiều hôm sau, hài lòng với diễn biến vừa qua. Tuy nhiên tôi cũng cảm thấy tội lỗi do đã qua mặt các đồng sự của tôi để giành được thắng lợi. Đó là lần duy nhất mà tôi hành động như vậy trong thời gian 7 năm giữ chức bộ trưởng.

Cuộc ngưng oanh kích BV trên cơ sở từng ngày một tiếp tục trong hơn một tháng, cho đến cuối thang 1/1966. Trong thời gian đó, chính phủ phát khởi cuộc tấn công ngoại giao mở rộng và tích cực. Cùng với các phái đoàn của thứ trưởng ngoại giao Averell Harriman (sang Đông Âu tìm hỗ trợ cho việc thương thuyết) và của tân đại sứ Mỹ tại LHQ Arthur Goldberg (gặp gỡ TTK LHQ U Thant và Giáo hoàng La Mã), Phó Tổng thống Humphrey còn được cử sang Philippines và Ấn Độ, các trợ lý ngoại trưởng G.Mennen Williams và Thomas Mann đi châu Phi và châu Mỹ la-tinh. Mỗi người đều có nhiệm vụ quảng bá mong muốn khởi đầu đàm phán của Washington. Ngoại trưởng Dean Rusk còn đưa ra một kế hoạch 14 điểm mời gọi BV bước vào đàm phán vô điều kiện.

Trong thời gian ngưng bắn này, các tướng chỉ huy liên quân đòi nối lại ngay các cuộc oanh kích, họ quả quyết rằng ngưng oanh kích đặt quân đội Mỹ “vào tình thế bất lợi ngày càng nghiêm trọng về mặt quân sự”. Tôi bảo họ tôi sẽ khuyến cáo tổng thống làm như thế nếu như họ có thể chứng tỏ cho tôi thấy rằng cuộc ngưng oanh kích đã gây tổn thất tại miền Nam. Song họ đã không trả lời. Trong khi đó, Mỹ gia tăng oanh kích dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh bên Lào, đồng thời các tư lệnh chiến trường Mỹ tại NVN đã phát động nhiều cuộc hành quân trên bộ. Vào đầu tháng 1, họ tung ra một cuộc tấn công lớn nhất từ trước đến nay nhằm vào VC tại một khu vực gần Sài Gòn. Kế đó cũng trong tháng 1 họ tổ chức một cuộc hành quân đổ bộ có qui mô lớn nhất từ sau cuộc đổ bộ ở Incheon (Triều Tiên), tại tỉnh Quảng Ngãi. Thêm nhiều binh sĩ Mỹ khác đến VN vào lúc đó.

Cuộc tranh luận lại tiếp tục tại tòa Bạch Ốc hôm 10/1. TT Johnson tin rằng cuộc ngưng oanh kích đã chẳng đem lại kết quả gì, nên nghiêng về ý kiến mở lại các cuộc oanh kích. Tôi khuyên ông nên giành cho cuộc ngưng oanh kích – và biết đâu là một khả năng đàm phán – thêm chút thời gian nữa, do tôi cảm nhận rằng sẽ chẳng phải chịu thêm nhiều bất lợi về mặt quân sự nữa đâu cho đến cuối tháng 1 này. Tướng Tổng Tham mưu trưởng Bus không nhất trí, nhân danh các tướng lãnh chỉ huy liên quân, ông nói: “Mỗi ngày tình hình mỗi khác”. Vào ngày 12/1, Đô đốc Sharp cũng kêu gọi oanh kích trở lại và gia tăng cường độ oanh kích hơn nữa, bao gồm cả việc ngăn chận những đường giao thông từ Trung Quốc. Ông lập luận rằng một chiến dịch như thế sẽ “đem đối phương đến bàn hội nghị hoặc làm cho cuộc nổi dậy tàn héo đi do thiếu tiếp liệu”.

Tuy nhiên cũng trong ngày hôm đó, tôi nhận được một bản phân tích cho thấy BV vẫn có thể xâm nhập đến 4.500 quân một tháng cùng với tiếp liệu đủ để chiến đấu tại miền Nam, mặc cho có oanh kích ngăn chận. Tháng 12.1965 chúng tôi đã ném bom nhiều hơn hồi đỉnh cao của cuộc chiến Triều Tiên đến 50%. CIA cũng khẳng định một cách độc lập phân tích này và kết luận rằng đề nghị của Đô đốc Sharp và các tướng lãnh, thả mìn các hải cảng và oanh kích thêm nhiều mục tiêu khác, cũng sẽ “chẳng có tác động gì đến hoạt động chiến đấu của quân CS tại NVN”. Phó giám đốc đặc trách kế hoạch của CIA Dick Helms đã nói thẳng với Tổng thống Johnson trong một phiên họp ngày 22/1 rằng: “Gia tăng oanh kích miền Bắc sẽ chẳng thể dừng được đường tiếp liệu vào miền Nam”.

Tổng thống giờ đây tìm kiếm một sự nhất trí rộng rãi cho quyết định mà ông sẽ phải đưa ra. Ông gọi 4 vị “nhân sĩ” (Clark Clifford, Arthur Dean, Allen Dulles và John McCloy) hôm 28.1 để hậu thuẫn cho việc nối lại các cuộc oanh kích miền Bắc và gia tăng quân đội Mỹ tại miền Nam. Hai ngày sau, tại một cuộc họp của hội đồng an ninh quốc gia, tổng thống quyết định chấm dứt cuộc ngưng oanh kích.

Nhiều nhà quan sát đã phê bình phương thức ngoại giao công khai của chúng tôi là ngây ngô hoặc dở tệ. Chester Cooper sau này đưa ra nhận xét: “Ở nơi đòi hỏi những công cụ tế nhị, chúng ta lại sử dụng đến búa tạ. Ở nơi cần kín đáo và thận trọng, chúng ta lại hùng hục như diễu binh ngày lễ quốc khánh. Lẽ ra một đề nghị bất ngờ gây ấn tượng sẽ khuấy động sự chú ý của Hà Nội, chúng ta lại biến thành một màn trình diễn đầy tính bi hài. Thay vì tối đa hóa tác động của đề nghị hòa bình trọn gói 14 điểm, ta lại đem chôn vùi đề nghị đó trong một loạt các chuyến công du của các quan chức cao cấp ồn ào và hào nhoáng”.

Một lần (duy nhất) mà chính phủ tiến hành phương sách ngoại giao trầm lặng. Ngày 29.12, chính phủ ra lệnh cho đại sứ Mỹ tại Miến Điện, Henry A.Byroade, thông báo cho Tổng lãnh sự BV Vũ Hữu Bình, rằng cuộc ngưng oanh kích có thể kéo dài nếu như Hà Nội đáp ứng lại “bằng cách đóng góp nghiêm chỉnh vào hòa bình”. Một chương trình của Đài Phát thanh Hà Nội sau đó vài ngày tố cáo cuộc ngưng bắn này chỉ là một thủ đoạn “lừa bịp” đồng thời nhắc lại “điều 3 của kế hoạch hòa bình” của họ, tức “các công việc nội bộ của NVN phải được giải quyết phù hợp với kế hoạch của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam”.
Danh Đức dịch (Tiêu đề của Một Thế Giới)
Bài liên quan
'Cú sốc chính trị' tại Venezuela: Mỹ chính thức công nhận ứng cử viên đối lập là tổng thống đắc cử
Trong một động thái quan trọng, chính phủ Mỹ đã chính thức công nhận ông Edmundo Gonzalez, ứng cử viên đối lập của Venezuela, là "tổng thống đắc cử" của quốc gia Nam Mỹ này vào ngày 21.11.

(0) Bình luận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 34: Tranh luận tại tòa Bạch Ốc “Mỗi ngày tình hình mỗi khác”