Báo Nikkei Asian Review đánh giá sau khi trải qua một năm để tang nhà vua Bhumibol Adulyadej, Thái Lan sẽ phải đối mặt với không ít vấn đề về kinh tế và chính trị trong thời gian tới.
Hôm 10.2, khoảng 400 người dân tụ tập trước Tượng đài Dân chủ ở thủ đô Bangkok, đề nghị chính phủ quân sự không trì hoãn cuộc tổng tuyển cử đã lên kế hoạch tổ chức vào cuối năm nay. NCPO là chính phủ quân sự Thái Lan, đã nhiều lần lùi thời hạn tổ chức tổng tuyển cử, với lý do có sự lo ngại về những thay đổi về Hiến pháp và vấn đề an ninh.
Đến tháng 1.2018, Quốc hội Thái Lan thay đổi luật bầu cử, điều có nghĩa cuộc tổng tuyển cử sẽ lùi qua tháng 2.2019, thay vì tổ chức trong tháng 11.2018. Quyết định này dẫn đến cuộc tập hợp ở Tượng đài Dân chủ ngày 10.2, phản ánh sự bất mãn nơi các nhóm dân kêu gọi mau chóng trở lại chính quyền dân cử.
Những thách thức của kỷ nguyên hậu tiên vương Thái Lan
Ngày 29.10, tro cốt vua Bhumibol Adulyadej được đưa về nơi an nghỉ. Quốc tang chính thức kết thúc khi bước sang ngày 30.10. Cuộc sống của người dân Thái trở lại bình thường.
Nhưng sau “kỷ nguyên Bhumibol” kéo dài 70 năm, Thái Lan nay phải đối mặt hàng loạt các thách thức, bao gồm tăng trưởng kinh tế chậm chạp, bất ổn chính trị và hàng loạt nghi vấn về cam kết của nước này với chế độ dân chủ tự do.
Theo Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu quốc tế thuộc đại học Chulalongkorn: “Nhiều người Thái đang chờ đợi tân vương, nhà vua Maha Vajiralongkorn, sẽ trị vì như thế nào. Do các thể chế dân chủ đang suy yếu và chia rẽ, đến nay quân đội vẫn chưa bị ngăn chặn. Quan hệ giữa nhà vua mới và chính quyền quân sự vì vậy đóng vai trò quan trọng, góp phần cho biết nền chính trị mới của Thái Lan sẽ mở ra như thế nào”.
Với chế độ quân chủ lập hiến, nhà vua Thái Lan đứng ngoài nền chính trị. Tuy nhiên, Vua Bhumibol Adulyadej lúc sinh thời luôn là giải pháp cuối cùng để giải quyết các thời kỳ khủng hoảng. Với danh tiếng của mình, ông đã hai lần can thiệp để ngăn chặn tình trạng đổ máu có thể xảy ra.
Nhưng sau cuộc đảo chính 2014, vẫn chưa có dấu hiệu hòa giải giữa phe của cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra, được ủng hộ bởi nông dân ở các tỉnh phía bắc, với NCPO. Hai bên đã đối đầu trong hơn một thập kỷ nay.
Hiến pháp mới được soạn thảo theo yêu cầu của phía quân đội, xác định 5 năm đầu sau bầu cử là thời gian chuyển giao quyền lực. Thời kỳ này sẽ được giám sát bởi một thượng viện được chọn bởi chính quyền quân sự, với sáu ghế được dành cho các quan chức chính phủ cấp cao nhất.
Cải cách trong hệ thống bầu cử và trong các quy định của đảng phái nhằm ngăn cản tình trạng một đảng đơn độc nắm thế đa số trong hạ viện nhiệm kỳ tới. Quân đội muốn dẫn dắt sự phát triển của Thái Lan trong 20 năm tới theo cách này.
Hiện vẫn chưa rõ cuộc trốn chạy của nữ cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, em gái của ông Thaksin, có làm suy yếu nền tảng chính trị của nhà Shinawatra, vốn luôn thắng trong mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2001, hay không.
Nhưng khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng trong thời kỳ quân đội cai trị đang khiến nhiều người dân Thái trung thành với những nhà chính trị Shinawatra lưu vong và chính sách dân chủ của họ.
Pranee, một người mẹ đơn thân sống ở tỉnh Chiang Mai, là một trong số đó. Năm ngoái, bà đã bỏ trốn để không phải trả số nợ do vay nặng lãi. Bà đã mượn ít nhất 200.000 baht sau khi tiệm bán đồ ăn làm ăn ế ẩm, do nhiều khách hàng (hầu hết là nông dân) không đến nữa vì kinh tế khó khăn. Hiện Pranee làm trong một nhà hàng.
“Tôi mong Thaksin trở về. Ông ấy chắc chắn có cách cứu chúng tôi và cải thiện đời sống”, bà Pranee cho biết.
Mất ổn định chính trị tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Thái Lan trong đầu những năm 2010 có mức tăng trưởng trung bình 5 - 6%, nhưng năm 2016 chỉ có 3,2%. Tổ chức kiểm toán PricewaterhouseCoopers đánh giá tăng trưởng nước này sẽ giảm xuống còn trung bình 2,6% vào năm 2050, và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ tuột từ vị trí thứ hai xuống thứ năm toàn Đông Nam Á, bị các nước đang phát triển nhanh như Việt Nam và Philippines vượt qua trong vài chục năm tới.
Giới chức Bangkok cũng lo ngại đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng bị tác động do các ngành cần nhiều lao động sẽ chuyển đến những nơi khác. Một số công ty Nhật Bản đang áp dụng chính sách “Thái Lan+1”, nghĩa là phân chia hoạt động ra ở Thái Lan và các nước láng giềng như Campuchia, Lào hay Myanmar. Để bù đắp, chính phủ Thái đang cố thu hút đầu tư công nghệ cao.
Một số quản lý cấp cao các công ty cho biết thái độ của doanh nghiệp với Thái Lan sẽ cải thiện nếu những cuộc bầu cử diễn ra êm đẹp. Theo Rajiv Mangal, giám đốc điều hành Tata Steel tại Thái: “Một khi thời điểm bầu cử được quyết định và công bố rộng rãi, sự bất ổn sẽ giảm và đầu tư tư nhân sẽ có nhiều động lực hơn”.
Tài sản của Thái Lan chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ trong số 70 triệu dân của nước này. Báo cáo năm 2016 của công ty tài chính Credit Suisse cho thấy Bangkok là quốc gia bất bình đẳng thứ ba (trong tổng số 38 quốc gia được xem xét đến), với 58% tổng tài sản do 1% dân số nắm giữ. Tình trạng bất bình đẳng như vậy là yếu tố khiến chính trị Thái có khiếm khuyết.
Một cuộc thảo luận về tái phân bố tài sản đã được thực hiện trong hàng thập kỷ qua, nhưng giới quan chức (thường giàu có hoặc thuộc tầng lớp cao) không muống thực hiện những biện pháp đem lại hiệu quả. Hội đồng Lập pháp quốc gia Thái Lan đang xem xét một dự luật áp thuế xây dựng và thuế đất đai cho bất động sản có giá trị hơn 20 triệu baht, tuy nhiên, nó khó lòng được thông qua.
Somchai Jitsuchon, Giám đốc Viện nghiên cứu Phát triển Thái Lan, cho rằng: “Tái phân bố thu nhập là khó khăn về mặt chính trị ở Thái. Tầng lớp trung lưu và giàu có không ủng hộ ý tưởng chia sẻ tiền bạc và nguồn lực. Họ nghĩ bạn nên tự giúp đỡ mình hơn là nhờ người khác giúp”.
Tăng cường quyền lực hoàng gia
Vua Vajiralongkorn vẫn chưa xác định ngày tiến hành lễ đăng quang chính thức của mình, nhưng nó sẽ không diễn ra trước tổng tuyển cử, dự kiến vào mùa thu. Trước đó, để bày tỏ sự tiếc thương, ông đã dời lễ kế vị đến 50 ngày sau khi vua Bhumibol qua đời tháng 10 năm ngoái.
Bản dự thảo thứ 2 của hiến pháp mới đã vượt được một cuộc trưng cầu dân ý tháng 8.2016, nhưng sau đó đã bị hoãn thông qua khi vua Vajiralongkorn yêu cầu thay đổi những điều khoản liên quan đến quyền lực hoàng gia. Một thay đổi quan trọng là cho phép vua Thái du lịch nước ngoài mà không cần bổ nhiệm người đại diện.
Trong một buổi lễ trang trọng ngày 6.4.2017, vua Vajiralongkorn mới đặt bút ký thông qua bản hiến pháp mới.
Cho đến giữa những năm 1990, vua Bhumibol thường xuyên đi đến những vùng miền xa của đất nước. Nhà vua đã khởi xướng nhiều dự án phát triển nông nghiệp, thay thế cây thuốc phiện bằng cây ăn quả và bắp cải và cũng rất quan tâm đến công tác thủy lợi. Những dự án của hoàng gia đem lại lợi ích cho những người ngoài lề xã hội, và xây dựng nên tiếng tốt cho vua Bhumibol. Sau năm 1967, ông không ra nước ngoài nữa.
Vua Vajiralongkorn đi du lịch nước ngoài nhiều và tiếp tục dành phần lớn thời gian ở Đức, nơi hoàng tử Dhipankara Rasmijoti, con trai 12 tuổi của ông, đang học tập.
Nhà vua chủ yếu có hứng thú với hàng không và quân sự, nhưng ông vẫn dành thời gian quản lý công việc và tài sản hoàng gia. Vào tháng 5, một đạo luật mới đã đặt những cơ quan nhà nước có liên quan đến hoạt động của cung điện hoàn gia dưới sự quản lý trực tiếp của nhà vua Thái.
Cục Sĩ quan phụ tá hoàng gia Thái (Royal Thai Aide de Camp Department) trước đây trực thuộc Bộ Quốc phòng, còn Văn phòng cảnh sát an ninh cung điện hoàng gia nằm trong lực lượng cảnh sát quốc gia, nhưng hiện tại nhà vua có thể chỉ định hay cách chức những người làm việc trong hai cơ quan này theo ý mình.
Cách quản lý tài sản cũng thay đổi. Vào tháng 7, đạo luật Tài sản hoàng gia được sửa đổi lần đầu tiên trong 70 năm, cho phép vua Vajiralongkorn “giám sát trực tiếp và toàn quyền tự quyết” tài sản cá nhân của ông lẫn tài sản mà Cục Tài sản hoàng gia (CPB) đang nắm giữ.
CPB là đơn vị quản lý bất động sản và cổ phần tại nhiều công ty nổi tiếng của hoàng gia Thái. Ước tính tài sản CPB đang giữ có tổng giá trị lên đến 1,4 nghìn tỉ baht Thái. Hiện nay, số tài sản này thuộc quyền kiểm soát duy nhất của nhà vua.
Tướng không quân Satitpong Sukvimol, người thân cận của vua Vajiralongkorn, đã được chỉ định làm người đứng đầu CPB, vị trí vốn do Bộ trưởng Tài chính Thái đảm nhiệm.
Giáo sư Yasuhito Asami, chuyên gia về chính trị Thái của đại học Hosei (Nhật Bản), đánh giá những thay đổi trong quyền lực hoàng gia sẽ ảnh hưởng đến kinh tế quốc gia. Theo giáo sư: “Tài sản của chế độ quân chủ quá nhiều. Chúng có thể tạo ra sự bất ổn, dựa trên cách chúng được quản lý”.
Không những vậy, Thái Lan còn đang duy trì “luật khi quân” nghiêm khắc nhất thế giới. Luật quy định những ai xúc phạm thành viên cao cấp của gia đình hoàng gia có thể bị xử đến 15 năm tù, trong vài trường hợp còn kèm theo hình thức xử phạt khác.
Vua Vajiralongkorn sẽ trị vì theo cách của mình
Sumet Tantivejkul, người đứng đầu Quỹ Chaipattana chuyên theo dõi các dự án hoàng gia Thái, cho biết vua Bhumibol tin rằng giảm nghèo đói sẽ thúc đẩy dân chủ, do đó ông đã bỏ nhiều công sức để nâng cao đời sống người dân. Khó đánh giá được đóng góp của vua Bhumibol cho công cuộc xóa nghèo đói của đất nước, nhưng chắc chắn chúng có vai trò quan trọng trong việc nhắc nhở phải luôn quan tâm người nghèo.
Theo Wooth, một tài xế lái taxi 49 tuổi: “Tôi đã chứng kiến đứa vua (vua Bhumibol) cống hiến cả đời mình để giúp đỡ người dân Thái. Ông ấy làm việc chăm chỉ hơn bất cứ Thủ tướng Thái nào”.
Năm 2008, vua Bhumibol cho biết con trai ông sẽ thành công vào đúng thời điểm, và điều này chỉ xảy ra khi có sự giúp đỡ của người dân. Trong một thế giới đã thay đổi nhiều, vua Vajiralongkorn sẽ đi theo con đường riêng, khác với tiên vương.
Trong bài phát biểu đón năm mới, vua Vajiralongkorn đã kêu gọi phải đoàn kết. Theo nhà vua: “Bất kể đất nước chúng ta có gặp vấn đề hay hoàn cảnh bất thường gì, chúng ta đều sẽ vượt qua, nếu chúng ta hợp tác cùng nhau. Tôi sẽ hợp tác với người dân Thái bằng tất cả khả năng của tôi, nhằm tiếp tục công việc của nhà vua quá cố”.
Cẩm Bình (theo Nikkei Asian Review)