Trên 20 năm lai tạo lúa, kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các cộng sự đã làm rạng danh tỉnh Sóc Trăng khi gạo sản xuất từ lúa ST 25 được công nhận ngon nhất thế giới.

Kỹ sư Cua và hành trình lai tạo ra hạt gạo ST 25 ngon nhất thế giới

Duy Khang | 22/11/2019, 20:25

Trên 20 năm lai tạo lúa, kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các cộng sự đã làm rạng danh tỉnh Sóc Trăng khi gạo sản xuất từ lúa ST 25 được công nhận ngon nhất thế giới.

Những ngày qua, hàng trăm bạn bè trong và ngoài nước liên tục gọi điện cho ông Hồ Quang Cua, nguyên Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, để chúc mừng thành tích của vị Anh hùng Lao động 66 tuổi cùng các cộng sự đã đoạt giải World's Best Rice (Gạo ngon nhất thế giới) tại Hội nghị quốc tế lần thứ 11 về thương mại gạo tổ chức tại Manila (Philippines)từ ngày 10 đến 13.11.

2 nhà khoa học cùng ông Cua “mang chuông đi đánh xứ người” là tiến sĩ Trần Tấn Phương - Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng và và kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương.

Thành tích chung của 3 nhà khoa học

Công trình lúa thơm ST của ông Cua là câu chuyện bắt đầu bằng sự tình cờ của chuyến thăm đồng vào 1 buổi sáng mùa đông 1996. Đang ngắm nghía những hạt lúa VD 20 no tròn, bằng cặp mắt nhà nghề, ông phát hiện có những cây lúa lạ, gốc màu tím, hạt thon dài rất đẹp. Lội ngay xuống ruộng, mân mê những bông lúa lạ, mắt sáng lên như người tìm được vật quý bởi đó là những cá thể VD 20 đột biến đầu tiên. Từ đây, một công trình lai tạo, nhân giống với hàng loạt giống lúa thơm mang tên ST được ra đời.

Kỹ sư Hồ Quang Cua và sản phẩm gạo ST 25- Ảnh: Hàm Yên

Ông Cua kể: “Sự phát hiện này tình cờ nhưng rất có ý nghĩa đối với công tác lai tạo, nhân giống lúa thơm của Sóc Trăng. Có khoảng trên 1.000 cá thể đột biến đầu tiên được chúng tôi thu thập và sau đó tiến hành trồng thử nghiệm, rồi cho lai tạo theo nhiều cách khác nhau để chọn những cá thể vượt trội nhất đưa vào sản xuất”.

Công việc lai tạo không hề đơn giản vì thiếu nhiều trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ và nhất là tiêu chuẩn về giống lúa thơm của Việt Nam lúc này vẫn chưa có. Ông cho biết: “Lúc đó thiếu nhiều thứ lắm nhưng cái gì tự chế được thì mình chế, cái gì chưa có thì “mượn tạm” của người khác. Trong công tác giống, nếu thiếu các tiêu chí về giống cũng như người đi biển thiếu la bàn. Bởi vậy chúng tôi “mượn tạm” tiêu chí lúa thơm BE. 2541 của Thái Lan để thực hiện”.

Sau này 1 cộng sự của ông Cua là tiến sĩ Phương phát minh ra phương pháp đánh giá mùi thơm rất nhanh chóng và hiệu quả. Thông qua tiêu chí mùi thơm, ông Cua cùng các cộng sự loại được những giống lúa không đạt chuẩn rất nhanh. Công việc ngày càng tiến triển, đến nay ngành nông nghiệp Sóc Trăng tự hào có được bộ sưu tập giống lúa ST từ 1-20 và 1 giống ST 3 đỏ.

Để chọn được những giống lúa thơm phù hợp với người tiêu dùng, ngoài việc áp dụng các tiêu chí BE. 2541, ông Cua còn tổ chức những cuộc hội thảo, tham quan đánh giá giống và những cuộc thi “cơm nào ngon hơn”, “cơm ngon thương hiệu Việt”... tại các cuộc triển lãm, hội chợ trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá cho lúa thơm ST. “Nghiên cứu là một lẽ nhưng nếu không quảng bá sẽ không ai biết mình đang có giống lúa thơm cho gạo ngon không thua gì gạo Thái Lan”, ông Cua chia sẻ.

2 năm trước, gạo ST 24 của Sóc Trăng vào Top 3 “Gạo ngon nhất thế giới” tại Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về thương mại gạo tổ chức tại Macau (Trung Quốc). Tại hội nghị lần này, Hiệp hội Lương thực Việt Nam chọn 2 loại gạo ST 24 và ST 25 của ông Cua và các cộng sự. Theo ông Cua, ngoài việc nộp 2 túi gạo, mỗi túi 2 kg kèm bảng mô tả 200 chữ, ông còn ghi tỉ lệ nước, gạo bao nhiêu là phù hợp để nấu cơm ngon.

“Ban giám khảo là những đầu bếp chuyên nghiệp, đẳng cấp trên thế giới. Ngoài yếu tố chất lượng, ban giám khảo còn cho điểm hình thức. Kết quả là cả 2 loại gạo ST 24 và ST 25 đều lọt vào tốp đầu thế giới nhưng ban giám khảo chọn ST 25 để trao giải nhất. Kết quả này là thành tích tập thể như “Quân thần tá sứ không phải của riêng ai”. Trong đó, vai trò của tiến sĩ Phương và kỹ sư Hương rất quan trọng, còn tôi thì chủ công", vị kỹ sư nông nghiệp nói.

Tiếp tục lai tạo, phát triển ra những giống mới

Về đến Sóc Trăng tối 14.11, sáng hôm sau, ông Hồ Quang Cua một mình chạy xe máy từ TT.Mỹ Xuyên của H.Mỹ Xuyên đến TP.Sóc Trăng với mục đích gặp lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng để báo cáo kết quả cuộc thi “Gạo ngon thế giới”. Trong ba lô ông Cua mang theo là chiếc cúp thủy tinh mang tên “World's Best Rice” được vị kỹ sư nông nghiệp cẩn thận gói bằng chiếc khăn lông nhung.

Lấy lý do sức khỏe yếu vì nhiều ngày ở nước ngoài, ông Cua đưa phóng viên những tờ giấy viết sẵn có nội dung nói rằng hạt gạo Gò Công (Tiền Giang) và gạo Bãi Xào (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) nổi tiếng ở thị trường châu Âu và Hương Cảng của Hồng Kông trên trăm năm trước. 80 năm sau đó, giống lúa KDM trồng ở vùng nước lợ ven biển đã thu hút rất nhiều thương lái đến với Sóc Trăng.

“Dù là giống lúa thơm mới du nhập nhưng năng suất giống này còn cao hơn cả giống lúa chịu mặn bản địa được tuyển chọn từ thời Nam Kỳ còn là thuộc địa của Pháp. 2 sự kiện cách nhau gần 80 năm minh chứng cho điều kiện thổ nhưỡng đất Sóc Trăng phù hợp cho cây lúa thơm. Cách đây hơn 20 năm, Thái Lan công bố đã lai tạo được hai giống lúa thơm không cảm quang mà họ gọi là hạt vàng. Tôi suy nghĩ tại sao họ làm được còn mình lại không. Vậy là trong đầu tôi suy nghĩ đến giống lúa thơm cho Việt Nam”, ông Cua nói.

Sau khi thu thập được tương đối đủ giống bố mẹ vào cuối năm 2002, ông Cua với các cộng sự vừa lai chọn vừa rút kinh nghiệm để xây dựng các tổ hợp lai mới. Giống bố mẹ được các nhà khoa học thu thập từ Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), Bangladesh, Thái Lan, Đài Loan, Bắc Bộ... “Lai phức hợp để cho ra dòng ổn định cần thời gian dài hơn lai đơn, thường là 11-12 vụ lúa. Quy mô khu chọn giống cũng rất rộng vì các con lai phân ly rất mạnh và kéo dài. Cuối cùng sẽ có nhiều dòng đạt chất lượng theo mục tiêu đề ra.

Gạo ST 24và ST 25 là lai phức hợp nhiều giống, chọn bố mẹ ngon để cho con lai thụ hưởng các đặc tính tốt. Gạo của hai giống lúa này có chu kỳ sản xuất ngắn với cùng 95 ngày. Hai giống lúa như anh em sinh đôi, cùng thơm, trắng, đẹp nhưng ST 25 hạt cơm dẻo hơn ST24”, ông Cua phân tích. Theo tiến sĩ Phương, ông sẽ cùng ông Cua và kỹ sư Hương tiếp tục duy trì vị thế hiện tại của gạo ST. Nhóm nghiên cứu của ông sẽ tiếp tục lai tạo, phát triển ra những giống mới nhằm đa dạng cho thị trường.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - ông Trần Văn Chuyện, đánh giá: “ST 25 đạt giải “Gạo ngon nhất thế giới” đã cho thấy đây là quá trình nghiên cứu đầy tâm huyết của nhóm nhà khoa học mới có thành quả hôm nay. Thành quả này đóng góp rất lớn cho việc xây dựng thương hiệu gạo của Sóc Trăng và gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế”.

Vinh danh nhờ cây lúa

Cua - 1 cái tên nghe rất dân dã, nông dân, bởi bản thân ông sinh ra trong 1 gia đình thuần nông bên những đồng lúa mùa thuộc ấp Giầy Lăng, xã Hòa Đông (Vĩnh Châu, Sóc Trăng). Cả sự nghiệp khoa học của kỹ sư Hồ Quang Cua gần như chỉ gắn liền với duy nhất cây lúa. Từ ông, 1 bộ sưu tập hơn 20 giống lúa thơm mang tên ST đã ra đời.

Ông Cua cũng không biết mình bắt đầu mê cây lúa từ khi nào, chỉ biết đau đáu nhớ về tuổi thơ của mình gắn liền với những ngày lội ruộng kéo mạ, cấy lúa với cha anh. Chính hạt lúa mùa trên đồng đất Hòa Đông đã nuôi ông khôn lớn nhưng không đủ sức làm quê hương ông giàu lên được bởi năng suất và chất lượng không cao.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Phan Văn Sáu chúc mừng ông Hồ Quang Cua- Ảnh: Hàm Yên

Mang trăn trở đó, chàng trai trẻ thi vào Khoa Nông nghiệp của Trường Đại học Cần Thơ. Tốt nghiệp, ông Cua trở về với ruộng đồng để rồi biết bao cánh đồng đã in dấu chân... Cua. Đâu có ruộng, có nông dân là có Cua, cùng đánh vật với ruộng đồng và nhà nông. Người dân Sóc Trăng cũng chỉ biết ông Cua là 1 kỹ sư giỏi, chịu khó chứ ít ai biết ông từng là Phó giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng. Ông đi đồng bất kể lúc nào. Sáng tranh thủ dậy sớm ra đồng, chiều sau giờ làm việc cũng thấy lom khom ngoài đồng nên làm cán bộ cấp sở mà ngón chân vàng khè màu phèn.

Giờ đây, kỹ sư Cua không còn trẻ nhưng ông nói tình yêu cây lúa trong ông luôn mãnh liệt như “mối tình đầu tiên”. Theo ông, “mối tình” với cây lúa mang tên ST đã trở thành một phần máu thịt, là mục tiêu mà ông đang hướng tới với mong muốn đem lại danh tiếng cho hạt gạo Sóc Trăng đến con đường vinh danh “hạt ngọc Việt” nhằm đem lại cho nông dân nguồn thu nhập xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra. Và theo ông, đó chính là cách để trả nợ hạt lúa quê hương từng nuôi Hồ Quang Cua khôn lớn.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - Trần Văn Chuyện, ông Cua đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động bởi kỹ sư này có công lao rất lớn trong việc nghiên cứu các giống lúa thơm xuất khẩu có giá trị cao. Với thành tích của gạo ST 25, UBND tỉnh Sóc Trăng đang xem xét đề nghị Đảng, Nhà nước phong tăng cho ông Cua với các cộng sự những phần thưởng cao quý khác.

Hàm Yên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỹ sư Cua và hành trình lai tạo ra hạt gạo ST 25 ngon nhất thế giới