Nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm mạnh lãi suất tiết kiệm, trong đó kỳ hạn 12 tháng đã về dưới mức 6%/năm, thấp nhất trong nhiều năm qua.
Thời gian gần đây, các ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh giảm mạnh lãi suất tiết kiệm. Thậm chí, có ngân hàng đã thay đổi biểu lãi suất hai lần kể từ đầu tháng 10 đến nay.
Theo đó, trong biểu lãi suất huy động mới nhất, Vietcombank đã điều chỉnh giảm mạnh lãi suất tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng tại nhà băng này chỉ còn 3,1%/năm; kỳ hạn 3 tháng còn 3,4%/năm; kỳ hạn 24 tháng còn 5,9%/năm… Các mức lãi suất này giảm tới 0,2 % so với trước đó.
Tương tự, “ông lớn” BIDV cũng quyết định giảm mạnh lãi suất tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn, trong đó kỳ hạn 1-2 tháng giảm 0,2% xuống còn 3,3%/năm. Kỳ hạn 9 tháng cũng giảm mạnh về 4,2%/năm, giảm 0,3% so với trước đó.
Không kém cạnh, Vietinbank thông báo hạ lãi suất huy động nhiều kỳ hạn. Theo đó, khách gửi kỳ hạn 1-2 tháng thì lãi suất chỉ còn 3,3%/năm; kỳ hạn gửi dưới 6 tháng lãi suất cao nhất đang áp dụng cũng chỉ 3,6%/năm. Các kỳ hạn từ 12 đến 36 tháng tại Vietinbank cũng chỉ còn 5,8%/năm, giảm 0,2% so với biểu lãi suất trước.
Như vậy, 3 trên 4 ngân hàng khối quốc doanh là Vietcombank, BIDV, VietinBank đã tiếp tục giảm lãi suất, đưa mức lãi cao nhất khi gửi tại quầy về dưới 6%. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm nay ngân hàng quốc doanh hạ lãi suất tiết kiệm kỳ hạn một năm xuống dưới 6%.
Đáng chú ý, không chỉ các ngân hàng thương mại nhà nước, nhiều ngân hàng cổ phần cũng nhập cuộc xu hướng hạ lãi suất đầu vào. Một số ngân hàng còn thay đổi biểu lãi suất 2 lần kể từ đầu tháng 10 đến nay.
Điển hình, VPBank thông báo giảm lãi suất nhiều kỳ hạn từ 0,05 - 0,4% so với hồi đầu tháng 10. Nếu khách gửi dưới 300 triệu đồng, kỳ hạn 1-2 tháng còn 3,25%/năm; kỳ hạn từ 7-11 tháng còn 5,1%/năm và kỳ hạn từ 15-36 tháng còn 5,4%/năm giảm tới 0,4 điểm %...
Trong khi đó, Nam A Bank tiếp tục hạ thêm lãi suất kỳ hạn dài. Người gửi kỳ hạn từ 18-29 tháng lãi suất còn 7%/năm, thay vì mức 7,2%/năm hồi đầu tháng 10. Với người gửi tiết kiệm từ 30-36 tháng lãi suất cũng giảm 0,2 % xuống còn 6,8%/năm.
Còn tại MSB, lãi suất huy động các kỳ hạn dài cũng giảm thêm 0,1%, đưa kỳ hạn gửi 7-11 tháng lãi suất còn 5,4%/năm; kỳ hạn 15-26 tháng về 5,9%/năm... Tương tự, Sacombank cũng giảm sâu lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở với mức 0,2-0,5%. Với kỳ hạn một năm, lãi suất giảm sâu từ 6,5% xuống 6%.
Theo Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất tiền gửi bằng VND của tổ chức tín dụng có xu hướng giảm so với cuối năm 2019. Hiện tại, lãi suất tiền gửi bằng VND phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,5-4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4-6,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6-7%/năm.
Nhiều chuyên gia nhận định lãi suất huy động vẫn còn dư địa để giảm thêm. Lãi suất huy động tiếp tục giảm trong bối cảnh thanh khoản các ngân hàng rất dồi dào, nhu cầu tín dụng thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cùng với lạm phát cả năm nay dự báo ở mức 3,5%. Còn sang năm 2021, lãi suất cả tiền gửi và cho vay có thể sẽ tăng trở lại khi nhiều dự báo kinh tế tăng trưởng cao.
Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán SSI nói rằng dù dịch bệnh được kiểm soát và thị trường đã bước vào quý cuối năm - thường là cao điểm về nhu cầu vốn nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn yếu và thấp hơn khá nhiều (khoảng 2%) so với tăng trưởng huy động. Do vậy, tiền đồng vẫn dư thừa trong hệ thống các ngân hàng nên lãi suất sẽ vẫn đi ngang ở vùng thấp trong thời gian tới.