Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định bối cảnh hiện nay không thể tiếp tục giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay.

Lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục, khó có thể giảm thêm

Hồ Đông | 13/10/2021, 22:10

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định bối cảnh hiện nay không thể tiếp tục giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay.

Lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục

Từ đầu tháng 9 đến nay, lãi suất huy động trung bình trên thị trường có diễn biến giảm nhẹ đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Theo đó, trung bình lãi suất tiết kiệm 6 tháng và 12 tháng giảm lần lượt xuống 4,71%/năm và 5,561%/năm.

Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại có quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỉ đồng) điều chỉnh giảm lãi suất đối với cả 2 loại kỳ hạn trên trong tháng 9.2021, lần lượt giảm xuống chỉ còn 4,45%/năm và 5,39%/năm, mức thấp nhất kể từ năm 2017 tới nay.

Còn các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỉ đồng), lãi suất huy động của kỳ hạn 6 tháng được điều chỉnh giảm xuống còn 5,37%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng điều chỉnh tăng nhẹ lên 6%/năm.

Ngược lại, nhóm ngân hàng có gốc quốc doanh không thay đổi lãi suất tiết kiệm đối với cả 2 loại kỳ hạn 6 và 12 tháng, duy trì ở mức 3,75%/năm và 4,95%/năm.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), với cả 2 loại kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng, lãi suất huy động thấp nhất chỉ còn ở mức 3,7%/năm cho kỳ hạn 6 tháng; 4,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Trong khi đó, lãi suất huy động cao nhất được áp dụng ở mức 6,1%/năm (6 tháng) và 6,8%/năm (12 tháng). Như vậy, lãi suất trung bình 6 tháng và 12 tháng trong tháng 9.2021 cùng tiếp tục giảm 12-14% so với cùng kỳ.

tien-vnd.jpeg
Mặt bằng lãi suất tiết kiệm thấp nhất trong nhiều năm qua - Ảnh: Internet

Lãi suất khó có thể giảm thêm

Trước thực tế lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định bối cảnh hiện nay không thể tiếp tục giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay.

Theo ông Tú, lạm phát hiện ở mức thấp, 9 tháng đầu năm chỉ tăng 1,82%. Thế nhưng, theo dự báo của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), lạm phát cả năm nay sẽ vào khoảng 3% và lạm phát mục tiêu của Quốc hội đề ra là dưới 4%.

Trong khi đó, lãi suất đầu vào của các ngân hàng đã giảm liên tục từ năm 2020 đến nay, hiện chỉ vào khoảng 5-5,5%/năm. Như vậy, nếu lạm phát duy trì ở mức 3% thì người gửi tiền mới có lãi suất thực dương.

Trên thực tế, thời gian qua, lãi suất huy động chỉ giảm khoảng 1-1,5%/năm so với trước đây, song tăng trưởng tiền gửi của các ngân hàng đã giảm xuống còn 4,8%, trong khi cùng kỳ năm ngoái là hơn 6%.

Vì vậy, ông Tú cho rằng không thể tiếp tục đặt ra câu chuyện tiếp tục giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất đầu ra. Nếu huy động với lãi suất quá thấp thì người dân sẽ không gửi nữa mà đi mua nhà, mua vàng, có thể dẫn đến bất ổn. Muốn ổn định thì vẫn phải có nguồn tiền gửi để cho vay. Các ngân hàng thì chủ yếu đi vay từ người dân để có tiền cho vay ngược lại nền kinh tế. Do đó, phải duy trì được đầu vào, ổn định lãi suất, đảm bảo lợi ích người gửi tiền.

Đối với lãi suất cho vay, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói rằng mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng đã giảm hơn 1,5% so với trước dịch và vẫn đang có xu hướng giảm từ đầu năm 2021 đến nay.

Trong khi đó, nếu áp dụng biên lợi nhuận khoảng 2,5% trong hoạt động cho vay của các ngân hàng, mức lãi suất cho vay hiện chỉ vào khoảng 8%/năm. Thực tế, lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng duy trì ở mức này, thậm chí thấp hơn với các gói cho vay đặc thù. Với các công ty tài chính thì có thể cao hơn nhưng cũng thấp hơn rất nhiều so với tín dụng đen.

Do đó, Phó thống đốc cho rằng để giảm được lãi suất cho vay lúc này phụ thuộc vào 2 vấn đề. Thứ nhất là tiết giảm chi phí để có nguồn lực hỗ trợ. Thứ hai là cắt giảm lợi nhuận. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay theo 2 hướng trên.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến cuối tháng 9, hệ thống tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23.1.2020 đạt trên 5,2 triệu tỉ đồng cho 800.000 khách hàng.

Ngân hàng cũng miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỉ đồng. Lũy kế từ 23.1 đến cuối tháng 9.2021, tổng số tiền lãi đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27.000 tỉ đồng.

Riêng 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay cho khách hàng theo cam kết với Hiệp hội Ngân hàng, tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15.7 đến cuối tháng 9.2021 là 11.813 tỉ đồng, đạt 57,31% so với cam kết.

Bài liên quan
Cẩn trọng mua trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao chót vót
Chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư cần lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao. Vì vậy, người mua phải hết sức thận trọng, đánh giá kỹ trước khi quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục, khó có thể giảm thêm