Trung tướng Tô Ân Xô cho biết qua các đại án vừa qua, người nào có ý đồ phạm tội sẽ chùn bước. Trong năm qua, qua các vụ án "làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng" thì thị trường chứng khoán, trái phiếu cũng tốt lên.
Gần 2 triệu tỉ sẽ được bơm vào nền kinh tế 2024
Trả lời báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5.1.2024, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết năm 2023, số liệu tăng trưởng tín dụng là 13,71%. Như vậy khối lượng tuyệt đối có thể đưa vào nền kinh tế khoảng 1,5 triệu tỉ trong năm 2023. Dự kiến cho năm 2024 tăng trưởng 15%.
“Như vậy, nếu tính trên cơ sở lượng tiền, dư nợ hiện nay là khoảng 13,56 triệu tỉ thì có nghĩa là gần 2 triệu tỉ sẽ được tăng thêm vào năm 2024 này”, ông Tú nói.
Tất nhiên, theo ông Tú, 15% trong điều kiện tính toán hiện nay. Nếu như giữa năm, cuối năm điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, cho phép kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm được dòng vốn đối ứng và những đối tượng cần thiết cũng như an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, có sẽ giao thêm cho các ngân hàng thương mại để tăng trưởng tín dụng.
Trả lời câu hỏi việc năm 2024 có thuận lợi hơn không? Ông Tú cho rằng năm 2024 có nhiều dấu hiệu cho thấy sự khởi sắc của nền kinh tế trên cơ sở kết quả của năm nay.
“Mong rằng sẽ không có tác động khó khăn của quốc tế với Việt Nam như năm 2023, thì chắc chắn nhu cầu đầu tư của nền kinh tế sẽ tăng lên. Do đó, tất yếu phải có nguồn lực đáp ứng cho nhu cầu đầu tư, phát triển đó”, ông Tú nói.
Ngoài ra, ông Tú cũng cho hay muốn tăng tín dụng phải phụ thuộc vào các yếu tố, như lãi suất. Hiện nay, lãi suất đã giảm, thấp hơn trước dịch nhiều. Thậm chí có chuyên gia đánh giá là trong khoảng 20 năm qua hay 10 năm qua, mức lãi suất cho vay là rất thấp. Đây là một trong những yếu tố cơ bản để tăng trưởng tín dụng có thể tăng mạnh.
Tiếp theo, phó thống đốc đề cập đến cơ chế điều hành cũng như việc triển khai thực hiện cho vay của các ngân hàng thương mại.
“Năm nay, chúng tôi đã có sự chủ động, đã có những cơ chế mới cho việc điều hành tín dụng, đã giao ngay từ trước ngày 1.1 vừa qua về hạn mức tín dụng cho tất cả các tổ chức tín dụng là 15% để giao cho các tổ chức tín dụng phấn đấu để làm sao đạt được chỉ tiêu đó”, ông Tú nêu.
Theo đó, nếu như ngân hàng, tổ chức tín dụng nào đạt được chỉ tiêu đó mà vẫn có khả năng cung ứng thêm vốn cho nền kinh tế, bảo đảm chất lượng cũng như an toàn hệ thống, bảo đảm điều kiện kinh tế vĩ mô cho phép thì chúng tôi sẽ tiếp tục giao thêm.
“Qua đó muốn nói rằng, cả về cơ chế, định hướng của Chính phủ, những điều kiện về lãi suất, nhu cầu vay, điều kiện vay của doanh nghiệp cũng như cơ chế vận hành chung của các tổ chức tín dụng, mong rằng năm 2024 sẽ khởi sắc hơn rất nhiều so với năm 2023”, ông Tú nói.
Làm một vụ, cảnh tỉnh một vùng
Cũng trả lời báo chí tại cuộc họp báo, Trung tướng Tô Ân Xô, Người Phát ngôn Bộ Công an cho rằng công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong năm 2023 là điểm sáng.
Bộ Công an luôn theo chủ trương "làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực" trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, triệt để thu hồi tài sản cho Nhà nước, nhân dân.
Qua quá trình theo dõi các vụ án cho thấy việc "làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng", ví dụ như là thao túng thị trường chứng khoán là FLC; thao túng trái phiếu là vụ Tân Hoàng Minh; thao túng ngân hàng vụ SCB; thao túng chính sách là vụ đăng kiểm hay xăng dầu là vụ Xuyên Việt Oil; về tài nguyên khoáng sản là vụ ở An Giang.
“Rõ ràng, qua các vụ án này, những người nào có ý đồ, tiếp tục thao túng thì sẽ chùn bước.
Trong năm qua, qua các vụ án "làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng" thì thị trường chứng khoán, trái phiếu cũng tốt lên”, ông Xô nêu.
Trả lời về kế hoạch đảm bảo an ninh, trật tự cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán cũng như các lễ hội đầu năm 2024, ông Xô cho biết chủ trương của Bộ Công an là tạo môi trường an toàn, an ninh, lành mạnh cho nhân dân. Chính vì thế, Bộ Công an đã phát lệnh tổ chức cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, cao điểm này được triển khai từ 15.12.2023.
Trong 15 ngày triển khai, tức là từ ngày 15.12 đến 29.12.2023, các sự kiện chính trị, kinh tế-văn hóa quan trọng của cả nước, tất cả các vùng đều bình yên; tội phạm về trật tự xã hội, tức là tội phạm hình sự giảm 8,75% so với 15 ngày trước cao điểm.
Tấn công trấn áp tội phạm đạt kết quả rõ rệt và con số cụ thể như sau: Điều tra khám phá 1.587 vụ phạm tội về trật tự xã hội; bắt, xử lý 3.544 đối tượng trong đó khởi tố, bắt 103 vụ với 191 đối tượng liên quan tới hoạt động tín dụng đen; phát hiện, xử lý 1.379 vụ với 6.032 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về cờ bạc; bắt và thanh loại 192 đối tượng truy nã.
Ngoài ra, phát hiện 2.474 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về kinh tế; 38 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ; 38 vụ phạm tội về sử dụng công nghệ cao; 97 vụ buôn lậu; 645 vụ sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm; 49 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả; triệt phá 2.713 vụ phạm tội về ma túy, bắt 4.112 đối tượng; thu giữ 27,83 kg heroin.
Về công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, Bộ Công an đã tổ chức vận động, thu hồi 2.121 súng, tăng 61% với 8919 viên đạn, 3150 vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ các loại; 283 kg pháo nổ; phát hiện 581 vụ với 875 đối tượng sản xuất, mua bán, vận chuyển tàng trữ pháo trái phép; thu giữ 11 tấn pháo nổ.
Lực lực công an luôn duy trì phương tiện, lực lượng thường trực chiến đấu, tuyên truyền, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy, xử lý các cơ sở vi phạm, nguy cơ cháy nổ cao; điều 454 lượt xe chữa cháy, phương tiện với 2.809 lượt cán bộ chiến sĩ, tham gia chữa cháy 133 vụ, cứu được 36 người.
Tiếp theo là tăng cường tuần tra, đảm bảo an toàn giao thông, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo chuyên đề như vi phạm nồng độ cồn, ma túy, quá tải quá khổ, các xe container; phát hiện xử lý 145.841 vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt hơn 334 tỷ đồng, tước 31.462 giấy phép lái xe, trong đó có 36.560 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Việc vi phạm nồng độ cồn trong tham gia giao thông được tiến hành rất mạnh mẽ, tăng 83% so với 15 trước cao điểm.