Dù đã 2 năm thực hiện kỹ thuật ghép gan, nhưng các bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đều phải nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài, nhưng lần này các bác sĩ ở đây đã “tự thân vận động” và thực hiện thành công cùng lúc 2 ca ghép gan.

Lần đầu tiên Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM tự thực hiện kỹ thuật ghép gan

01/07/2020, 13:11

Dù đã 2 năm thực hiện kỹ thuật ghép gan, nhưng các bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đều phải nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài, nhưng lần này các bác sĩ ở đây đã “tự thân vận động” và thực hiện thành công cùng lúc 2 ca ghép gan.

Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM thực hiện ca ghép gang cho bệnh nhân - Ảnh: N.P

Ca ghép gan đầu tiên tại miền Trung xuất viện khỏe mạnh

Tại sao ghép gan chỉ cần rất ít thuốc chống đào thải gan hiến tặng?

Ghép gan thành công cho bé trai bị xơ gan từ lúc 5 tháng tuổi

Sau ghép gan, sống có thọ?

Cả 2 ca ghép gan do chính các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM thực hiện thành công, trong đó có 1 người cho chết não và 1 người cho còn sống. Đây là ca ghép gan thứ 10 và 11 được thực hiện tại bệnh viện này.

TS.BS Trần Công Duy Long - Phó Trưởng khoa Ngoại Gan Mật Tụy, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết bệnh nhân được ghép gan từ người cho chết não là anh H.V.L. (37 tuổi, ngụ tại TPHCM). Bệnh nhân L. bị xơ gan giai đoạn cuối, trong tình trạng sức khỏe nguy hiểm.

Riêng bệnh nhân còn lại được ghép gan từ người thân hiến tặng là bà H.T.P. (61 tuổi, ngụ tại TPHCM). Bà P. có tiền sử viêm gan C dẫn đến xơ gan giai đoạn nặng. Một tháng trở lại đây, bà P. có vài lần rơi vào hôn mê, tình trạng nhiễm trùng, rối loạn trong máu tăng và nguy cơ xuất huyết não dẫn đến tử vong.

Các bác sĩ đánh giá, nếu không được ghép gan kịp thời, tỉ lệ tử vong trong vòng 3 tháng có thể lên đến 50%. Với tình huống cấp bách như trên, ghép gan là phương pháp tốt nhất để bà có thể sống khỏe mạnh. Bằng sự hiếu kính dành cho mẹ của mình, cả 3 người con của bà P. đều mong muốn được hiến gan, nhưng chỉ người con út là anh T.H.N. phù hợp với các tiêu chuẩn về y học.

“Đến hôm nay (1.7) cả 2 ca ghép gan trên đều đã hoàn toàn khỏe mạnh. Trong đó, bệnh nhân L. đã có thể xuất viện, còn bệnh nhân P. ngày càng ổn định, có thể ăn uống và sinh hoạt bình thường. Riêng người cho gan là anh N. cũng đã khỏe mạnh và được xuất viện”, bác sĩ Long cho hay.

Theo TS.BS Trần Công Duy Long, do tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp và các chuyên gia không thể đến hỗ trợ, bệnh viện đã nỗ lực thực hiện thành công 2 ca ghép. Điều này đã minh chứng cho thành quả học tập và triển khai kỹ thuật ghép gan tại bệnh viện.

“Để có được sự thành công của các ca ghép này, ê kíp ghép gan của bênh viện đã được đào tạo bài bản, đồng bộ, chuyển giao kỹ thuật hiệu quả từ Bệnh viện Asan (Hàn Quốc) cùng sự chỉ đạo sát sao của Ban giám đốc và sự phối hợp hiệu quả giữa các khoa, phòng, đơn vị có liên quan. Qua đó, người bệnh được tiếp cận với phương pháp điều trị tiên tiến, tiết kiệm thời gian, chi phí phẫu thuật cũng như chi phí đi lại, sinh hoạt so với việc thực hiện ở nước ngoài, đồng thời giúp người bệnh thuận lợi hơn trong quá trình tái khám sau ghép”, bác sĩ Long chia sẻ.

Theo bác sĩ Long, ghép gan là biện pháp triệt để cho các trường hợp người bệnh bị xơ gan, ung thư gan giai đoạn sớm và chức năng gan kém. Ghép gan giúp người bệnh có chất lượng sống tốt hơn. Đối với người hiến, sau khi hiến gan, các tế bào gan có thể tái tạo, phục hồi để đảm bảo chức năng hoạt động của gan giống với người bình thường.

GS.TS.BS Trương Quang Bình - Phó đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, từ khi được Bộ Y tế cho phép triển khai kỹ thuật lấy, ghép gan từ người cho sống và từ người cho chết não (21.3.2018), bệnh viện đã không ngừng nâng cao trình độ nhân lực chuyên môn, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và năng lực tổ chức, phối hợp giữa các khoa, phòng, đơn vị có liên quan. Trong đó, bệnh viện đã tiến hành đào tạo hơn 30 nhân sự bao gồm bác sĩ chuyên khoa, điều dưỡng, phẫu thuật viên, chuyên viên chẩn đoán hình ảnh, chuyên viên gây mê - hồi sức…

Trong suốt quá trình thực hiện đề án, bệnh viện còn liên tục tổ chức và tham gia các hội nghị, hội thảo về lĩnh vực gan mật tụy nói chung và ghép tạng nói riêng, với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế từ Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ… nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ ghép tạng.

“Thành công hôm nay là niềm vui và hạnh phúc của đội ngũ y bác sĩ chúng tôi, nhưng cũng là động lực để nỗ lực, học hỏi không ngừng. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục mời các chuyên gia từ Hàn Quốc, Mỹ và các Trung tâm ghép gan có uy tín trên thế giới đến hỗ trợ, giúp bệnh viện thực hiện các ca ghép an toàn hơn cho người bệnh, đồng thời triển khai nhiều kỹ thuật ghép khác nhau, giúp nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống cho người bệnh", bác sĩ Bình chia sẻ.

Hồ Quang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lần đầu tiên Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM tự thực hiện kỹ thuật ghép gan