Những phát ngôn công kích Trung Quốc gay gắt từng giúp ông Donald Trump làm hài lòng cử tri khi tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Đương kim lãnh đạo nước Mỹ dường như muốn sử dụng lại “lá bài” này cho chiến dịch tái tranh cử năm 2020, nhưng sự tiếp nhận có thể không còn nồng nhiệt như trước.
Đàm phán thương mại vào tuần trước gặp rắc rối nghiêm trọng do Trung Quốc rút lại một số cam kết, còn Tổng thống Trump hiện thực hóa lời đe dọa tăng thuế.
Cuộc chiến thương mại tiếp tục chắc chắn tác động đến nỗ lực tìm kiếm nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Trump. Nhiều tiểu bang từng góp phần đem lại chiến thắng cho ông vào 3 năm trước đang chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế.
Một cựu quan chức cảnh báo: “Sẽ là vấn đề thực sự nếu không giải quyết mọi chuyện trước thời điểm chúng tôi tiến hành chiến dịch tranh cử. Những vùng trồng đậu tương trên nước Mỹ đang đau đớn”.
Đậu tương là nông sản xuất khẩu đáng giá nhất của Mỹ, nhưng lượng hàng bán sang Trung Quốc năm 2018 giảm xuống mức thấp nhất trong 16 năm qua.
Việc không đạt thỏa thuận thương mại còn khiến năng lực thương lượng của Tổng thống Trump bị nghi ngờ. Chính nhà lãnh đạo lẫn nhiều quan chức Washington nhiều lần khẳng định họ sắp kết thúc đàm phán bằng một thỏa thuận.
Tuy nhiên, thất bại nêu trên càng cho thấy Tổng thống Trump giữ đúng cam kết thà bỏ đi chớ không chấp nhận thỏa thuận trái mục tiêu – giống như lần ông từ chối nhà lãnh đạo Kim Jong-un ở Hà Nội (phía CHDCND Triều Tiên đề xuất dỡ bỏ trừng phạt đổi lấy phi hạt nhân hóa một phần).
Theo cựu phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer: “Nhìn chung tôi nghĩ lập trường cứng rắn có lợi cho Tổng thống Trump. Ông cho thấy rằng mình sẵn lòng đứng ra chiến đấu”.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer không ngừng yêu cầu Trung Quốc tiến hành thay đổi trong bảo vệ sở hữu trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ, thao túng tiền tệ và nhiều lĩnh vực chính sách khác. Tổng thống Trump dù hoan nghênh đối tác châu Á đồng ý tăng mua hàng Mỹ nhưng vẫn hậu thuẫn cho cách tiếp cận mà cấp dưới Lighthizer theo đuổi.
Quyết tâm này thu hút sự ủng hộ từ cả hai chính đảng. Nghị sĩ lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer tuần trước kêu gọi: “Đừng lùi bước. Sức mạnh là cách duy nhất chiến thắng Trung Quốc”.
Cựu cố vấn cấp cao Nhà Trắng Clete Willems cho biết riêng với vấn đề thương mại thì cả hai đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa khá đoàn kết: “Tôi dự đoán không có ai lên tiếng yêu cầu lùi bước trước Trung Quốc”.
Mặc dù vậy, các ứng viên tổng thống bên Dân chủ (tuy thừa nhận cần thay đổi quan hệ thương mại Mỹ - Trung bất công bằng) sẽ vẫn chỉ trích cách nhà lãnh đạo Washington đương nhiệm đàm phán.
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren nhân dịp đến bang Ohio đã phát biểu: “Ông ấy không biết làm thế nào để đạt thỏa thuận thương mại. Giao dịch bằng những dòng đăng Twitter chẳng hiệu quả”.
Biết về thiệt hại mà nông dân Mỹ hứng chịu, đội ngũ Trump đang cố gắng giảm bớt tác động của chiến tranh thương mại bằng vài chương trình hỗ trợ và khơi dậy lòng yêu nước.
Tim Murtaugh – Giám đốc truyền thông chiến dịch tranh cử năm 2020 của Tổng thống Trump – cho biết: “Người nông dân rất yêu nước, đồng thời cũng hiểu phải có ai đó buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm. Họ hiểu kết quả cuối cùng của cuộc chơi kéo dài là điều gì đó tốt hơn cho ngành nông nghiệp”.
Mấu chốt vẫn nằm ở kinh tế. Nếu nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ thì Tổng thống Trump sở hữu bảng thành tích gây ấn tượng với cử tri, kể cả cử tri tại những bang thiệt hại vì thuế quan.
Còn một khi nền kinh tế suy yếu thì bảng thành tích bị bôi xấu, đem lại cơ hội cho đảng Dân chủ đánh bại ông Trump tại nhiều bang quan trọng như Iowa, Michigan, Minnesota, Pennsylvania và Wisconsi.
Cẩm Bình (theo Reuters)