Tại các nhà vườn ở huyện Trảng Bom, Định Quán, Thống Nhất và thị xã Long Khánh (Đồng Nai) giá chôm chôm chỉ có từ 2.000 – 6000 đồng/ 1 kg, trong khi đó tại TP.HCM trái cây này vẫn duy trì ở mức giá 15.000 – 25.000 đồng/ 1 kg dù chỉ cách tầm 60 km.
“Bèo bọt” 2.000 đồng/ kg
Hiện giá chôm chôm thường được nhiều nhà vườn tại Long Khánh (Đồng Nai) bán ra với giá chỉ từ 1.500 - 2.000 đồng/kg, còn loại Thái và nhãn có giá bán cao hơn, 6.000 - 7.000 đồng/kg.
|
Chôm chôm tại vườn ở Đồng Nai hiện được các thương lái thu mua chỉ với giá 1.500 - 2.000 đồng/ kg (Ảnh: Phan Diệu) |
Ông Nguyễn Đình Nhu (Long Khánh) cho rằng sở dĩ giá chôm chôm giảm mạnh, chỉ bằng nửa giá năm ngoái là do năm nay thời tiết thuận lợi, tỉ lệ đậu trái cao nên rất được mùa. Thời điểm đầu vụ, khoảng tháng 5, ông Nhu cho biết, chôm chôm nhãn được bán với giá 25.000 đồng/ kg, chôm chôm Thái là 20.000 đồng và chôm chôm thường là 15.000 đồng/ 1 kg.
“Lúc đó đầu mùa, chôm chôm không ngon nhưng bán được với giá cao lắm, nhưng lại không có mà bán. Giờ vào vụ, chôm chôm ngon hơn thì giá bèo bọt quá. Mà ai trồng chôm chôm nhãn với Thái thì đỡ, còn loại thường thì nói thiệt tui chả muốn hái mà bán nữa. Tính ra tiền bán ra đâu bằng được tiền công bỏ ra hái cả mấy sào chôm chôm, đó là chưa kể tiền công chăm bón với phân tro tùm lum nữa”, ông Nhu nói.
Giá chênh bất ngờ
Dù giá chôm chôm bán ra tại các nhà vườn rất thấp, tuy nhiên theo ghi nhận của Một Thế Giới, tại các chợ lẻ của TP.HCM, loại trái cây đặc sản này lại có giá tương đối cao. So với dịp đầu mùa, giá chôm chôm hiện đã giảm song ở mỗi địa điểm, thời gian khác nhau lại có giá chênh nhau đến bất ngờ.
|
Chôm chôm thường có giá phổ biến ở mức 10.000 đồng/ kg (Ảnh: Phan Diệu) |
Tại chợ đầu mối Thủ Đức, chôm chôm thường hiện có giá bán 5.000 đồng/ kg, còn chôm chôm nhãn là 12.000 đồng/ kg. Trong khi đó, tại các chợ lẻ, loại thường hiện giá 8.000 - 10.000 đồng/ 1kg, chôm chôm nhãn và Thái có giá cao hơn, phổ biến ở mức 20.0000 đồng – 25.000 đồng/ kg.
|
Các tiểu thương chia chôm chôm ra nhiều loại, chôm chôm thường thì để nguyên cành, còn loại nhãn và Thái thì chỉ bán trái (Ảnh: Phan Diệu) |
Theo một số tiểu thương tại chợ Cây Xoài (quận 2) do phải mất phí vận chuyển, bảo quản nên mới có giá chênh nhau như thế, dù khoảng cách từ các vựa chôm chôm này tới TP.HCM chỉ cách chừng 60 km.
Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho chôm chôm "Long Khánh"
Theo thông tin từ tỉnh Đồng Nai, hiện tại, địa phương này có trên 11.000 ha diện tích trồng chôm chôm, tập trung nhiều ở các huyện Trảng Bom, Định Quán, Thống Nhất và thị xã Long Khánh. Trong đó, chôm chôm vùng Long Khánh, có chất lượng trái ngon và giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, đến nay loại trái cây đặc sản này vẫn chưa có ưu thế cạnh tranh cao trên thị trường.
Không những vậy, năng suất và chất lượng chôm chôm hiện nay lại không ổn định. Thương hiệu chôm chôm vẫn chưa đủ mạnh nên khả năng cạnh tranh của loại trái cây này trên thị trường và khi xuất khẩu vẫn chưa cao. Do đó, cứ đến mùa thu hoạch, người nông dân tại đây lại gặp khó khi được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa.
|
Chôm chôm vùng Long Khánh, có chất lượng trái ngon và giá trị kinh tế cao (Ảnh: Phan Diệu) |
Trước tình trạng này, mới đây, Đồng Nai đã tiến hành xây dựng chỉ dẫn địa lý “Long Khánh” với diện tích trên 6.700 ha. Trong đó thị xã Long Khánh gần 2.500 ha, huyện Xuân Lộc trên 1.200 ha, huyện Thống Nhất gần 1.200 ha và huyện Cẩm Mỹ trên 1.000 ha. Số diện tích này sẽ là cơ sở lập hồ sơ đăng ký xác lập quyền chỉ dẫn địa lý Long Khánh cho chôm chôm nhãn và chôm chôm Java.
Theo tỉnh Đồng Nai, khi xây dựng chỉ dẫn địa lý, tỉnh này cũng sẽ ban hành hệ thống văn bản làm cơ sở cho hoạt động chỉ dẫn địa lý như: quy trình trồng và chăm sóc, bảo quản chôm chôm, xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, quảng bá và phát triển sản phẩm. Tiếp đến là thúc đẩy áp dụng triển khai thực tế.
Như vậy, với động thái trên, việc nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm chôm chôm Long Khánh là rất cần thiết.
Phan Diệu