Bộ Tài chính đã hoàn thành việc thanh tra tại 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, đang thanh tra 2 doanh nghiệp khác và từ nay đến cuối năm sẽ thanh tra tiếp 6 doanh nghiệp bảo hiểm.

Loạt doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tiếp tục vào 'tầm ngắm' thanh tra

Tuyết Nhung | 05/10/2023, 20:35

Bộ Tài chính đã hoàn thành việc thanh tra tại 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, đang thanh tra 2 doanh nghiệp khác và từ nay đến cuối năm sẽ thanh tra tiếp 6 doanh nghiệp bảo hiểm.

Thông tin trên được lãnh đạo Bộ Tài chính đưa ra tại buổi họp báo quý 3/2023 chiều nay (5.10). Cụ thể, liên quan đến việc thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, ông Doãn Thanh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết đơn vị này đã hoàn thành thanh tra 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là AIA và Dai-ichi.

anh-dai-dien.jpg
Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vào tầm ngắm thanh tra của Bộ Tài chính - Ảnh: IT

Hiện Bộ Tài chính đang thanh tra Manulife và một doanh nghiệp khác. Từ nay tới cuối năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm theo kế hoạch. Đối với việc thực hiện kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ mà Bộ Tài chính đã công bố ngày 30.6 vừa qua, theo ông Tuấn, cơ bản các doanh nghiệp chấp hành.

Tại kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm gồm Prudential, Sun Life, BIDV Metlife, MB Ageas, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã xác định hàng loạt sai phạm của các doanh nghiệp bảo hiểm như chưa triển khai đúng trình tự, thủ tục bán sản phẩm bảo hiểm...

Ngoài ra còn những sai phạm như: chưa đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, chưa thu thập chính xác thông tin của khách hàng trong quá trình tư vấn sản phẩm. Đặc biệt là nhân viên ngân hàng - đại lý bảo hiểm chưa thực hiện đúng quy định về sử dụng mã số đại lý bảo hiểm.

Bộ Tài chính yêu cầu 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bổ sung hàng trăm tỉ đồng vào doanh thu để tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Số tiền này do doanh nghiệp hạch toán chi phí chưa đúng quy định. Theo đó, số tiền mà Prudential phải bổ sung vào thu nhập chịu thuế là 700 tỉ đồng, còn Sun Life là hơn 600 tỉ đồng, BIDV Metlife là 174 tỉ đồng…

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 117.000 tỉ đồng, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp bảo hiểm có tổng tài sản 868.700 tỉ đồng, đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 725.100 tỉ đồng, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 35.700 tỉ đồng.

Trả lời tại một cuộc họp báo của Chính phủ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết năm 2023 Bộ Tài chính đã có kế hoạch thanh tra, kiểm tra 10 công ty bảo hiểm, gồm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Việc thanh tra, kiểm tra sẽ tập trung vào nội dung liên kết kinh doanh của công ty bảo hiểm và ngân hàng thương mại.

Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, rà soát các tổ chức tín dụng, bảo hiểm để thị trường đảm bảo hoạt động đúng quy định pháp luật, quyền lợi các tổ chức cá nhân và đơn vị kinh doanh bảo hiểm.

Được biết, từ cuối năm 2022, bộ đã tiến hành thanh tra hoạt động bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là Prudential, Sun Life, MB Ageas và BIDV Metlife.

Kết quả công tác thanh tra cho thấy việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều vi phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của đại lý bảo hiểm cá nhân, nhân viên ngân hàng. Một số hành vi vi phạm điển hình như: không tư vấn trực tiếp cho khách hàng, hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp bảo hiểm; không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm.

Ngoài ra, còn một số vi phạm, như: cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng ipad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin và không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn.

Các vi phạm của đại lý sẽ được Bộ Tài chính xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, qua thanh tra, Bộ Tài chính cũng đã phát hiện và xử lý các khoản chi phí cho hoạt động đại lý không đúng quy định pháp luật.

Căn cứ kết quả thanh tra, Bộ Tài chính đã yêu cầu 4 doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh toàn diện đối với hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm có biện pháp kiểm soát tình hình hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm và an toàn tài chính của doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì doanh nghiệp bảo hiểm phải chuyển ngay hồ sơ, tài liệu đến cơ quan điều tra để xử lý theo quy định pháp luật.

Bài liên quan
Bộ Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiểm tra doanh nghiệp tại TP.HCM
Đêm 6.9, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam thông tin, BHXH Việt Nam và Bộ Công an sẽ tổ chức đợt kiểm tra liên ngành trong tháng 9 về việc chấp hành pháp luật đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Loạt doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tiếp tục vào 'tầm ngắm' thanh tra