Theo số liệu do Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 27.10 thì lợi nhuận tháng 9 của các doanh nghiệp công nghiệp nước này có mức giảm sâu nhất trong 4 năm.
Lợi nhuận công nghiệp tháng 8 giảm 2%, đến tháng 9 lại giảm đến 5,3% so với năm ngoái. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế thứ hai thế giới đang gặp rắc rối lớn vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Tính cả 9 tháng năm nay lợi nhuận gộp giảm 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó lợi nhuận doanh nghiệp quốc doanh giảm 9,6%; lợi nhuận doanh nghiệp tư nhân tăng 5,4%; lợi nhuận doanh nghiệp có vốn nước ngoài và nhà đầu tư Hồng Kông giảm 4,2%.
Xét theo ngành, lợi nhuận từ dầu mỏ, than đá và chế biến nhiên liệu khác trong 9 tháng giảm 53,5% so với năm trước; lợi nhuận từ chế biến kim loại màu giảm 41,8%; lợi nhuận sản xuất ô tô giảm 16,6%; lợi nhuận dệt may giảm 4,3%; lợi nhuận ngành sản xuất giảm 3,9%.
NBS xác định lợi nhuận tháng 9 sụt giảm là do giá sản phẩm giảm nhanh, cộng thêm việc doanh số bán hàng tăng trưởng chậm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc quý 3 chỉ có 6% – thấp nhất từ năm 1992 đến nay, bất chấp chính quyền thực hiện nhiều biện pháp kích thích.
Hàng loạt số liệu kinh tế gần đây phô bày thiệt hại mà Trung Quốc phải hứng chịu trong thương chiến. Giới doanh nghiệp hy vọng Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ký kết thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” nhân dịp sang Chile dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11 tới, qua đó cứu vãn tình hình u ám hiện tại.
Tuần qua giới chức Bắc Kinh cam kết mua 40 - 50 tỉUSD nông sản Mỹ, đồng thời mở cửa hơn nữa thị trường tài chính, đổi lại phía Washington hoãn kế hoạch tăng thuế ngày 15.10. Tuy nhiên quốc gia châu Á vẫn đối mặt với nguy cơ 160 tỉUSD hàng hóa bị đánh thuế 15% từ ngày 15.12.
Cẩm Bình (theo SCMP)