Nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc tại cảng Cát Lái, Tổng cục Hải quan đã có công văn hướng dẫn thủ tục hải quan tạm thời trong giai đoạn giãn cách do dịch COVID-19.

Lối ra cho hàng ùn tắc tồn đọng tại cảng Cát Lái giai đoạn COVID-19

Lam Thanh | 03/08/2021, 11:52

Nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc tại cảng Cát Lái, Tổng cục Hải quan đã có công văn hướng dẫn thủ tục hải quan tạm thời trong giai đoạn giãn cách do dịch COVID-19.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đặc biệt việc giãn cách xã hội hàng hóa nhập khẩu tại cảng Cát Lái có chiều hướng quá tải, Tổng cục Hải quan đã ra văn bản hướng dẫn thủ tục hải quan tạm thời trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, cho phép vận chuyển hàng hóa đang lưu giữ tại cảng Cát Lái đến cảng biển khác trên địa bàn TP.HCM và các cảng cạn ICD, với điều kiện hàng hóa không thuộc danh mục hàng nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập theo quy định tại Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ; hàng hóa chưa đăng ký tờ khai nhập khẩu; hàng không có dấu hiệu nghi vấn, vi phạm trong diện các cơ quan chức năng theo dõi, kiểm tra theo thông báo của cơ quan hải quan; vận chuyển toàn bộ lô hàng, thuộc cùng một vận tải đơn, cùng một chủ hàng, về cùng một địa điểm lưu giữ hàng hóa.

cat-lai-2.jpg
Tìm lối ra cho hàng hóa tại cảng Cát Lái

Hàng hóa được vận chuyển đến cảng biển, cảng ICD để lưu giữ quy định: hàng nhập khẩu của doanh nghiệp Đồng Nai được chuyển về ICD Tân Cảng Long Bình hoặc ICD Tân Cảng Nhơn Trạch. Hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiêp tại tỉnh Bình Phước được vận chuyển về ICD Tân Cảng Sóng Thần. Hàng nhập khẩu của doanh nghiệp các tỉnh miền Tây được vận chuyển về Tân Cảng Hiệp Phước.

Thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại điều 51b Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018TT-BTC ngày 20.4.2018 của Bộ Tài chính. Theo đó, Cục Hải quan TP.HCM chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan các tỉnh thành, các đơn vị khác liên quan quản lý, giám sát chặt chẽ đối với từng lô hàng khi bắt đầu vận chuyển từ cảng Cát Lái đến khi doanh nghiệp nhập khẩu hoàn thành thủ tục hải quan lấy hàng ra khỏi địa điểm lưu giữ.

Việc quản lý, theo dõi, giám sát, báo cáo tình trạng hàng hóa do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và doanh nghiệp quản lý địa điểm có hàng hóa vận chuyển đến chịu trách nhiệm quản lý.

Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chịu mọi chi phí vận tải, lưu giữ đối với các lô hàng tồn đọng từ khi vận chuyển từ cảng Cát Lái đến cảng Tân Cảng Hiệp Phước và đến khi hoàn thành việc xử lý hàng tồn đọng, thời gian áp dụng phương án giải quyết việc lưu giữ, giám sát hàng hóa tồn đọng thực hiện đến hết ngày 31.12.2021.

Tổng cục Hải quan cho rằng việc ban hành văn bản hướng dẫn thủ tục hải quan tạm thời trong giai đoạn áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thể hiện tính kịp thời trong hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc vấn đề hàng hóa đang ùn ứ tại cảng Cát Lái; đồng thời, giúp doanh nghiệp giảm tải hàng hóa lưu giữ tại cảng, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thông quan hàng hóa, đảm bảo lưu thông hàng hóa, duy trì chuỗi cung ứng, sản xuất cho doanh nghiệp, cùng cả nước chung tay vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Hiện tổng hàng tồn ở cảng Cát Lái đến thời điểm này là 106.717 TEU, chiếm 86% dung lượng bãi, trong đó cảng lo ngại hàng nhập tồn lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sản xuất. Hiện nay, hàng nhập tồn 50.872 TEU (1 TEU = 1 container 20 feet, bình quân trọng lượng khoảng 15 tấn) chiếm 95% dung lượng thiết kế. Đặc biệt có 6.544 TEU hàng tồn trên 90 ngày, cảng đã xin cơ chế chuyển đi lưu trữ ở các cơ sở khác nhưng chưa được hải quan đồng ý.

Hàng xuất: 30.000 TEU chiếm 76% dung lượng thiết kế. Còn lại là rỗng. Dự kiến 2 tuần tới, tổng tồn bãi tăng khoảng 5% lên mức 115.000 TEU, chiếm khoảng 91% dung lượng thiết kế. Trong đó lượng nhập tồn bãi sẽ tăng khoảng 5% lên mức 53.500 TEU (chiếm 100% dung lượng thiết kế hàng nhập). Hàng xuất sẽ vẫn duy trì tồn như hiện nay chiếm 76% dung lượng thiết kế.

Nhiều doanh nghiệp không hoạt động sản xuất được và đã tạm dừng hoạt động do không thể thực hiện được 3 tại chỗ theo quy định của UBND một số tỉnh thành phía nam như Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM... dẫn đến tình trạng hàng hóa tồn đọng tại một số cảng biển.

Việc lưu thông hàng hóa tại cảng Cát Lái giảm mạnh, khiến lượng hàng tồn tại cảng này tăng cao. Trước tình trạng đó, ngày 26.7, Cục Hải quan TP.HCM đã báo cáo Tổng cục Hải quan và đề xuất hàng hóa có cảng đích là Cát Lái thì được vận chuyển về các địa điểm thông quan trung gian trước khi làm thủ tục thông quan, được thực hiện bằng hình thức vận chuyển độc lập hoặc bằng biên bản bàn giao giấy giữa các cục.

Tuy nhiên việc triển khai thực hiện có một số vướng mắc khách quan. Cụ thể, theo quy định tại điều 50 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20.4.2018 có quy định các trường hợp mở tờ khai vận chuyển kết hợp và trường hợp mở tờ khai vận chuyển độc lập. Do vậy, các địa điểm thông quan trung gian không thể hiện trên vận đơn nên không có cơ sở để vận chuyển hàng hóa chưa làm thủ tục hải quan từ cảng Cát Lái về các địa điểm trung gian theo đề nghị của doanh nghiệp.

Trước tình hình đó, Cục Hải quan TP.HCM đề xuất Tổng cục Hải quan kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn được vận chuyển hàng tồn đọng quá 90 ngày từ cảng Cát Lái về cảng Tân Cảng Hiệp Phước để lưu giữ và chờ làm thủ tục để giảm tải cho cảng Cát Lái. Đồng thời cần cho phép Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn thuê các cảng thuộc địa bàn TP.HCM (cảng SP-ITC, cảng Vict, cảng Lotus, cảng Tân Thuận...) để lưu giữ hàng hóa nhằm giảm tải cho cảng Cát Lái trong thời gian dịch bệnh COVID-19 phức tạp tại khu vực phía nam. Ngoài ra, cần cho phép Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn được lưu giữ tạm thời hàng hóa nhập khẩu tại cảng dỡ hàng Cái Mép để chờ làm thủ tục vận chuyển độc lập về cảng đích là cảng Cát Lái mà không xử phạt vi phạm hành chính quá thời hạn làm thủ tục hải quan khi doanh nghiệp đãng ký tờ khai.

Cục Hải quan TP.HCM đã triển khai quán triệt đến tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức thực hiện thủ tục hải quan 24/7 tại cảng Cát Lái, bảo đảm hàng hóa được làm thủ tục thông quan cả ngày lẫn đêm. Trước mắt, Cục Hải quan TP.HCM cũng đã chủ trì thống nhất với các cơ quan chuyên ngành cho phép doanh nghiệp nộp bản chứng thư scan bằng đường điện tử trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 và bổ sung bản gốc sau để hạn chế người đến cảng làm thủ tục.

Bài liên quan
Đồng Nai “giục” TP.HCM nhanh làm cầu Cát Lái
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho rằng để liên kết vùng hiệu quả, TP.HCM trước tiên cần xây dựng cầu Cát Lái qua sông Đồng Nai để kết nối hai địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lối ra cho hàng ùn tắc tồn đọng tại cảng Cát Lái giai đoạn COVID-19