1tg - “Trước khi đoàn kiểm tra xuất hiện thì các phương tiện khai thác đất đều ngưng hoạt động. Khi đoàn kiểm tra đi về thì hoạt động khai thác lại tiếp diễn, nên người dân nghi ngờ có bảo kê”, ông B. nói.

Long An: Đào hầm trên ruộng, khai thác đất trái phép rầm rộ giữa ban ngày

Thanh Anh | 05/10/2020, 09:03

1tg - “Trước khi đoàn kiểm tra xuất hiện thì các phương tiện khai thác đất đều ngưng hoạt động. Khi đoàn kiểm tra đi về thì hoạt động khai thác lại tiếp diễn, nên người dân nghi ngờ có bảo kê”, ông B. nói.

Đào hầm trên ruộng lúa 

Cuối tháng 9.2020, ông Phạm Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An đã ký công văn yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Long An, Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng, kiểm tra giải quyết theo thẩm quyền đối với thông tin chính quyền làm ngơ trước tình trạng khai thác đất đất trái phép trên địa bàn huyện Tân Hưng. Ông yêu cầu chậm nhất là ngày 15.10 báo cáo kết quả về UBND tỉnh.

Sở dĩ UBND tỉnh Long An ban hành công văn này vì thời gian qua, tình trạng khai thác trái phép đất trồng lúa diễn ra rầm rộ với quy mô lớn trên địa bàn 2 xã Hưng Điền, Hưng Điền B của huyện biên giới Tân Hưng, khiến dư luận người dân rất bức xúc. Tại xã Hưng Điền tình trạng các đầu nậu đưa máy ủi, máy xúc, xe tải… vào khai thác đất ruộng để bán diễn ra rầm rộ trên địa bàn ấp Ba Gò.

Theo ghi nhận, khu vực ấp Ba Gò có 5 hộ dân đã bán đất ruộng gồm đất của ông H.V.L (diện tích hơn 15.700m2, đã bán khoảng 9.500m2), ông P.V.P (diện tích hơn 24.000m2, đã bán khoảng 11.500m2), ông B.V.G (diện tích hơn 14.500m2, đã bán hơn 6.000m2), ông N.C.L (diện tích gần 17.000m2, đã bán 1.500m2), ông P.V.T (diện tích hơn 9.000m2, đã bán khoảng 2.300m2). Tất cả các khu đất đã được bán đều bị các phương tiện đào lấy hết đất ở độ sâu từ 2 mét đến hơn 3 mét, chở đi nơi khác.

1.jpg
Các hầm đất sâu 2 mét đến hơn 3 mét sau khi bị khai thác đất trái phép - Ảnh: Thanh Anh

Theo ông N.V.B., người dân ở xã Hưng Điền tình trạng hàng chục phương tiện cơ giới hạng nặng đào hầm lấy đất chở đi nơi khác diễn ra công khai giữa ban ngày. Khi người dân thắc mắc, các chủ đất và đầu nậu mua đất giải thích: đào đất để cải tạo ao hầm nuôi cá tra. Nhưng trên thực tế những khu đất bị đào hầm lấy đất đều là đất trồng lúa.

“Tui nghe thông tin họ mua đất để đào hầm với giá 500 triệu đồng/héc-ta, lấy đất từ mặt ruộng xuống độ sâu 2m đến hơn 3m để đem về sản xuất gạch, nhưng các đầu nậu chở đất đi đâu thì người dân không biết. Sau khi lấy đất, các đầu nậu trả lại các hầm sâu cho chủ đất muốn làm gì thì làm. Nhưng theo tui, mấy cái hầm sâu 2-3m sẽ có nước rất lạnh, không thể nuôi được cá, bởi các ao nuôi cá trên mặt ruộng chỉ có độ sâu từ 1-1,5m là hết mức”, ông B. cho biết.

Trong khi đó ở xã Hưng Điền B tình trạng khai thác đất trái phép cũng diễn ra tương tự như ở ấp Ba Gò của xã Hưng Điền, nhưng chưa có con số thống kê chính xác. Nhiều người dân ở xã Hưng Điền B cho biết, họ nghe nói đất ruộng được các đầu nậu đưa về cung cấp cho các lò gạch ở tỉnh An Giang để sản xuất gạch.

Điều đáng lưu ý là từ cuối năm 2017, UBND tỉnh Long An đã ban hành chỉ thị số 21 về việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh, trong đó có đất mặt ruộng đang trồng lúa. Tại chỉ thị này, UBND tỉnh Long An quy định trách nhiệm kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm khai thác khoáng sản trái phép thuộc về chính quyền địa phương. Nếu trên địa bàn xã nào xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép thì Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch UBND huyện, còn Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Mặc dù vậy, tình trạng ngang nhiên mua bán, đào hầm khai thác đất ruộng trái phép công khai giữa ban ngày ở Hưng Điền, Hưng Điền B của huyện Tân Hưng chẳng khác nào hành vi thách thức dư luận, pháp luật, khiến người dân rất bất bình. Không ít người dân đã đặt câu hỏi: phải chăng có sự “bảo kê của ai đó” mà các đầu nậu mới dám lộng hành đưa rất nhiều phương tiện cơ giới hạng nặng công khai đào hầm trên ruộng lúa, lấy đất chở đi nơi khác mà không bị sự kiểm tra, ngăn chặn nào từ các cấp chính quyền địa phương?

Không có bảo kê sao biết trước sẽ kiểm tra?

Điều lạ lùng là khi PV liên hệ với các địa phương xảy ra tình trạng đào hầm khai thác đất ruộng trái phép để hỏi thông tin thì nơi nào cũng thoái thác trả lời. Trong khi đó ông B. cho biết, người dân đặt vấn đề các đầu nậu khai thác đất có “bảo kê” là hoàn toàn có cơ sở.

Ông B. kể, cứ mỗi lần người dân có ý kiến phản ánh thì UBND huyện, UBND xã đều thành lập đoàn kiểm tra xuống hiện trường. Nhưng chuyện kỳ lạ nhất là trước khi các đoàn kiểm tra xuất hiện thì tất cả các phương tiện xe máy cơ giới đều rút đi khỏi khu vực khai thác đất, đoàn kiểm tra chỉ xuống nhìn ngó, ghi nhận thực tế rồi ra về. Tuy nhiên, sau khi các đoàn kiểm tra ra về không lâu thì lực lượng xe, máy cơ giới lại xuất hiện, tiếp tục đào hầm trên ruộng, lấy đất chở đi nơi khác.

“Theo tui nghĩ nếu không có chuyện thông tin rò rỉ từ đâu đó về việc sẽ có đoàn kiểm tra thì sẽ không có chuyện các phương tiện khai thác đất biết trước để rút đi, ngưng hoạt động. Hơn nữa các đoàn xe tải chở đất chạy ầm ầm công khai giữa ban ngày ban mặt trong thời gian dài, xe nào cũng chở quá tải, dân chúng ai cũng thấy, cũng biết, mà không chiếc xe nào bị chặn dừng, kiểm tra, xử lý, thì đó là điều rất không bình thường. Vì vậy người dân nghi ngờ chuyện “bảo kê” là đúng”, ông B. nói.

3(2).jpg
Hầm ngổn ngang trên mặt ruộng - Ảnh: Thanh Anh

Theo thông tin PV có được, gần đây do dư luận liên tiếp phản ứng gay gắt tình trạng khai thác đất trái phép nên UBND huyện Tân Hưng buộc phải thành lập đoàn kiểm tra đột xuất và bắt giữ được 28 phương tiện đang khai thác đất trái phép trên địa bàn xã Hưng Điền. Các xe cơ giới hạng nặng bị bắt giữ gồm 13 xe ô tô tải, 12 máy đào đất Kobe, 1 máy ủi đất và 2 chiếc phà dùng để chở máy Kobe.

Sau đó UBND huyện Tân Hưng đã giao cho Phòng Tài nguyên - Môi trường, Công an huyện mời các đầu nậu khai thác đất trái phép để làm việc. Tuy nhiên theo thông tin từ các cơ quan hữu trách, các phương tiện khai thác đất trái phép bị bắt giữ chỉ dừng ở mức... đang được xem xét xử lý vi phạm hành chính.

Theo ông B. sau khi bị dư luận phản ứng gay gắt và 28 phương tiện bị bắt giữ, mấy ngày qua tình hình khai thác đất trái phép ở Tân Hưng không còn công khai, rầm rộ như trước, nhưng vẫn diễn ra lén lút. Trong khi đó thông tin từ UBND huyện Tân Hưng cho biết, hiện tại UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện đến kiểm tra tình hình khai thác đất trái phép ở Hưng Điền, Hưng Điền B để tiếp tục xử lý.

Ngày 19.8, tại Đại hội Đảng bộ huyện Tân Hưng, tỉnh Long An lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ông Hoàng Văn Sinh, phó bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND huyện, đã không trúng cử vào Ban chấp hành Đảng bộ huyện. Ông Hoàng Văn Sinh sinh năm 1965, dù có tỉ lệ phiếu bầu quá bán (62%), tuy nhiên lại có tỉ lệ phiếu thấp hơn 38 trường hợp được bầu chọn trên và không trúng cử vào Ban chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
25 phút trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Long An: Đào hầm trên ruộng, khai thác đất trái phép rầm rộ giữa ban ngày