Vậy là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 1 đã khép lại với rất nhiều ý kiến của dư luận. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ muốn góp thêm vài ý kiến liên quan đến đề thi môn Ngữ văn.
Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được đa số ý kiến đánh giá cao. Buổi thi môn Ngữ văn vừa kết thúc, lập tức có hàng loạt bài viết trên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng cũng như nhiều chia sẻ trên mạng xã hội bày tỏ thích thú với đề thi này. Đặc biệt, số đông cho rằng câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh viết về chủ đề “Trân trọng cuộc sống mỗi ngày” là một gợi ý hay, phù hợp với bối cảnh hiện tại trong nước và thế giới.
Ngoài ra, đoạn trích trong chương V trường ca “Mặt đường khát vọng” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm được đưa vào đề thi đề cao tư tưởng “Đất nước của nhân dân” cũng được đa số ý kiến đồng tình. Không thể phủ nhận đó là một phân đoạn hay trong đoạn trích “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Hơn nữa, tư tưởng mà nhà thơ đề cao thể hiện một tầm nhìn lớn, luôn phù hợp trong mọi thời đại, với mọi dân tộc. Mặc dù tư tưởng “Đất nước của nhân dân” trước đó đã có nhiều tác giađề cập đến,điển hình là Nguyễn Trãi,songNguyễn Khoa Điềm vẫn có đóng góp mới khi chú trọng ngợi ca những “anh hùng vô danh”, những người “Không ai nhớ mặt đặt tên/Nhưng họ đã làm ra đất nước”.
Cho thí sinh phân tích tư tưởng, giá trị của đoạn trích “Đất nước” mà đề thi Ngữ văn trích dẫn, ngoài việc góp phần để các em cảm nhận được cái hay, cái đẹp của văn chương thì đây còn là cách gián tiếp giáo dục tư tưởng cho các em, giúp các em biết trân trọng sự hy sinh của bao thế hệ cha ông, từ đó ra sức gìn giữ, dựng xây và phát triển đất nước. Nhìn ở các phương diện ấy, có thể nhận thấy đề thi Ngữ văn năm nay đã phần nào đáp ứng được kỳ vọng của thí sinh, phụ huynh cũng như xã hội.
Tuy nhiên, nếu xem xét kỹthì đề thi Ngữ văn năm nay vẫn có những vấn đề khiến ta phải trăn trở. Trước hết, cấu trúc đề thi chia làm 2 phần chính: phần Đọc hiểu chiếm trọng số điểm là 3/10,phần Làm văn chiếm trọng số điểm là 7/10. Trong phần Đọc hiểu có 4 câu hỏi nhỏ, lần lượt có thang điểm là 0,5; 0,75; 0,75; 1điểm. Phần Làm văn gồm 2 câu hỏi: câu nghị luận xã hội chiếm 2điểm; câu nghị luận văn học chiếm 5điểm. Đây cũng là cấu trúc đề quen thuộc đã được Bộ GD-ĐT sử dụng nhiều năm nay.
Tuy nhiên, bản thân tôi cảm thấy phần Đọc hiểu vẫn còn hiện diện trong 1 đề thi Ngữ văn dành cho học sinh lớp 12 là không hợp lý. Theo đề thi Ngữ văn năm naythì thí sinh được cho một đoạn văn ngữ liệu, các emchỉ đọc đoạn văn đó và trả lời các câu hỏi liên quan. Tôi nghĩ mộthọc sinh đã học xong chương trình phổ thông 12 năm thì việc đọc và hiểu một đoạn văn thông thường được viết bằng tiếng Việt là điều quá hiển nhiên. Các em đã sử dụng tiếng Việt từ nhỏ, đã học tiếng Việt từ lớp 1 đến giờ, vậy mà vẫn yêu cầu các em đọc hiểu là điều quá phi lý.
Lẽ ra kiểu đề như thế này chỉ nên dành cho các em học sinh ở bậc tiểu học, khi các em mới tập nhận diện chữ viết tiếng Việt, tập làm quen bóc tách các câu, các ý trong văn bản ra để trả lời câu hỏi tương ứng. Hoặc giả, người ta chỉ nên cho kiểu đề đọc hiểu với dạng đề thi ngoại ngữ, khi người làm nóhọc tiếng Việt như một ngôn ngữkhác ngoài tiếng mẹ đẻ của họ.
Nó cũng tương tự như người Việt chúng ta dự thi các kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh, sẽ có 1 văn bản tiếng Anh yêu cầu chúng ta đọc và trả lời câu hỏi đểkiểm tra kỹ năng đọc. Vậy mà, không hiểu tại sao trong 1 kỳ thi lớn dành cho các em học sinh Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, Bộ GD-ĐT vẫn năm này qua năm khác cho đề yêu cầu “đọc hiểu” tiếng Việt.
Chưa kể đến, trong đề thi Ngữ văn năm nay, câu hỏi số 2 trong phần Đọc hiểu là: “Theo đoạn trích, các loài thực vật ở vùng Tsunoda thuộc Bắc cực sinh trưởng như thế nào giữa mùa hè ngắn ngủi?”. Tuy nhiên, trong đoạn ngữ liệu của đề thi lại có sẵn 1 câu như sau: “Chẳng hạn tại vùng Tsunoda thuộc Bắc cực, giữa mùa hè ngắn ngủi, các loài thực vật đua nhau nẩy mầm, nở thật nhiều hoa, kết hạt, chen chúc vươn mình trong khoảng không với mảnh đời thật ngắn ngủi”.
Như vậy, thí sinh chỉ cần sao chép gần như y nguyên câu văn trong đoạn ngữ liệu vào bài làm, các em sẽ được trọn vẹn số điểm của câunày. Chắc chắn rằngchỉ cần 1 học sinh biết đọc tiếng Việt thì hoàn toàn có thể làm được. Vậy mà câu hỏi như thế lại nằm trong đề thi Ngữ văn dành cho học sinh lớp 12?
Ở phần nghị luận xã hội, đề yêu cầu thí sinh dựa vào ngữ liệu của phần Đọc hiểu để viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của bản thân các em về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày. Đây cũng là hình thức đặt yêu cầu xuất hiện trong đề thi Ngữ văn nhiều năm nay. Nhìn thoáng qua, tưởng chừng như câu hỏi rất gợi mở để thí sinh tha hồ trình bày quan điểm cá nhân. Tuy nhiên, rõ ràng trong trường hợp này, các em hầu như khó có thể đột phá trong cách đưa ra chính kiến của mình,bởiđoạn văn ngữ liệu trong đề thi gần như là một kiểu “chim mồi” khiến các em phải viết theo quan điểm đó.
Thử hỏi, trong đoạn ngữ liệuđã viết: “Vậy thì loài người chúng ta lại càng phải biết trân trọng cuộc sống mỗi ngày để không thua kém cỏ cây muông thú”thì còn thí sinh nào dám trình bày quan điểm khác hay không? Hay các em chỉ cần viết nương theo, dựa theo những gì đã có trong đoạn văn mà đề thi cung cấp để lấy điểm một cách an toàn? Nói cách khác, đề thi có vẻ như theo hướng cởi mở tư duy cho thí sinhnhưng thực chất là đóng kín.
Phần nghị luận văn học, như tôi đã đề cập, việc yêu cầu phân tích tư tưởng “Đất nước của nhân dân” trong “Đất nước”được coi như một điểm sáng của đề thi Ngữ văn năm nay. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần xem xét thêm vài khía cạnh khác. Trước hết, tác phẩm văn chương là một chỉnh thể trọn vẹn về nội dung tư tưởng lẫn hình thức. Vậynếu chỉ cắt ra một phầnnhỏ của chỉnh thể ấy thì đánh giá liệu có phiến diện hay không? Có được bao nhiêu thí sinh biết đặt đoạn trích trong đề thi vào chỉnh thể chung của trường ca “Mặt đường khát vọng” để bình phẩm, hay các em chỉ có thể phân tích như kiểu “thầy bói mù xem voi”? Vấn đề này thiết nghĩ những người biên soạn đề thi phải lưu tâm.
Khi chúng tôi lật lại đề thi môn Ngữ văn của những năm trước, có một điều thú vị là từ năm 2013 trở lại đây, nếu năm nào Bộ GD-ĐT cho thơ ở câu nghị luận văn học, câu hỏi chiếm trọng số điểm lớn nhất của đề thi, thì đó chính là “Đất nước” (Nguyễn Khoa Điềm). Cụ thể, năm 2013 đề thi Ngữ văn cho đoạn trích “Đất nước”. Từ năm 2014, 2015 đến 2016 đề thi cho văn xuôi. Năm 2017, đề thi cho thơ và đó chính là đoạn trích “Đất nước”. Năm 2018 và năm 2019 đề thi cho văn xuôi. Đến năm nay, đề thi cho thơlại là “Đất nước”.
Được biết, trong chương trình Ngữ văn 12 hiện hànhcó nhiều tác phẩm thơ đặc sắc, điển hình như “Tây tiến” (Quang Dũng), “Sóng” (Xuân Quỳnh), “Đàn ghi ta của Lor-ca” (Thanh Thảo)... Thế nhưng không hiểu vì ngẫu nhiên hay hữu ý mà “Đất nước” (Nguyễn Khoa Điềm) lại xuất hiện một cách “độc tôn” trong đề thi Ngữ văn nhiều năm như thế.
Ngữ văn khôngchỉ là một môn học, nó còn là nghệ thuật. Việc dạy và học hiệu quả môn Ngữ văn trong nhà trường có đóng góp quan trọng đối với quá trình phát triển ngôn ngữ, hình thành năng lực cảm thụ cái hay cái đẹp, bồi đắp tư tưởng nhân văn cho người học. Thế nhưng, cách dạy học theo kiểu đối phó với các kỳ thi như hiện nay, với cái cách ra đề thi như hiện nay, chúng ta thật khó để kỳ vọng về sự khởi sắc của môn Ngữ văn.
Trương Chí Hùng