Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, luật sư Kiều Anh Vũ - Công ty Luật KAV Lawyers thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, những hành vi của Công ty CP Con Cưng được phản ánh cho thấy có dấu hiệu gian lận thương mại, vi phạm nhiều quy định của pháp luật.

Luật sư nhận định về việc hàng hóa của Con Cưng bị tráo tem nhãn

Trí Lâm | 24/07/2018, 05:46

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, luật sư Kiều Anh Vũ - Công ty Luật KAV Lawyers thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, những hành vi của Công ty CP Con Cưng được phản ánh cho thấy có dấu hiệu gian lận thương mại, vi phạm nhiều quy định của pháp luật.

Liên quan đến việc nhiều sản phẩm đang được bày bán tại chuỗi cửa hàng bán sản phẩm dành cho mẹ và bé Con Cưng bị nghi ngờ là hàng giả, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã tiến hành kiểm tra một số cửa hàng và phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm về xuất xứ, nguồn gốc tại các sản phẩm thuộc hệ thống.

Cụ thể, loạt hàng quần áo dành cho bé tại cửa hàng số 78 Tôn Thất Tùng (phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM) có in nhãn hiệu CF cùng xuất xứ “Made in Thailand” bị phát hiện không có gắn tem, mác nguồn gốc, xuất xứ theo đúng quy định. Nhãn mác không được may liền vào sản phẩm như thông thường mà treo rời vào móc, dễ dàng tháo gỡ, không liên quan gì đến sản phẩm.

Không chỉ quần áo, các mặt hàng mỹ phẩm bày bán tại cửa hàng cũng bị phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường.

Trao đổi với phóng viên báo điện tửMột Thế Giớivề vấn đề này, luật sư Kiều Anh Vũ -Công ty Luật KAV Lawyers thuộcĐoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, những hành vi của Con Cưng được phản ánh cho thấy có dấu hiệu gian lận thương mại, vi phạm nhiều quy định của pháp luật.

Theo ông Vũ, gian lận thương mại có thể hiểu là hành vi gian dối, lừa dối trong lĩnh vực thương mại thông qua hoạt động mua, bán, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thu lợi bất chính.

Về việc sản phẩm bị lỗi, tem nhãn có dấu hiệu bị cắt và thay thế mà người tiêu dùng phản ánh thì đó là hành vi có dấu hiệu vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Cạnh tranh.

Theo đó, ông Vũ cho rằng người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.

“Luật cũng nghiêm cấm hành vi lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp”, ông Vũ nói.

Luật Cạnh tranh cũng quy định hành vi đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về xuất xứ hàng hóa, người sản xuất, nơi sản xuất, người gia công, nơi gia công… là hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh.

Còn theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15.11.2013 của Chính phủ, thương nhân thực hiện hành vi che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng theo quy định bị phạt tiền 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh từ 1 tháng đến 6 tháng hoặc đình chỉ hoạt động từ 1 tháng đến 6 tháng.

Theo khoản 2, khoản 3 Điều 33 Nghị định 71/2014/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh thì vi phạm nêu trên có thể bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, tùy tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội lừa dối khách hàng; tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Theo luật sư Vũ, người tiêu dùng cũng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Do đó, đối với khách hàng đã mua phải sản phẩm bị lỗi, khách hàng có quyền khiếu nại, tố cáo và doanh nghiệp vi phạm phải đổi lại sản phẩm đúng như thỏa thuận và phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI, hàng thay mác tức là hàng giả, không tranh cãi. Người tiêu dùng phải mua hàng giả là không chấp nhận được. Con Cưng chỉ có một giải pháp duy nhất là công khai bản chất các công đoạn hình thành sản phẩm này.

“Nếu công ty cố tình gây ra lỗi, vi phạm pháp luật thì phải khởi tố hình sự. Nếu đây là lỗi của nhà cung cấp thì Con Cưng phải khởi kiện nhà cung cấp tội lừa đảo và cơ quan pháp luật cần vào cuộc làm rõ vụ này”, ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, trước mắt, tất cả những sản phẩm này phải được thu hồi và trả lại tiền cho khách hàng. “Tiền rất quý nhưng không thể làm như vậy! Ðây là quan điểm xuyên suốt và không có ngoại lệ”, ông Hưng cho hay.

Con Cưng nói gì về sai phạm của mình?

Như tin đã đưa, ông Trương Đình Công Vĩnh (ngụ tại P.14, Q.Tân Bình, TP.HCM) mua sản phẩm cho em bé ở một siêu thị thuộc hệ thống của Công ty CP Con Cưng (Con Cưng) tại địa chỉ 788 Âu Cơ (P.14, Q.Tân Bình) và phát hiện một bộ quần áo màu hồng dành cho bé gái, mã sản phẩm CF G127011, trị giá 329.000 đồng có dấu hiệu bị cắt nhãn cũ và thay thế bằng nhãn CF (Con Cưng Fashion - NV), ghi xuất xứ từ Thái Lan.

Ông Vĩnh nghi ngờ các sản phẩm này có thể là hàng giả từ phía công ty Thái Lan hoặc do Con Cưng nhập hàng giả về xong tự gắn mác thương hiệu vào. Ông Vĩnh đã đến cửa hàng lập biên bản trả hàng, đồng thời gửi khiếu nại đến Cục Quản lý thị trường và Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) về trường hợp của chuỗi cửa hàngnày.

Trong thông báo mới nhất, phía Con Cưng khẳng định toàn bộ sản phẩm nằm trong lô hàng mà ông Trương Đình Công Vĩnh phản ánh được sản xuất tại Thái Lan, sử dụng 100% nguyên phụ liệu có nguồn gốc xuất xứ từ Thái Lan và các nước ASEAN.

Sau khi nhận được phản ánh của khách hàng, công ty đã ngay lập tức làm việc với nhà sản xuất và xác nhận xảy ra lỗi kỹ thuật trong khâu thành phẩm. Lô hàng này được đặt sản xuất dưới thương hiệu CF tại Thái Lan.

Sau khi kiểm tra, công ty nhận định sản phẩm này không đạt yêu cầu để bày bán tại Con Cưng nên đã tiến hành thu hồi toàn bộ 5.982 sản phẩm của lô hàng đang trưng bày tại cửa hàng. Việc thu hồi được thực hiện trên toàn bộ hệ thống cửa hàng và từ những khách hàng đã mua, bất kể những sản phẩm đó có gặp lỗi tương tự hay không.

“Chúng tôi đã rà soát lại toàn bộ quy trình đặt hàng, quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu vào và nhận thấy lỗi của Con Cưng là đã không kiểm tra hết toàn bộ lô hàng”, thông cáo nêu rõ.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luật sư nhận định về việc hàng hóa của Con Cưng bị tráo tem nhãn