Trung Quốc từng tuyên bố sẽ không bao giờ cạnh tranh với Mỹ trên Mặt trăng, nhưng giờ đây đã thay đổi quan điểm.
Nhịp đập khoa học

Lý do Trung Quốc đổi quan điểm sau khi từng tuyên bố ‘không bao giờ cạnh tranh với Mỹ trên Mặt trăng’

Sơn Vân 18:13 22/06/2024

Trung Quốc từng tuyên bố sẽ không bao giờ cạnh tranh với Mỹ trên Mặt trăng, nhưng giờ đây đã thay đổi quan điểm.

Trong kế hoạch chiến lược mới về Mặt trăng, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) lần đầu tiên đã xác định Mỹ là đối thủ cạnh tranh, đánh dấu một sự thay đổi lớn từ chính sách không gian thận trọng lâu nay của quốc gia này sang vị thế có sức mạnh ngày càng tăng nhanh.

Việc con người khám phá Mặt trăng luôn có tính cạnh tranh, bắt đầu bằng cuộc giằng co giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.

“Trong bối cảnh lịch sử của thời kỳ đó, cuộc đua phô diễn sức mạnh chính trị vượt trội khiến việc khám phá Mặt trăng không bền vững. Có thể thấy trước rằng trong 20 đến 30 năm tới, Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế của Trung Quốc cùng chương trình Artemis của Mỹ sẽ cạnh tranh về mặt công nghệ và hiệu quả hoạt động trên cùng một giai đoạn lịch sử và ở cùng một vị trí địa lý (cực nam của Mặt trăng)", trích nội dung kế hoạch mới của CNSA.

Kế hoạch mới, “khái niệm chiến lược về lộ trình phát triển sử dụng tài nguyên của Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế”, được viết dưới sự lãnh đạo của Pei Zhaoyu, Phó giám đốc Trung tâm kỹ thuật Vũ trụ và thám hiểm Mặt trăng của CNSA, đã có trên tạp chí Hàng không Vũ trụ Trung Quốc.

Pei Zhaoyu và các đồng nghiệp cho biết: “Việc sử dụng tài nguyên Mặt trăng sẽ trở thành tâm điểm của cuộc cạnh tranh. Các quốc gia như Mỹ không có lợi thế rõ rệt trong vấn đề này”.

Mỹ từ lâu đã coi Trung Quốc là đối thủ trong cuộc chạy đua mới lên Mặt trăng, coi việc này chủ yếu là tranh giành lãnh thổ.

“Đó là sự thật: Chúng ta đang trong một cuộc đua vào không gian. Đúng là chúng ta nên cẩn thận kẻo họ đến một nơi trên Mặt trăng dưới chiêu bài nghiên cứu khoa học. Không nằm ngoài khả năng họ nói: Hãy tránh ra, chúng tôi ở đây, đây là lãnh thổ của chúng tôi”, Bill Nelson, Giám đốc NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ), nói trong một cuộc phỏng vấn về tham vọng lên Mặt trăng của Trung Quốc vào tháng 1.2023.

Song theo Pei Zhaoyu, Trung Quốc nhìn cuộc chơi này theo cách khác. Trung Quốc đặt mục tiêu tái tạo thành công ở Trái đất bằng cách tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn trên Mặt trăng. Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ giúp thiết lập các lợi thế về công nghệ, sản xuất và kinh tế để khuyến khích nhiều quốc gia ngừng theo chân Mỹ và tham gia các nỗ lực do họ dẫn đầu nhằm khai thác tài nguyên Mặt trăng.

“Việc sử dụng tài nguyên Mặt trăng là thách thức khoa học, động lực công nghệ và phần thưởng kinh tế. Hiệu quả và lợi ích sẽ là tiêu chuẩn đánh giá cốt lõi, định hướng việc xây dựng, vận hành và phát triển bền vững”, nhóm của Pei Zhaoyu viết.

Đất trên Mặt trăng đặc biệt giàu titan và sắt, hai kim loại có thể được sử dụng để sản xuất các bộ phận của tàu vũ trụ. Trung Quốc đã phát hiện ra rất nhiều phân tử nước trong các mẫu thu được gần đây trên Mặt trăng, một nguồn tài nguyên mà các sứ mệnh Apollo của Mỹ bỏ lỡ.

Các phân tử hydro và oxy này bị mắc kẹt trong các hạt đất trên Mặt trăng cho thấy sự hiện diện tiềm năng của 270 tỉ tấn tài nguyên nước trên Mặt trăng, có thể được sử dụng để sản xuất nhiên liệu tên lửa, nước và oxy cho các phi hành gia, theo các cơ quan vũ trụ Trung Quốc.

Theo kế hoạch mới nhất, Trung Quốc sẽ phóng hai tàu vũ trụ lớn trong vài năm tới để tiến hành thăm dò chi tiết các tài nguyên này và xác nhận các công nghệ chủ chốt để sử dụng tài nguyên. Đến năm 2030, công việc hợp tác giữa con người và máy móc thông minh dự kiến ​​sẽ đạt được trên bề mặt Mặt trăng.

Bắt đầu từ năm 2035, Trung Quốc có kế hoạch “tiến hành thu thập năng lượng quy mô lớn, khai thác vật liệu quy mô lớn và xây dựng quy mô lớn trên Mặt trăng để đạt được các ứng dụng kỹ thuật như sản xuất oxy và nước từ đất Mặt trăng, thu thập và khai thác tài nguyên khoáng sản, sản xuất linh kiện dựa trên kim loại và xây dựng công trình trên Mặt trăng".

“Hệ thống thăm dò tài nguyên dựa trên Mặt trăng bao phủ một khu vực rộng hàng nghìn kilomet và độ sâu hàng trăm mét” cũng sẽ được hoàn thành trong giai đoạn này.

Đến năm 2045, căn cứ Mặt trăng của Trung Quốc sẽ có các cơ sở lớn như nhà máy điện, nhà máy, cơ sở nghiên cứu khoa học, bãi phóng tên lửa, trung tâm du lịch và một thành phố nhỏ dưới lòng đất.

Robot thăm dò tài nguyên của Trung Quốc sẽ đi khắp bề mặt Mặt Trăng. Ước tính hơn một nửa khoản đầu tư xây dựng, vận hành các cơ sở này sẽ đến từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc, và hoạt động kinh tế sẽ đạt đến điểm hòa vốn. Con người sẽ sử dụng căn cứ này làm điểm khởi đầu để khám phá sao Hỏa.

“Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia đi đầu trong các hoạt động thám hiểm không gian sâu của con người”, theo kế hoạch mới của CNSA.

ly-do-trung-quoc-doi-quan-diem-sau-khi-tung-tuyen-bo-khong-bao-gio-canh-tranh-voi-my-tren-mat-trang-.jpg
Tàu thăm dò trong sứ mệnh Hằng Nga 6 là tàu đầu tiên của con người từng hạ cánh trên mặt tối phía xa Mặt trăng - Ảnh: Reuters

Hằng Nga 1, tàu thăm dò Mặt trăng đầu tiên của Trung Quốc, được phóng vào năm 2007. Do thiếu kinh nghiệm và sự tự tin, vệ tinh nhỏ nặng hai tấn này đã bay vòng quanh Trái đất trong hơn hai tuần trước khi tới Mặt trăng.

Ngay sau khi phóng, Tổng tư lệnh dự án thám hiểm Mặt trăng lúc đó của Trung Quốc là Luan Enjie nói với hãng thông tấn Tân Hoa Xã: “Trung Quốc sẽ không tham gia vào bất kỳ hình thức cạnh tranh trên Mặt trăng nào với bất kỳ quốc gia nào”.

Tuy nhiên chỉ mất chưa đầy 15 năm để cán cân sức mạnh không gian thay đổi. Trung Quốc đã đưa tàu thám hiểm lên sao Hỏa, thành lập hệ thống vệ tinh dẫn đường BeiDou để cạnh tranh với GPS của Mỹ và triển khai mạng lưới vệ tinh quan sát Trái đất lớn nhất thế giới có khả năng theo dõi máy bay chiến đấu tàng hình F-22.

Trung Quốc cũng đã hoàn thành việc xây dựng một trạm vũ trụ độc lập (điều mà Mỹ chưa bao giờ đạt được) và phát triển vệ tinh liên lạc có quỹ đạo tầm cao duy nhất trên thế giới có thể kết nối trực tiếp hàng triệu smartphone trên Trái đất ở khoảng cách 36.000km.

Chương trình thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc cũng đã đạt được những cột mốc quan trọng hàng đầu thế giới. Tháng trước, tàu đổ bộ của sứ mệnh Hằng Nga 6 đã hạ cánh nhẹ nhàng trên mặt tối phía xa Mặt trăng, nơi chưa có quốc gia nào khác đặt chân tới, để thu thập đá và đất. Những mẫu vật này sẽ sớm quay trở lại Trái đất.

Nhóm của Pei Zhaoyu viết: “Dù Mỹ đã bắt đầu thám hiểm Mặt Trăng sớm hơn nhưng do sứ mệnh bị trì hoãn và hạn chế về kinh phí nên họ đã mất vị trí dẫn đầu tuyệt đối”.

Để đối phó với những tiến bộ của Trung Quốc, chính phủ Mỹ đã giao cho các doanh nghiệp tư nhân thực hiện các sứ mệnh quan trọng trên Mặt trăng, tin rằng họ có thể xây dựng căn cứ trên Mặt trăng hiệu quả hơn NASA. Nhằm thúc đẩy những doanh nghiệp tư nhân này, Quốc hội Mỹ đã ban hành luật khẳng định nguyên tắc: “Khám phá trước, sở hữu trước”.

Tuy nhiên, hai sứ mệnh Mặt trăng tư nhân đầu tiên của Mỹ đã gặp trục trặc. Tàu Peregrine của hãng Astrobotic Technology (tàu vũ trụ đầu tiên của Mỹ cố gắng hạ cánh lên Mặt trăng sau nhiều thập kỷ) đã bị cháy trong một nỗ lực thất bại. Tàu Odysseus của công ty Intuitive Machines cũng gặp trục trặc kỹ thuật và lật nhào sau khi hạ cánh xuống Mặt trăng với tốc độ cao hơn dự kiến.

Chương trình Artemis của Mỹ gồm cả một trạm vũ trụ có tên Gateway quay quanh Mặt trăng. Tuy nhiên, tính khả thi của kế hoạch này vấp phải sự hoài nghi trong cộng đồng vũ trụ Trung Quốc, bởi Mỹ chưa bao giờ xây dựng thành công một trạm vũ trụ hoàn chỉnh, ngay cả trên quỹ đạo Trái đất.

Phòng thí nghiệm vũ trụ Skylab của Mỹ hoạt động chưa đầy một năm trước khi bị rơi và công nghệ cốt lõi của Trạm Vũ trụ Quốc tế do Nga cung cấp.

Starship của SpaceX (công ty hàng không vũ trụ do Elon Musk điều hành) đã đạt được thành công đáng kể trong các chuyến bay thử nghiệm. Dù tàu vũ trụ khổng lồ Starship vẫn phải thử nghiệm thêm và cần đột phá về công nghệ để bay lên Mặt trăng, một số kỹ sư hàng không vũ trụ Trung Quốc tin rằng đây là niềm hy vọng lớn nhất của Mỹ trong cuộc đua.

Bài liên quan
Các nhà khoa học Trung Quốc tìm thấy lỗ hổng ở phần mềm phát triển vũ khí siêu thanh của NASA
Nhóm nghiên cứu ở Trung Quốc tuyên bố đã phát hiện ra một lỗ hổng tiềm ẩn nghiêm trọng trong phần mềm khí động học siêu thanh của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lý do Trung Quốc đổi quan điểm sau khi từng tuyên bố ‘không bao giờ cạnh tranh với Mỹ trên Mặt trăng’