“Giải pháp và cơ hội giảm phát thải khí nhà kính từ đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long” là hội thảo thu hút giới khoa học - công nghệ, các nhà khoa học, nông dân...
Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.Cần Thơ vừa phối hợp với Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề trên. Đây là vấn đề không mới nhưng giới khoa học nông nghiệp trong vùng có nhiều ý kiến khá mới mẻ và sôi nổi thể hiện trong buổi hội thảo.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho rằng đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” là một đề án rất quan trọng. Sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL là lợi thế của vùng và có vai trò nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, ổn định xã hội, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, việc sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống đã gây phát thải khí nhà kính với tỷ lệ khá cao (chiếm đến 50% phát thải trong toàn ngành nông nghiệp).
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hè, chúng ta phải tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững, gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) tiến đến Net Zero carbon vào năm 2050.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết TP.Cần Thơ với diện tích đất tự nhiên trên 140.000ha, trong đó gần 80% là diện tích đất nông nghiệp, riêng diện tích canh tác lúa 75.000ha, sản lượng lúa hằng năm đạt trên 1,3 triệu tấn. Cần Thơ đang tích cực tập trung triển khai nhiều mô hình tại 3 huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ, quyết tâm tạo sức lan tỏa toàn vùng với sự kết nối, hợp tác của các tỉnh thành trong khu vực. Cơ sở để ngành nông nghiệp TP.Cần Thơ đăng ký 50.000ha lúa chất lượng cao trong tương lai là TP đã thực hiện dự án VNSAT thời gian qua có hiệu quả khả quan.
Hội thảo đi sâu vào các nội dung chính của Nghị định 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon đã xác định: Hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là hệ thống thu thập, xử lý, quản lý, lưu trữ, cung cấp, kiểm tra thông tin và thẩm định kết quả thực hiện, đảm bảo tính minh bạch, chính xác và có thể kiểm chứng được. Đây là vấn đề hết sức quan trọng làm cơ sở cho việc hình thành tín chỉ carbon.
Ông Lê Văn Bảnh, Trưởng đại diện Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp tại ĐBSCL băn khoăn về nước cho sản xuất lúa, về địa hình đồng ruộng và cách giảm thất thoát sau thu hoạch, về tổ chức thương lái để bảo vệ quyền lợi cho người nông dân. Theo ông Bảnh, để tăng thu cho người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, nên tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học.
Nhằm đạt được những mục tiêu cụ thể nêu ra trong Quyết định 1490/QĐ-TTg, Ban tổ chức hội thảo rất quan tâm đến việc làm sao giảm được phát thải khí nhà kính một cách bền vững và hiệu quả, đặc biệt là các giải pháp giảm khí thải nhà kính và thiết lập hệ thống đo khí thải nhà kính minh bạch, đáp ứng cơ sở khoa học phục vụ tín chỉ carbon. Đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sản xuất lúa.
PGS-TS Trần Kim Tính (Khoa Môi trường, tài nguyên thiên nhiên - Đại học Cần Thơ) đi sâu phân tích các phương pháp giảm phát thải trong canh tác lúa chất lượng cao; giới thiệu các dòng máy quan trắc phát thải trong nông nghiệp của các nước tiên tiến. Ông nêu về ưu điểm các dòng sản phẩm chất lượng cao, chính xác trong quan trắc phát thải, tuy nhiên theo ông, giá thành máy quá cao, giá 3 - 4 tỉ đồng/chiếc. Điều này rất khó đối với những tổ chức, cá nhân canh tác nông nghiệp Việt Nam hiện nay, nhất là khi giá trị sản phẩm nông nghiệp còn thấp.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, giảng viên cao cấp Đại học Cần Thơ cho rằng quy trình để định lượng khí thải carbon theo tiêu chuẩn quốc tế rất khắt khe. Vì vậy, việc chúng ta làm thế nào để đạt chứng chỉ carbon được họ công nhận và mua là điều không phải dễ. Sản xuất lúa rất cần nhiều nước, tuy nhiên hiện nay tình trạng hạn mặn càng ngày càng gay gắt và trong tương lai thì nước có thể sẽ khan hiếm hơn khi mà các nước thượng nguồn sông Mê Kông tăng cường xây đập thủy điện và kênh đào làm cho lượng nước về hạ nguồn ngày càng giảm.
Các tham luận tại hội thảo tập trung vào những vấn đề: Hợp tác, nghiên cứu phát thải khí nhà kính trong canh tác nông nghiệp tại Khoa Môi trường và tài nguyên thiên nhiên; các phương pháp đo khí thải nhà kính; mô hình canh tác giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; các giải pháp kỹ thuật nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao; một số mô hình canh tác nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính; phương pháp quan trắc khí thải nhà kính, kinh nghiệm áp dụng giải pháp giảm phát thải khí nhà kính tại An Giang thông qua dự án VNSAT; góc nhìn của doanh nghiệp và đầu ra sản phẩm, thực trạng và giải pháp sản xuất lúa chất lượng cao - phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại TP.Cần Thơ…
Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.Cần Thơ cho rằng: “Hội thảo tạo tiền đề cho các đơn vị chủ quản trong chỉ đạo thực hiện có hiệu quả đề án; tiếp cận được nhiều thông tin hữu ích trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của mình tại địa phương; các ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; các chuyên gia khoa học nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực giảm thiểu phát thải khí nhà kính… góp phần làm chậm lại sự nóng lên của toàn cầu, giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu”.