Thủ đoạn chung của những kẻ này là mạo danh nhân viên của các công ty tài chính, ngân hàng lớn để tạo lòng tin, sau đó yêu cầu người vay chuyển khoản đặt cọc hoặc trả trước một khoản tiền nhất định.
Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC, Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT), thời gian qua, nắm bắt tâm lý nhiều người dân có nhu cầu vay tiền online để phục vụ cuộc sống, một số kẻ đã giả danh cán bộ ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đang điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 400 triệu đồng với thủ đoạn như trên. Theo đó, vào ngày 2.10.2024, do có nhu cầu vay tiền online, chị N. (SN 1982, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) có lên mạng xã hội tìm hiểu và truy cập vào một trang web có thông tin vay tiền ngân hàng.
Chị N. nhắn tin vay 150 triệu, được một người hướng dẫn khai báo thông tin qua đường link. Khi khai báo xong, kẻ này thông báo là khoản vay đã được duyệt nhưng chưa rút được do bị sai tài khoản, muốn sửa lỗi sai đó phải nộp 15 triệu đồng.
Chị N. chuyển tiền xong nhưng vẫn không rút được tiền. Lúc này, chúng tiếp tục đưa ra nhiều lý do khác nữa để chị chuyển tiền thì mới được giải ngân. Tổng số tiền chị đã chuyển là gần 400 triệu đồng. Sau đó, chị N. nhận ra mình bị lừa nên đã đến cơ quan công an trình báo.
Theo cơ quan chức năng, thủ đoạn chung của các kẻ này là mạo danh nhân viên của các công ty tài chính, ngân hàng lớn để tạo lòng tin, sau đó yêu cầu người vay chuyển khoản đặt cọc hoặc trả trước một khoản tiền nhất định.
Chúng dẫn dụ người ta bằng cách hứa hẹn khoản vay nhanh, không cần chứng minh tài sản, không kiểm tra tín dụng và thủ tục rất đơn giản. Tuy nhiên, sau khi đăng ký, chúng yêu cầu người vay phải trả trước các khoản phí dịch vụ, phí hồ sơ, nhưng sau đó không giải ngân khoản vay.
Chưa hết, chúng yêu cầu người dùng tải ứng dụng cho vay tiền trực tuyến giả mạo được phát triển để đánh cắp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, thậm chí thông tin thẻ tín dụng. Người vay sau khi điền đầy đủ thông tin không nhận được tiền vay mà còn bị mất thông tin quan trọng.
Một số dịch vụ cho vay online ban đầu hứa hẹn lãi suất thấp, nhưng khi giải ngân thì các điều khoản thay đổi, lãi suất tăng cao bất ngờ, kèm theo các loại phí phạt vô lý. Sau khi người vay không thể trả nợ, kẻ lừa đảo sẽ đe dọa, khủng bố tinh thần bằng cách gọi điện liên tục, nhắn tin đe dọa, thậm chí bôi nhọ danh dự của người vay trên mạng xã hội.
Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên thận trọng và cảnh giác trước những quảng cáo cho vay tiền không thế chấp tràn lan trên mạng xã hội.
Cơ quan chức năng cho biết người dân chỉ nên vay tiền từ các tổ chức tài chính, ngân hàng có uy tín và đã được cấp phép hoạt động. Tránh xa các ứng dụng, website cho vay không rõ nguồn gốc, hoặc không có thông tin liên hệ rõ ràng.
Trước khi sử dụng bất kỳ dịch vụ cho vay online nào, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về công ty, đánh giá từ người dùng khác và kiểm tra trên các trang web chính thống hoặc báo chí để xác minh tính hợp pháp.
Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng lạ. Không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào. Không truy cập vào các đường dẫn lạ. Tuyệt đối không chia sẻ số tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu, hoặc bất kỳ thông tin nhạy cảm nào.
Trong trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.