Dẫn anh bạn đi phượt một vòng quanh các danh thắng ở Kuala Lumpur dưới cái nắng oi ả, ngột ngạt, độ ẩm cao của tháng 4 không kiếm được một lời cảm ơn từ bạn. Thay vào đó, anh bạn buông: “Malaysia chả có gì hết, thế mà gọi là châu Á đích thực”.

Melaka không còn yên tĩnh

Một Thế Giới | 05/05/2014, 11:36

Dẫn anh bạn đi phượt một vòng quanh các danh thắng ở Kuala Lumpur dưới cái nắng oi ả, ngột ngạt, độ ẩm cao của tháng 4 không kiếm được một lời cảm ơn từ bạn. Thay vào đó, anh bạn buông: “Malaysia chả có gì hết, thế mà gọi là châu Á đích thực”.

Nhưng vẫn còn thứ để xem

Đúng là khung cảnh Kuala Lumpur không có gì quá đặc sắc, đường sá thì đặc nghẹt xe hơi, đồ ăn đường phố đắt mà không hợp khẩu vị, tìm được một tài xế taxi tử tế là thách thức. Nhưng riêng Kuala Lumpur năm 2013 qua đón 9,2 triệu du khách nước ngoài và họ tiêu ở đây 7,8 tỉ USD, theo khảo sát của hãng thẻ tín dụng MasterCard. Nếu tính về khả năng “móc túi” người nước ngoài, với 7,8 tỉ USD, Kuala Lumpur là thành phố xếp hạng 13 thế giới, trên cả các thành phố nổi tiếng như Los Angeles (Mỹ), Thượng Hải (Trung Quốc), Rome (Ý).

Tính cả nước, Malaysia năm rồi đón hơn 25 triệu du khách nước ngoài, liên tiếp xếp trong tốp 10 các nước đón nhiều du khách quốc tế trong vài năm qua. Chiến thuật giội bom khẩu hiệu “Truly Asia” (Châu Á đích thực) của họ suốt 15 năm qua trên nhiều kênh quảng bá thật hiệu quả. Việt Nam với vịnh Hạ Long và các di sản thế giới khác chẳng ăn thua vào đâu. Năm 2013, số khách nước ngoài đến Việt Nam còn thua riêng Kuala Lumpur đến 2 triệu người.

Để chứng minh Malaysia vẫn còn thứ để xem, lại dẫn bạn phượt ngồi xe buýt gần hai giờ đồng hồ tới Melaka (còn gọi là Malacca), thành cổ có gốc tích từ thế kỷ 13 được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Bên cạnh George Town, một thành phố di sản khác nằm gần biên giới với Thái Lan, và phần nào đó là Kota Kinabalu nằm dưới chân ngọn Kinabalu mái nhà của Đông Nam Á, ít ra Melaka còn có nhiều thứ đáng để chiêm ngưỡng.

Các công trình kiến trúc là sự pha trộn giữa các nền văn hoá Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh và bản địa, gợi tới sự hoà hợp giữa các tôn giáo Phật, Lão, Khổng, Hồi, Hindu, Công giáo vẫn còn đó. Nhà thờ phế tích St. Paul trên đỉnh đồi cao nhất nhìn ra bờ vịnh Melaka vẫn thách thức thời gian. Dòng sông Melaka chia phố cổ thành hai nửa vẫn đưa nước trôi qua những chân cầu bình dị.

Tràn ngập du khách Trung Quốc

Nhưng cái không khí yên bình của ba năm trước ở Melaka dường như đang mất dần. Cái cảm giác nhìn vào đâu, như những mái nhà cong, bậu cửa sổ, bể cạn trồng hoa súng trước hàng hiên... cũng thấy căng đầy tinh thần nghệ thuật như ba năm trước trong tôi không còn nữa bởi dòng người tràn ngập phố cổ. Cái cảm giác mình là “công dân thế giới” giữa đủ mọi loại màu tóc, màu da khi tối đến ngồi ở Ringo Classic Café cũng bị tước đoạt. Vì trong ngập tràn dòng người này, đến hơn 90% là du khách từ Trung Quốc.

Hard Rock Café lừng danh trên 50 nước mới mở thêm một cửa hàng ở đầu khu phố đi bộ Jonker Walk, trái tim của Melaka, không được sôi động như những Hard Rock Café tôi đã từng đi qua. Các tụ điểm ẩm thực có âm nhạc như Bistro Year 1673 đã không còn thuê các nhóm nhạc Philippines nữa, thay vào đó là nhạc đĩa với ca sĩ lớn tuổi người bản địa khều khào hát các bản tình ca tiếng Anh, tiếng Pháp vốn nguyên gốc mượt mà. Ở Ringo Classic Café, ông chủ quán đơn độc ôm đàn diễn, tiếng hát của ông đôi lúc bị át bởi âm thanh “tua xảo chén” (bao nhiêu tiền) ngoài đường.

Dòng người Trung Quốc không bận tâm nhiều đến việc hưởng thụ những thứ đó. Họ bận tâm hơn đến việc sao cho có bàn ở nhà hàng cơm gà viên Formosa đầu phố Jonker Walk. Cứ đến giờ ăn sáng, trưa, tối, trước nhà hàng ăn nào, kể cả nhà hàng bên ngoài xa khu phố di sản cũng dài dằng dặc dòng người xếp hàng chờ đến lượt có bàn ăn.

Theo thống kê của tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên hiệp quốc, năm 2013 có 1,087 tỉ lượt người ra nước ngoài du lịch. Người Trung Quốc chiếm gần 1/10 số đó, cụ thể là 97 triệu lượt người (năm 2004 chỉ có 29 triệu) và tiêu hết khoảng 102 tỉ USD. 
Bạn phượt và tôi chờ đến gần một giờ đồng hồ buổi sáng để đổi lấy 5 phút ăn tô mì thịt băm với giá chẳng mềm 10 ringgit (khoảng 65.000 đồng). Trong thời gian vừa chờ lấy chỗ, vừa đợi nhà hàng làm với tốc độ rùa bò, bạn phượt tán gẫu: “Mình mà mở nhà hàng phở Việt Nam ở đây thì thắng lớn”. Hỏi quản lý nhà nghỉ Cheng Ho Guest House mặt bằng giá thuê nhà thế nào, anh ta trả lời căn hơn 200m2 ở giữa phố cổ như nơi anh làm có giá thuê tháng khoảng 8.000 ringgit (52 triệu đồng). Nhẩm tính, thế là rẻ. Chưa rõ các bạn láng giềng phía bắc có ác cảm gì với phở hay không nhưng xét về mặt thời gian, người Việt làm nhanh hơn chắc. Nếu không phở thì xoay qua mì thịt băm. Trên những đôi đầu gối mềm nhũn vì chờ đợi, cái dạ dày cồn cào chấp nhận hết.

Jonker Walk trước không cho bán hàng giữa đường vào buổi tối, nhưng nay chấp nhận hết. Xen giữa các xe đẩy bán đồ ăn vặt, đồ lưu niệm, có cả các “mặt hàng thông minh” dành cho “người tiêu dùng thông minh” mà ta hay xem quảng cáo trên một số kênh sóng truyền hình: vòi sen tắm có than hoạt tính ở tay cầm để lọc nước ngay tắp lự, miếng chà lông trên quần áo, máy massage cầm tay... Chẳng biết có phải khi đi du lịch khiến người ta thoáng với ví tiền hơn nên tiền được ném ra rào rào để đổi lấy những món “made in China” từ chính quê nhà họ.

Theo thống kê của tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên hiệp quốc, năm 2013 có 1,087 tỉ lượt người ra nước ngoài du lịch. Người Trung Quốc chiếm gần 1/10 số đó, cụ thể là 97 triệu lượt người (năm 2004 chỉ có 29 triệu) và tiêu hết khoảng 102 tỉ USD. Du lịch nước ngoài đang trở thành một trong những thứ để khẳng định đẳng cấp ở xã hội Trung Quốc nên đi đâu, nhất là quanh Đông Nam Á, khó có thể tránh nổi cảm giác bị lấn át bởi âm thanh “tua xảo chén”.

Cũng có nhiều phàn nàn về hành vi của họ như nói to, hay nhổ nước bọt, xả rác, cường độ ăn buffet sáng ở các khách sạn... ở nhiều nơi. Nhưng không như ở Thái Lan, nơi tiếp 60% người Trung Quốc ra nước ngoài du lịch lần đầu, người Trung Quốc đến Melaka đa phần đã từng ra nước ngoài rồi nên họ cư xử cũng được. Nếu bạn chưa đến Melaka thì nó vẫn là nơi đáng đến để chiêm ngưỡng và để... luyện thêm tiếng Trung.

bài và ảnh Đinh Hiệp - TGTT

• Hiện các hãng hàng không giá rẻ như Air Asia, Jetstar, Cebu Pacific, Tiger Airways đều có tuyến đi từ Hà Nội hoặc TP.HCM đến Kuala Lumpur. Giá vé khứ hồi có lúc chỉ dưới 100 USD.

• Từ sân bay giá rẻ LCCT ở Kuala Lumpur có thể bắt xe buýt chạy thẳng đến Melaka quãng đường dài 115km mất 1g30 với giá 20 ringgit (130.000 đồng).

• Nếu chơi ở Kuala Lumpur trước rồi mới đến Melaka thì tới ga tàu Kuala Lumpur Sentral đón tàu đến bến xe Tasik Selatan (giá 1 ringgit) rồi từ đây đi xe buýt đến Melaka mất 2g15 với giá 10 ringgit.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
12 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Melaka không còn yên tĩnh